Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động
Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi lễ.
Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được tổ chức vào tháng 12 hàng năm. Tháng 12 cũng là dịp kỷ niệm ngày lễ đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, ngày Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam 12 tháng 12. Việt Nam đến giờ phút này có lẽ vẫn là nước duy nhất trên thế giới có ngày vinh danh các doanh nghiệp công nghệ số. Ngày mai là ngày 12 tháng 12. Xin được chúc mừng các doanh nhân, doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam!
Diễn đàn là thời điểm chúng ta cùng nhìn lại, tổng kết, đánh giá sự phát triển, tôn vinh các doanh nghiệp công nghệ số tiêu biểu thông qua Giải thưởng Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam.
Đây là các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và làm ra tại Việt Nam, có tác động, ảnh hưởng lớn trong việc đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp và chính quyền lên môi trường số, góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số.
Nhìn lại chặng đường 4 năm vừa qua, từ năm 2019 đến nay, ngành Công nghiệp công nghệ số Việt Nam đã có những bước phát triển và trưởng thành đáng khích lệ.
Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu công nghiệp công nghệ số tăng 32%, tỷ trọng Make in Vietnam của các sản phẩm công nghiệp công nghệ số tăng từ 21% lên 29%. Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%, và chúng ta hiện có tới trên 1.400 doanh nghiệp loại này, với doanh thu đang tiến dần tới mốc 10 tỷ $.
Năm 2019, chúng ta đã đặt tên, khai sinh ra cộng đồng Công nghệ số Việt Nam, với sứ mệnh Make in Viet Nam: Nghiên cứu tại Việt Nam, Sáng tạo tại Việt Nam, Làm ra tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, hiện thực hoá khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Việt Nam không chỉ lắp ráp, gia công mà còn là sáng tạo ra sản phẩm Việt Nam, giải bài toán Việt Nam và đi ra toàn cầu.
Muốn đi xa thì hãy nhớ lấy sứ mệnh ban đầu ấy!
Chủ đề của Diễn đàn năm nay và cũng là chủ đề của năm 2024, là: Sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Phát triển kinh tế số (KTS) thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) cho các ngành. Vậy ai sẽ là người làm việc này? Đó phải là các nhà mạng, là các doanh nghiệp công nghệ số. Chúng ta có hạ tầng, chúng ta có công nghệ, chúng ta có nhân lực, chúng ta có hiểu biết CĐS, thì chúng ta phải là người sáng tạo ra các ứng dụng CĐS cho các ngành để bán cho họ. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển CĐS rất chậm.
Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp CNS phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Nhà mạng China Mobile của Trung Quốc một năm chi tới 4 tỷ $ để phát triển các ứng dụng, các Use Case, cho các ngành công nghiệp. Họ đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hàng năm của China Mobile vì thế mà tăng trên 10%. Thị trường các ứng dụng 5G sẽ đạt 670 tỷ $ vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020.
Vậy thì, hàng chục ngàn doanh công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và lĩnh vực này. Và đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ nay có một sứ mệnh mới là công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, CĐS cho các ngành, các lĩnh vực.
Phát triển Kinh tế số các ngành cũng chính là cách để tăng năng suất lao động của các ngành này. Việt Nam chúng ta nhiều năm nay đều không đạt mục tiêu tăng năng suất lao động, thì nay, lời giải của chúng ta về vấn đề nan giải này là sáng tạo các ứng dụng số để phát triển KTS các ngành.
Năm 2024 sẽ là năm thương mại hoá, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp.
Năm 2024 còn là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. Tôi xin nói một chút về AI hẹp.
AI hoạt động được là khi con người chỉ ra cho nó một mục đích, một số rules nhất định. Nếu không có hai cái này thì AI sẽ đứng yên. Con người thì lại có thể chỉ ra các mục đích khác nhau, ra các rules khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau, để giải quyết những vấn đề khác nhau. Đó là chưa nói đến việc con người còn quyết định đưa cho AI những dữ liệu gì, thuật toán gì và cách mà chúng ta dạy nó. Vậy là công việc của con người sẽ tập trung đúng vào việc của con người hơn, đó là nuôi dạy đứa con AI, rồi hướng nó vào đâu, mục tiêu gì, định hướng nào, để nó giúp việc cho chúng ta.
