Lượt xem: 1117
Giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
26/10/2023
Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Sóc Trăng do đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Cùng dự có đồng chí Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc
Theo báo cáo, tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện đồng bộ và đạt nhiều kết quả tích cực công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, mục tiêu giảm nghèo bền vững được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng thông qua việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực; phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát động nhiều phong trào, vận động hộ nghèo, người nghèo tham gia đăng ký thoát nghèo và đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo từ đó, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị các cấp về ý nghĩa, vai trò của công tác giảm nghèo bền vững, giúp cán bộ phụ trách và nhân dân đã được tiếp cận và nắm vững hơn về các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, từng bước giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh được triển khai hiệu quả; tính đến ngày 9/10/2023, tổng nguồn vốn năm 2022 thực hiện giải ngân được 31.858 triệu đồng, đạt gần 67% kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là chính sách tín dụng ưu đãi, việc làm, nhà ở, giáo dục, y tế, nước sạch… đã giúp cho người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua thời gian triển khai thực hiện Chương trình, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh giảm 7.270 hộ nghèo (tương đương giảm 2,19%); trong đó, giảm 3.031 hộ nghèo Khmer (tương đương giảm 3,01%); giảm 3.527 hộ cận nghèo (tương đương giảm 1,07%); trong đó, giảm 1.353 hộ cận nghèo Khmer (tương đương giảm 1,36%).
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào phát biểu chỉ đạo
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà UBND tỉnh và các sở, ban nganh có liên quan và các địa phương đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan quan tâm hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời tại các địa phương trong triển khai thực hiện chương trình và chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đa dạng, phù hợp các hình thức truyền thông về giảm nghèo để hộ nghèo nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách giảm nghèo; trong thực hiện chính sách, dự án hỗ trợ phải xác định đầu tư sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu để các hộ nghèo tự vươn lên, tránh trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; thực hiện nghiêm túc, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022 và tối thiểu 90% vốn kế hoạch năm 2023 được giao.
K.C