Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, ứng phó xâm nhập mặn và sạt lở trên địa bàn huyện Long Phú và huyện Kế Sách
Tham gia Đoàn có đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và lãnh đạo các huyện Long Phú, Kế Sách. Đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Phú và kiểm tra thực tế cánh đồng sản xuất lúa tại xã Tân Thạnh và thị trấn Đại Ngãi.

Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó xâm nhập mặn và sạt lở tại xã Tân Thạnh, huyện Long Phú
Tại đây, lãnh đạo UBND huyện Long Phú báo cáo tình hình sản xuất lúa và tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện đang diễn biến phức tạp, đến sớm hơn cùng kỳ; do vậy, UBND huyện chỉ đạo đơn vị trực thuộc huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa Đông - Xuân muộn.

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó xâm nhập mặn tại cánh đồng lúa trên địa bàn thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (được lấy nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp từ Cống âu thuyền Rạch Mọp)
Tuy nhiên, đến nay toàn huyện vẫn còn xuống giống lúa, với diện tích 1.780 ha, nhưng giảm hơn 4.250 ha so cùng kỳ. Hiện nay, vụ lúa Đông - Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đòng trổ và chín, diện tích lúa đã thu hoạch là 1,2 ha, năng suất 6,1 tấn/ha. Tính đến nay, diện tích lúa bị ảnh hưởng do tình hình xâm nhập mặn là 66 ha (tỷ lệ 10 - 20%), người dân tích cực chăm sóc, đã phục hồi xanh trở lại.
Qua kiểm tra công tác phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Phú và đi thực tế tại hai cánh đồng canh tác lúa ở huyện Long Phú, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo, công chức và Nhân dân trong công tác phòng, chống xâm nhập mặn trên địa bàn huyện Long Phú đã chủ động, kịp thời có giải pháp ứng phó với xâm nhập mặn, nhằm hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của Nhân dân, giảm thiệt hại đến năng suất, sản lượng lúa so với cùng kỳ; đặc biệt là cánh đồng lúa vụ Đông - Xuân muộn hầu như không bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn. Ngành Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai hiệu quả các giải pháp công trình, phi công trình về nạo vét kênh, ao trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, tăng cường công tác tuyên truyền Nhân dân trong việc tiết kiệm nước, trữ nước; đảm bảo công tác quan trắc môi trường thực hiện thường xuyên và liên tục, chủ động lấy nước ngọt phục vụ vụ lúa Đông - Xuân muộn; trên các tuyến kênh, nước vẫn còn đầy, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho lúa đến ngày thu hoạch.

Đoàn kiểm tra điểm sạt lở bờ sông Rạch Mọp tại ấp Mỹ Huề, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách
Tiếp đến, Đoàn kiểm tra đoạn sạt lở bờ sông Rạch Mọp thuộc ấp Mỹ Huề, xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Đoạn sạt lở xảy ra vào giữa tháng 02/2025, với chiều dài 50m, cách bờ kè cống âu thuyền Rạch Mọp với chiều dài 240m. Qua kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Kế Sách nhanh chóng rà soát các điểm xung yếu, các vị trí sạt lở và có nguy cơ sạt lở trên địa bàn để triển khai các biện pháp cần thiết, phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông. Trước mắt, khẩn trương thực hiện ngay một số giải pháp cấp bách, gia cố tạm thời các vị trí sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở để bảo đảm an toàn về người, tài sản cho Nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là khu vực bờ sông Rạch Mọp, xã Nhơn Mỹ và một số khu vực khác trên địa bàn huyện; lắp đặt đầy đủ các biển cảnh báo sạt lở, cảnh báo nguy hiểm; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp hạn chế, chống sạt lở tạm thời tại khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở bờ sông. Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, sạt lở, thường xuyên kiểm tra, khảo sát khu vực sạt lở, đề xuất giải pháp mang tính khả thi, lâu dài; kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc có phương án chủ động bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về tài sản cho Nhân dân, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; đồng thời, thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị trực thuộc trong việc triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sạt lở trên địa bàn quản lý./.
Trần Nguyễn Thùy Duyên