Rồi sẽ đến lúc mỗi người có một trợ lý ảo của riêng mình, trợ lý ảo này không chỉ là tri thức của nhân loại mà còn mang bản sắc của cá nhân mỗi người. Và trợ lý sẽ vẫn mãi là trợ lý, trừ khi con người tự từ bỏ vai trò làm chủ của mình. Ứng dụng AI hẹp, AI công nghiệp sẽ mang lại hiệu quả nhanh, giúp tăng năng suất lao động, thông minh hoá nguồn nhân lực, lại ít nguy cơ. Vậy thì hãy bắt đầu trước và rất nhanh từ các ứng dụng AI hẹp.
Năm 2024 cũng là năm đầu tiên chúng ta thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, không chỉ có vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất, thì việc xử lý dữ liệu, tức là chip bán dẫn, sẽ tiếp tục là trọng yếu. Nhu cầu về xử lý dữ liệu sẽ không khác gì nhu cầu về điện, nước. Một số quốc gia đã đưa ra khái niệm Computing Utility, tức là hạ tầng tính toán.
Lợi thế căn bản nhất của chúng ta là người Việt Nam có gien về STEM (toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học). Mà STEM là căn bản của công nghệ bán dẫn, của thiết kế chip. Trong các lợi thế thì lợi thế gien là quan trọng nhất, chắc cũng không kém lợi thế về địa chính trị. Từ lợi thế nhân lực sẽ ra các lợi thế khác. Từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Chúng ta phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn nó trong một ngữ cảnh lớn hơn, một bức tranh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn thì chỉ có 60 tỷ $, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn thì là 600 tỷ $, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ $, còn ngành công nghiệp CĐS thì trên 20.000 tỷ $, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp,...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT. Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp CĐS. Công nghiệp CĐS là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam với 100 triệu dân là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hoá nhanh, CĐS nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều, nên sẽ là một bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn.
Công nghiệp bán dẫn là một chuỗi cung ứng, một hệ sinh thái có tính toàn cầu. Chúng ta sẽ phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong một hệ sinh thái trong nước và toàn cầu. Vừa có tự chủ, vừa có hợp tác quốc tế. Nhưng Việt Nam vẫn phải tiến tới một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, không chỉ là một vài công đoạn. Công nghệ số đang thay đổi rất nhanh, có thể còn nhanh hơn. Chỉ có một chuỗi cung ứng quốc gia đầy đủ thì mới đáp ứng được tốc độ nhanh và giá thành thấp.
Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Viet Nam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng.
Việt Nam là nước có mật độ doanh nghiệp công nghệ số rất dầy. Họ khát khao làm ra sản phẩm Việt Nam. Họ khát khao đi ra chinh phục thế giới, làm rạng danh Việt Nam bằng sản phẩm Việt Nam, bằng công nghệ Việt Nam.
Họ cũng rất mong muốn chính phủ, các bộ ngành và địa phương giao cho họ những nhiệm vụ lớn hơn để chuyển đổi quốc gia, để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, họ có đủ năng lực để làm những việc đó. Chỉ có những việc lớn, khát vọng lớn mới giúp tạo ra những doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam nguyện sẽ mang hết sức mình để biến Việt Nam thành một quốc gia công nghệ, sáng tạo công nghệ và tiêu dùng công nghệ, dùng công nghệ để hiện thực hoá khát vọng hùng cường thịnh vượng, và không chỉ có vậy, mà còn biến Việt Nam thành một trung tâm công nghệ số toàn cầu. Sản phẩm công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần tạo nên thương hiệu Việt Nam, đóng góp cho sự thịnh vượng của nhân loại.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Nguyễn Mạnh Hùng