Lượt xem: 3710
Một số quy định mới về xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh
Ngày 01/10/2021, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định về xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2021. Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, đơn phản ánh hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực pháp luật.

Thông tư số 05/2021/TT-TTCP có một số điểm mới cơ bản như sau:

- Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư đã quy định mới việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính so với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, cụ thể như sau: “Các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được tiếp nhận, xử lý theo quy định của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2008 của Chính phủ quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này”.

- Về đối tượng áp dụng: là cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc xử lý đơn và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. So với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP thì Thông tư số 05/2021/TT-TTCP đã bổ sung thêm đối tượng áp dụng là “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” và bỏ quy định “đơn vị lực lượng vũ trang” là đối tượng áp dụng của Thông tư này.

 - Về nguyên tắc xử lý đơn: việc xử lý đơn phải bảo đảm tuân thủ pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đây là quy định mới so với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP.

 - Về phân loại đơn:

 + Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định "Việc phân loại đơn căn cứ vào nội dung trình bày trong đơn, mục đích, yêu cầu của người viết đơn, không phụ thuộc vào tiêu đề của đơn". Đây là quy định mới và cụ thể, chi tiết hơn so với khoản 1 Điều 6 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP: “Phân loại theo nội dung đơn”.

 + Đơn đủ điều kiện xử lý đơn đáp ứng các yêu cầu sau đây: “Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng; Đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn”. So với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP thì Thông tư số 05/2021/TT-TTCP đã bổ sung thêm loại đơn đủ điều kiện xử lý là đơn được viết bằng tiếng nước ngoài phải đi kèm bản dịch được công chứng.

+ Đối với đơn tố cáo đủ điều kiện xử lý: Thông tư số 05/2021/TT-TTCP  đã bổ sung quy định về “cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan”.

So với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP  đã quy định thêm một loại đơn khác đủ điều kiện xử lý, cụ thể: đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi đơn nhưng có nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo, đồng thời bỏ quy định về đơn chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận đơn xử lý theo quy định của pháp luật hoặc đã được xử lý nhưng người khiếu nại, người tố cáo được quyền khiếu nại, tố cáo tiếp theo quy định của pháp luật thuộc loại đơn đủ điều kiện xử lý tại Thông tư số 07/2014/TT-TTCP. Bên cạnh đó, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP đã bỏ quy định về phân loại đơn theo giấy tờ, tài liệu kèm theo tại khoản 5 Điều 6 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP.

+ Về phân loại đơn theo thẩm quyền giải quyết: Thông tư số 05/2021/TT-TTCP đã bổ sung đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ” và quy định mới về hai loại đơn: “Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Kiểm toán Nhà nước” và “Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác” so với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP.

- Về xử lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết: tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định: “2. Đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng chưa đủ điều kiện thụ lý giải quyết thì hướng dẫn người khiếu nại bổ sung thông tin, tài liệu để thực hiện việc khiếu nại theo quy định của pháp luật. Việc hướng dẫn được thực hiện theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này”. So với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP thì Thông tư này đã bỏ quy định về việc trả lời cho người khiếu nại biết lý do không thụ lý giải quyết.

 - Về xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết: khoản 2 Điều 8 Thông tư số 05/2021/TT-TTCP đã bổ sung đơn của nhiều cơ quan khác chuyển đến như: đơn khiếu nại do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và cơ quan khác của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương và các ban đảng Trung ương, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và cách thức xư lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết là: người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có văn bản phúc đáp; không còn quy định về cách thức gửi trả lại đơn kèm theo các giấy tờ, tài liệu (nếu có) và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đơn đến quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư số 07/2014/TT-TTCP.

 Bên cạnh đó, tại Điều 8 Thông tư này còn bổ sung khoản 3, 4 so với Điều 8 Thông tư số Thông tư số 07/2014/TT-TTCP về việc xử lý đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết do Ban Tiếp công dân trung ương, các cơ quan của Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở cấp tỉnh, cấp huyện chuyển đến và cách thức xử lý đơn của người khiếu nại gửi đến Thanh tra Chính phủ hoặc Trụ sở tiếp công dân trung ương đối với những vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã có quyết định giải quyết.

 - Thông tư số 05/2021/TT-TTCP đã quy định mới về xử lý đơn tố cáo hành vi vi phạm thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; xử lý thông tin có nội dung tố cáo; không còn quy định về đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích và xử lý đối với trường hợp tố cáo như quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật tố cáo năm 2011 tại Thông tư số 07/2014/TT-TTCP.

 - Về xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan khác của Nhà nước: đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác của Nhà nước thì người xử lý đơn hướng dẫn gửi đơn hoặc báo cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định việc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Đây là quy định mới của Thông tư số 05/2021/TT-TTCP.

 - Về xử lý đơn của các đơn vị, tổ chức khác: so với quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, bên cạnh việc xử lý đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước thì Thông tư số 05/2021/TT-TTCP còn quy định mới về việc xử lý đơn của các đơn vị, tổ chức khác.

 - Về việc lưu đơn: Thông tư số 05/2021/TT-TTCP quy định các trường hợp được phép lưu đơn như sau: đơn không đủ điều kiện xử lý quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 của Thông tư này; đơn khiếu nại có quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật mà không thuộc trường hợp quy định tại Điều 38 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại; đơn tố cáo đã có kết luận nội dung tố cáo và quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật mà người tố cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ mới.

Bên cạnh đó, Thông tư này đã bỏ quy định về 02 loại đơn thuộc trường hợp được lưu đơn, cụ thể: đơn khiếu nại đã hết thời hạn, thời hiệu theo quy định và đơn rách nát, tẩy xóa chữ không đọc được quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-TTCP.

 - Về trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh: thuộc Ban tiếp công dân các cấp. Khác với Thông tư số 07/2014/TT-TTCP, trách nhiệm nêu trên thuộc Thanh tra các cấp. Đồng thời, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP đã bỏ quy định về việc giao ban định kỳ 06 tháng, một năm giữa Thanh tra các cấp và cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh./.         

Thanh Sáng












Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 1 077
  • Tất cả: 491071
Cơ quan chủ quản: BAN TIẾP CÔNG DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
Địa Chỉ: Số 37 đường Nguyễn Văn Thêm, Phường 3, Thành phố Sóc Trăng, Sóc Trăng
Điện Thoại: 0299.3623.333. Email: Btcdtst@gmail.com

Ghi Rõ Nguồn Trụ Sở Tiếp Công Dân Tỉnh Sóc Trăng Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.