Lượt xem: 15
Để giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân tỉnh đi vào cuộc sống người dân
        Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND) được Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND quy định. Việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND, nhất là hoạt động giám sát chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương. Giám sát để đánh giá chính sách đi vào cuộc sống như thế nào, để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, tất cả vì mục tiêu cho sự phát triển.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc tại huyện Long Phú về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

        Thực hiện nghị quyết 34/NQ-HĐND ngày 11/7/2023 về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh Sóc Trăng năm 2024 và kế hoạch giám sát của thường trực HĐND tỉnh năm 2024. Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh đã tổ chức 26 cuộc giám sát, khảo sát sát chuyên đề; qua giám sát, khảo sát Đoàn đã tiếp thu được hàng trăm ý kiến đề xuất, kiến nghị được tổng hợp chuyển đến Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng xem xét, giải quyết. Nội dung các cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề được Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh lựa chọn đảm bảo tính toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đều là vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến người dân, được các cấp, các ngành và dư luận xã hội quan tâm, như: Việc thực hiện chế độ chính sách; công tác triển khai các dự án đầu tư, xây dựng trên địa bàn; quản lý nhà nước về đất đai; chất lượng nước sinh hoạt, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh; kết quả triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh nhất là các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh… . Qua các cuộc khảo sát, giám sát chuyên đề cho thấy chất lượng các cuộc giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND trên địa bàn tỉnh đã nâng lên đáng kể. Việc lựa chọn chuyên đề giám sát đã sát hơn, phù hợp hơn với tình hình thực tiễn; quy trình và cách thức tổ chức giám sát chuyên đề bài bản, khoa học. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy phương pháp giám sát chuyền đề vẫn còn bất cập, tính độc lập của thông tin chưa cao, chủ yếu nghe trình bày báo cáo của đơn vị chịu sự giám sát, chưa tiến hành thẩm tra hồ sơ báo cáo nên có một số cuộc kết quả chưa như mong muốn; số lượng các cuộc chuyên đề về tái giám sát còn ít; một số kiến nghị sau giám sát chưa được giải quyết kịp thời.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri tại thị xã Vĩnh Châu

        Để nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND quan trọng nhất là chủ thể hoạt động giám sát phải nắm chắc quy định của pháp luật, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015; Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặt khác, khâu chuẩn bị và lựa chọn nội dung giám sát cần phải trúng và đúng, đây cũng là yếu tố đóng vai trò chủ đạo cho nên chỉ lựa chọn một số vấn đề trọng tâm, đang bất cập, được dư luận quan tâm; không ôm đồm nhiều nội dung để tránh dàn trải, giám sát không sâu.
 
        Song song đó, để giám sát chuyên đề của HĐND đi vào cuộc sống của người dân, bên cạnh giám sát bằng báo cáo cần tăng cường khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến các tầng lớp Nhân dân, các chủ thể là đối tượng của hoạt động quản lý nhà nước, chịu tác động của chủ trương, chính sách hay những cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát… . Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất khi tiến hành giám sát chuyên đề là phải phát hiện được sự chênh lệch giữa báo cáo và thực tiễn, đây sẽ là căn cứ để Đoàn giám sát yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước giải trình, làm rõ trong buổi làm việc. Trong quá trình giám sát, cần tạo ra không khí cởi mở, xây dựng, để đối tượng chịu sự giám sát nắm bắt và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Từ đó, chia sẻ những vướng mắc, bất cập để tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề thực sự hiệu quả.

Đoàn giám sát của Ban văn hóa – xã hội, HĐND tỉnh làm việc tại huyện Mỹ Tú về thực hiện chính sách người có công với cách mạng

        Sau mỗi cuộc giám sát chuyên đề phải ban hành được báo cáo kết quả giám sát đánh giá được đầy đủ, toàn diện, sâu sắc về nội dung giám sát và phải được tổng hợp từ giám sát thực tế và giám sát qua báo cáo. Các số liệu, nhận định cần tinh gọn nhưng bảo đảm tính chính xác, cần đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế. Trong kết luận, kiến nghị sau giám sát  nội dung cần cụ thể, rõ ràng, đúng phạm vi trách nhiệm thực hiện, tránh nêu kiến nghị chung chung, không khả thi… . Đồng thời, có thời hạn, lộ trình cụ thể để yêu cầu đối tượng chịu sự giám sát thực hiện; tạo cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc khắc phục. Nếu các kiến nghị giám sát bị lãng quên, chưa được giải quyết, cần có văn bản đôn đốc hoặc tiếp tục chất vấn tại kỳ họp gần nhất của HĐND, yêu cầu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người đứng đầu và giải pháp khắc phục.

        Sau khi báo cáo kết quả giám sát chuyên đề được thông qua, Thường trực HĐND cần phân công rõ nhiệm vụ cho các Ban của HĐND, bộ phận tham mưu, giúp việc theo dõi, giám sát, đôn đốc triển khai. Đồng thời, theo dõi việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát qua các kênh thông tin từ cơ sở, qua các hội nghị tiếp xúc cử tri; qua đề xuất của các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND và qua khảo sát trực tiếp tại cơ sở;… . Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra các cơ quan, đơn vị được giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát.

        Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh là cơ sở để có thêm căn cứ đánh giá lại việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND đã ban hành có phù hợp với thực tiễn và thực sự đi vào cuộc sống người dân ra sao, từ đó nhanh chóng bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý, điều hành xã hội của chính quyền địa phương. Vai trò của cơ quan dân cử, ý chí và nguyện vọng của cử tri cũng được đảm bảo và phát huy có hiệu quả./.
K.C











Thống kê truy cập
  • Đang online: 63
  • Hôm nay: 939
  • Trong tuần: 6 786
  • Tất cả: 596409
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.