Lượt xem: 120
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng dự phiên họp sáng ngày 23-11-2023 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
      Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 8h00 ngày 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

      Sau phần thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

      Sáng 23/11/2023, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã phát biểu góp ý Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tập trung vào nội một số nội dung sau:

Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ phát biểu tại hội trường sáng 23/11/2023

      Đại biểu Phạm Thị Minh Huệ tôi thống nhất cao việc bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí xã hội tại Chương III dự thảo và chế độ thai sản đối với bảo hiểm tự nguyện, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; góp phần mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân. Đây là chính sách mà người dân rất mong chờ, góp phần khuyến khích, thu hút động viên người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các vấn đề an sinh xã hội.

      Tuy nhiên, để chính sách trợ cấp hưu trí xã hội được thực hiện có hiệu quả, khả thi đại biểu Huệ kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xem xét đối với nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội (khoản 2 Điều 4; Điều 20, khoản 1 Điều 21 và khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật) như sau: Tại Khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật giải thích từ ngữ “Trợ cấp hưu trí xã hội là khoản trợ cấp do ngân sách nhà nước đảm bảo cho người cao tuổi theo quy định của Luật này”. Đồng thời, khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật thì một trong những điều kiện được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là “Đủ 75 tuổi trở lên”. Điều này được hiểu người cao tuổi theo dự thảo Luật là đủ 75 tuổi trở lên, sẽ khác với người cao tuổi theo Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 là từ đủ 60 tuổi trở lên, tức trong 02 văn bản luật quan niệm về độ tuổi của người cao tuổi là không giống nhau. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất về độ tuổi của người cao tuổi trong thực tiễn sau khi dự thảo Luật được thông qua, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu việc giải thích từ ngữ “Trợ cấp hưu trí xã hội” cho phù hợp. 

      Mặt khác, Điều 20 dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội nhưng lại tiếp tục đưa ra cụm từ liên quan độ tuổi, cụ thể dự thảo Luật nêu “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật”. Theo khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 thì “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035”. Trong khi đó, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật đã quy định điều kiện về tuổi là “Đủ 75 tuổi trở lên”. Do đó, để tránh việc đưa ra nhiều độ tuổi trong cùng 01 chế độ, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh Điều 20 dự thảo Luật theo hướng “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật này ” để phù hợp hơn. 

      Trên cơ sở điều chỉnh đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội tại Điều 20 dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật cho phù hợp. Đại biểu Huệ đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét điều chỉnh theo hướng thay cụm từ “Đối tượng quy định tại Điều 20 của Luật này” thành cụm từ “Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật ” và điều chỉnh thành: “Công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật mà không thuộc đối tượng hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.”.

Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng dự phiên họp sáng ngày 23/11/2023

      Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi khi Luật được thông qua và áp dụng vào thực tiễn, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ đề xuất sửa đổi 02 nội dung như sau:

      - Thứ nhất. Về đối tượng áp dụng (Điều 2 dự thảo Luật): Tại Khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật bổ sung đối tượng “Người thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội”. Tuy nhiên, Điều 4 dự thảo Luật chưa đưa ra giải thích từ ngữ “Người thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội” gồm những đối tượng nào? Đồng thời, trong chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội bắt buộc từ Điều 84 đến Điều 89 dự thảo Luật và trong chế độ tử tuất của bảo hiểm xã hội tự nguyện tại Điều 109 cũng chưa đề cập đối tượng “Người thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội”. Thay vào đó, tại các Điều luật này dự thảo sử dụng cụm từ “thân nhân” và cụm từ “thân nhân” cũng được giải thích từ ngữ tại khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, nghiên cứu và làm rõ cụm từ “Người thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội” và làm rõ mối quan hệ với cụm từ “thân nhân”.

      - Thứ hai. Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật): Dự thảo Luật bổ sung 05 đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong đó có “Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh” (điểm l khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật). Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc việc đưa đối tượng này vào dự thảo vì trong kinh doanh thì hộ kinh doanh đã phải chịu thuế rất nhiều loại thuế như: thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, lệ phí môn bài. Nay, dự thảo Luật quy định đối tượng này phải tham gia xã hội bắt buộc với tỷ lệ đóng tới 25% (khoản 4 Điều 32 dự thảo Luật). Điều đó có thể gây gánh nặng về tài chính cho chủ hộ kinh doanh, có thể ảnh hưởng không tốt trong dư luận. Do đó, thay vì quy định đối tượng này phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có thể khuyến khích đối tượng này tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tạo sự đồng thuận trong xã hội hơn.
P.T.Hải
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 2 072
  • Tất cả: 534837
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.