Quốc hội thảo luận các Nghị quyết có nội dung về kinh tế - xã hội
Ngày 21/11/2024, Quốc hội khóa XV thảo luận 4 Nghị quyết về chính sách đặc thù và thí điểm thực hiện một số nội dung liên quan đến đất đai - nhà ở thương mại, các bản án, chính quyền đô thị và việc thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương...

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, nhằm tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao do một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn. Vì vậy, cần mở rộng điều kiện được nhận chuyển quyền sử dụng các loại đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, góp phần hạn chế khiếu kiện của người dân; đảm bảo công bằng trong tiếp cận đất đai giữa các nhà đầu tư, giữa các địa phương, duy trì ổn định nguồn cung về nhà ở thương mại, góp phần phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh. 

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tại hội trường ngày 21/11/2024. Ảnh: THANH KHIẾT

Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến các đại biểu, một số nội dung đã được đặt ra như: không phải địa phương nào cũng có nhu cầu về nhà ở thương mại; cần phải có thời gian để khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đi vào thực tiễn triển khai; phải nằm trong chương trình phát triển nhà ở, phù hợp quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất; nhiều ý kiến cũng tán thành với Tờ trình của Chính phủ, phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết được thực hiện trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm công bằng giữa các địa phương, không tạo cơ chế “xin - cho”. Một số ý kiến cho rằng, việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất là chính sách có nhiều tác động đến việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị... 

Cuối buổi sáng, các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Buổi chiều, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Theo hồ sơ trình Quốc hội, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế đã bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt và bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương với yếu tố đặc thù về bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Cuối buổi chiều, các đại biểu đã cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng. Trước đó vào đầu giờ chiều, các đại biểu đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với 426/430 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,94% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ngày 22/11, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ các dự thảo Luật sau khi nghe trình bày tại hội trường như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Hóa chất sửa đổi...

THANH KHIẾT

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86652482

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.