Sóc Trăng khẩn trương gỡ khó cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn giãn cách
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến nhiều mặt, trong đó có sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, việc thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh miền Tây khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp khó trong quá trình tiêu thụ, vận chuyển giữa các tỉnh. Tại Sóc Trăng, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, những khó khăn trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trước điều kiện dịch bệnh cơ bản đã được tháo gỡ kịp thời. Để hiểu rõ hơn nội dung này, chúng tôi có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng. 
Phóng viên: Đầu tiên xin đồng chí cho biết, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 thì tình hình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh đã chịu những ảnh hưởng như thế nào, thưa đồng chí? 
 
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Như chúng ta đã biết, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp trên toàn quốc; đáng lo ngại khi liên tục ghi nhận nhiều ca nhiễm trong cộng đồng ở khu vực phía Nam. Riêng tại Sóc Trăng, để đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch bệnh, một số khu vực các huyện, thị đã phải áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và  Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 19/7; đến ngày 19/7, 19 tỉnh khu vực cũng bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn. Với một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp như Sóc Trăng, đặc biệt là ngay trong giai đoạn một số nông sản trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn thu hoạch, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động không ít đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh. Cụ thể, ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm nước lợ, tình hình tôm trên đồng đang phát triển tốt, dịch bệnh trên tôm được kiểm soát, các nhà máy chế biến, xuất khẩu trên địa bàn tỉnh vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo duy trì tốt từ khâu nuôi, chế biến cho đến xuất khẩu. Đối với lĩnh vực trồng trọt, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa nông sản, sức mua người dân giảm, một số nông sản không xuất khẩu được, dẫn đến giá cả một số mặt hàng nông sản của tỉnh liên tục giảm. Hiện các chợ đầu mối, chợ truyền thống của TP. Hồ Chí Minh tạm ngưng hoạt động cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ nông sản của tỉnh vì nơi này vốn là trung tâm đầu mối tiêu thụ nông sản của các tỉnh khu vực phía Nam. Tuy nhiên, đối với những diện tích cây ăn trái có liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp xuất khẩu như chuỗi liên kết vú sữa, bưởi… thì việc tiêu thụ vẫn được diễn ra thuận lợi và giá bán ổn định. Nhìn chung, ngay khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sản xuất nông nghiệp tại tỉnh đã phát sinh một số khó khăn nhất thời trong thời gian bắt đầu thực hiện giãn cách như: Các quy định kiểm soát phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở một số địa phương chưa thống nhất, đồng bộ trong việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, các vật tư đầu vào phục vụ trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi cũng như khâu thu hoạch, tiêu thụ. Việc vận chuyển vật tư đầu vào cũng như sản phẩm đầu ra trong vùng sản xuất nông nghiệp các khu bị giãn cách, phong tỏa. Việc các nhà máy thực hiện 3 tại chỗ bước đầu bố trí, sắp xếp công nhân cũng gặp một số khó khăn dẫn đến hoạt động  sản xuất cũng có phần ảnh hưởng; đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp chế biến thủy sản.
 
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh 
 
Phóng viên: Vậy để duy trì tốt chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong giai đoạn giãn cách, ngành đã triển khai những phương án nào? 
 
Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Để thực hiện mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, nhằm đảm bảo duy trì tốt chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn này, ngành đã triển khai khẩn trương rất nhiều phương án như: Thông báo và vận động cán bộ ngành, người dân tuân thủ nguyên tắc “5K” vừa  phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế. Thực hiện kết nối liên tục tình hình sản xuất tại các địa phương thông qua đường truyền họp trực tuyến trong hệ thống ngành nông nghiệp tới các địa phương, thành lập các tổ nhóm Zalo tại các cơ quan đơn vị, các hợp tác xã để xử lý công việc được thường xuyên, trao đổi thông tin kết nối tiêu thụ nông sản liên tục… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh bao gồm các thành viên của ngành và phòng Nông nghiệp, phòng Kinh tế các địa phương. Kết nối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương các tỉnh và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giải pháp tháo gỡ từng vướng mắc, bất cập trong quá trình tiêu thụ nông sản ở từng thời điểm khác nhau. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 3149/QĐ-BNN-VP thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch bệnh Covid -19 để hỗ trợ tiêu thụ nông sản; rà soát các sản phẩm nông sản của tỉnh về sản lượng, chủng loại, thời gian thu hoạch… để kết nối liên kết tiêu thụ, đa dạng các kênh phân phối, các sàn thương mại điện tử… Chúng tôi cũng đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nông dân và doanh nghiệp để ổn định sản xuất, khuyến khích bà con nông dân sản xuất rải vụ, sản xuất theo nhu cầu của thị trường; cập nhật thông tin giá cả thị trường và các khuyến cáo giải pháp kỹ thuật để đảm bảo sản xuất tốt trong giai đoạn hiện nay. Ngành cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thể hiện tốt hơn phương châm hành động của ngành là “gần dân, sát cơ sở” để kịp thời tháo gỡ những khó khăn xảy ra trong quá trình phát triển nông nghiệp của các huyện, thị thông qua hình thức trao đổi nhanh qua điện thoại, email, zalo hoặc họp trực tuyến online  24/24. Ngành cũng tham mưu cho UBND tỉnh; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành có liên quan tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp trong khâu vận chuyển mua bán và tiêu thụ nông sản, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đảm bảo hệ thống cung - cầu thông suốt không bị đứt gãy.
 
Có thể nói, không riêng lĩnh vực nông nghiệp mà rất nhiều ngành nghề khác cũng đã và đang phải đối mặt với những ảnh hưởng không mong muốn do tác động từ dịch bệnh Covid-19; nhưng bằng sự vào cuộc rất kịp thời của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự trợ lực hết mình từ các sở, ngành, sự điều hành khẩn trương của các đơn vị trực thuộc cùng sự đồng lòng, chung sức của người nông dân cũng như các công ty, doanh nghiệp mà đến thời điểm này, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Sóc Trăng đã vượt qua những khó khăn ban đầu để duy trì tốt chuỗi sản xuất trong giai đoạn thực hiện giãn cách như hiện nay. Những trở ngại trong quá trình vận chuyển vật tư đầu vào cũng như khâu tiêu thụ, vận chuyển sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch cũng được tháo gỡ khi các quy định được ban hành, các sở ngành có hướng dẫn cụ thể như: Sở Giao thông Vận tải tổ chức phân luồng giao thông (luồng xanh) và thực hiện cấp thẻ nhận diện phương tiện nhằm tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định 3149/QĐ-BNN-VP thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Quyết định 556/QĐ-SNN thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, đây cũng là một trong những động thái rất thiết thực để nông sản không rơi vào tình trạng ùn ứ kéo dài do tác động của dịch bệnh.
 
Mặc dù khó khăn từng bước đã được giải quyết. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất không thể thật sự thuận lợi hoàn toàn trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên ngành Nông nghiệp rất mong sẽ nhận được sự cảm thông từ phía người dân, các công ty, doanh nghiệp cũng như sự tiếp tục hỗ trợ từ các sở, ngành để nỗ lực vượt khó trong thời gian này. Tin chắc với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sẽ sớm được kiểm soát tốt; khi đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ có thể phục hồi nhanh chóng thay vì rơi vào trạng thái bị động nếu chúng ta có sự chủ động tốt trong việc duy trì chuỗi sản xuất như những gì đã và đang làm. 
 
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian cho buổi trao đổi này.
 
Ngọc Thơ
 
1 2 3 4 5  ... 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77111697

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.