Hội viên nông dân xã Mỹ Tú làm giàu từ phế phẩm nông nghiệp
Nhiều năm qua, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Mỹ Phước (huyện Mỹ Tú) được trồng lúa.Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Tỉnh, cơ cấu cây trồng trong các năm trở lại đây dù có thay đổi nhưng cây lúa vẫn chiếm tỷ lệ cao và là loại cây trồng tạo nguồn thu nhập chính cho người dân. Tận dụng lao động nhàn rỗi và phụ phẩm của cây lúa, người nông dân Tăng Văn Oai (ấp Phước Thới A, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) đã xây dựng mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính để tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm cho 2-3 lao động ở địa phương.
Theo ông chia sẽ ông trồng 1,5 ha lúa, một năm thu hoạch cho khoảng 6.000 cuộn rơm. Vào mùa nắng, rơm được thương lái vô tận nơi thu mua để trồng nấm rơm, giá bán từ 22.000 đồng đến 25.000 đồng/cuộn, tuy nhiên mùa mưa thì ngược lại, nông dân phải đốt hoặc bỏ luôn tại ruộng gây ô nhiễm môi trường. Nhất là thâm canh tăng vụ, thời gian luân phiên giữa các vụ rất ngắn, chỉ khoảng 20 ngày nên rơm rạ không kịp phân hủy, gây ngộ độc hữu cơ cho lúa vụ tiếp theo. Từ đó ông có suy nghĩ: thay vì bỏ rơm đi sao mình không tận dụng để tự trồng nấm rơm? Thế là ông tìm tòi, nghiên cứu từ sách báo và mạng Ineternet, nhận thấy mô hình trồng nấm rơm trong nhà kính phù hợp, dễ thực hiện và khắc phục được tình trạng thời tiết và nhiệt độ. Ông đã tìm kiếm tất cả các tài liệu, liên hệ trực tiếp các nông dân đã từng trồng trước đây để học hỏi kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà kính và được họ nhiệt tình chia sẽ kinh nghiệm”.
 
Ông bắt đầu thử nghiệm trồng nấm rơm trong nhà kính và chất nguyên liệu thành dạng trụ. Sau 01 tháng triển khai, kết quả khiến ông rất bất ngờ. Nấm được trồng theo mô hình trụ trong nhà kính cho năng suất gấp 1,5 đến 2 lần trồng ngoài trời. Thấy vậy ông mạnh dạn đầu tư chi phí xây dựng kiên cố 01 “ngôi nhà cho nấm ở”.
 
Ông Oai đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế ổn định. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả khả quan, đạt năng suất cao hơn 100% so phương pháp sản xuất truyền thống. 
 
Tận dụng khoảng sân bên cạnh nhà, ông Oai cất “ngôi nhà nấm” với quy mô sân nhà khoảng 50m2. Để nhà nấm giữ ẩm tốt, ông Oai sử dụng tấm xốp trên phần nóc, vách được bao bọc bằng lớp cao su sọc, bên ngoài bố trí thêm tấm cao su giúp hạn chế ánh sáng, phần nền được tráng xi măng, ngoài ra nhà nấm còn được bố trí thêm cửa sổ để thông gió. Trong nhà còn bắt bóng đèn để điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ theo ý muốn. Thay vì trồng nấm theo phương pháp truyền thống, chất rơm ngoài trời, mô hình này được thực hiện khép kín và chất rơm vào khuôn theo dạng hình trụ. Trước khi chất mô nấm, ông oai tiến hành phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột sát trùng trong và xung quanh nhà nấm.
 
Đoàn tham quan mô hình trồng nấm của ông Tăng Văn Oai
 
Khi được hỏi về kỹ thuật trồng, ông không dấu diếm mà tận tình chia sẽ: Với diện tích 50m2 ông bố trí 40 trụ rơm, mỗi trụ cao 1,3m, đường kính trụ 0,35m, trụ cách trụ 01m. Rơm sau khi đem về nhà, sẽ được ngâm ủ rơm từ 10 đến 12 ngày và tiến hành ủ bông vải 06 ngày (bông vải tỷ lệ 10% so với nguyên liệu rơm), meo giống 6 bịch cho mỗi trụ. Để tăng năng suất meo nấm được sử dụng phải chọn loại meo tốt có những sợi tơ màu trắng trong, tơ nấm phát triển đều khắp mặt môi trường trong bịch meo, sợi tơ phát triển đều, không bị méo hoặc không có chỗ đậm, chỗ lợt hay có màu khác thường. Để tăng năng suất, meo nấm được trộn với các loại men vi lượng kích thích tơ bò nhanh.
 
Khuôn chất nấm là thùng gỗ vuông quy cách 0,35m x 0.35m, mỗi trụ là 02 thùng chất chồng lên nhau. Rơm sau khi ủ được lấy ra ép và chất vào khuôn, lần lượt lớp rơm cao 20cm thì rải đến lớp bông vải 2cm, rồi rải 1 lớp meo giống, thực hiện liên tục đến khi trụ nấm cao 1,2m (chừa phần cột khoảng 0,1m đến 0,2m). Trong quá trình trồng, sau 3 - 4 ngày thì kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ mô nấm và sự phát triển hệ sợi tơ. Sau 8 - 10 ngày tơ nấm phát triển nhiều và xuất hiện đinh ghim, đồng thời bắt đầu thắp đèn liên tục để kích thích nấm, thời gian thắp đèn từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Chỉ sau 12 - 15 ngày là có thể thu hoạch nấm: đợt 1 thu hoạch kéo dài từ 8 - 9 ngày, sau đó ngưng 1- 2 ngày chăm sóc; đợt thu hoạch thứ 2 kéo dài từ 3 - 4 ngày thì kết thúc vụ.  Với cách làm này, ông Oai chủ động được độ ẩm, nhiệt độ, việc vệ sinh khu vực trồng nấm được thuận lợi hơn, tiết kiệm diện tích chất mô và không phụ thuộc vào thời tiết như trồng ngoài trời, đồng thời sử dụng rơm trộn bông vải cho năng suất cao hơn so với trồng 100%  rơm như cách làm truyền thống. Năng suất mỗi bánh nấm rơm dao động từ 2 - 2,5kg nấm tươi. Giá thị trường thu mua từ 25.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí ông Oai còn lợi nhuận khoảng 10.000 đồng/kg nấm rơm.
 
Với 1,5 ha đất trồng lúa đã đem về cho ông Oai năng suất 25,5 tấn với giá bán 6.000 đồng/kg mang lại tổng thu nhập cho ông là 153 triệu đồng. Bên cạnh đó, việc tận dụng được phế phẩm nông nghiệp vào tăng gia sản xuất, mô hình trồng nấm rơm của ông Oai mang về năng suất 13.500 tấn/năm. Sau khi trừ tất cả chi phí, lợi nhuận mà ông Oai đạt được là 240 triệu/năm. Thấy mô hình của ông Oai hiệu quả, một vài hộ dân trong vùng tìm đến học hỏi kinh nghiệm, Ông nhiệt tình hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con.
 
Những việc làm của ông Oai còn góp phần vào công tác an sinh xã hội khi đời sống kinh tế gia đình nông thôn của chính ông và một số hộ dân trên địa bàn được nâng cao, có nguồn thu nhập ổn định, tạo được việc làm cho một số lao động ở địa phương./.
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77040657

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.