Hướng dẫn CÔNG TÁC NHÂN SỰ ỦY BAN KIỂM TRA tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030
Số
lượng, cơ cấu ủy ban kiểm tra
Ủy ban kiểm tra tỉnh
ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
- Số lượng từ 09 đến 11 ủy viên (do
cấp ủy quyết định), trong đó có 02 uỷ viên kiêm chức (trưởng ban hoặc phó
trưởng ban tổ chức của cấp ủy là cấp ủy viên và chánh thanh tra tỉnh, thành
phố), riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh số
lượng từ 13 đến 15 ủy viên; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hoá, Tỉnh ủy Nghệ An
số lượng từ 11 đến 13 ủy viên.
- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ
nhiệm là ủy viên ban thường vụ, có từ 02 đến 03 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm
thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên; riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy
Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không quá 05 phó chủ nhiệm; Ủy ban Kiểm
tra Tỉnh uỷ Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An không quá 04 phó chủ nhiệm.
Ủy ban Kiểm tra Quân
ủy Trung ương
- Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do
Quân ủy Trung ương quyết định), trong đó có từ 08 đến 10 ủy viên chuyên trách
và từ 03 đến 05 ủy viên kiêm chức (bao gồm: Chủ nhiệm ủy ban là Chủ nhiệm Tổng
cục Chính trị; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Tổ chức; Cục trưởng Cục
Cán bộ; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng); có 02 đến 03 ủy viên là Ủy viên Quân ủy
Trung ương.
- Các ủy viên chuyên trách gồm: 04
phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên.
Ủy ban Kiểm tra Đảng
ủy Công an Trung ương
- Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do
Đảng ủy Công an Trung ương quyết định), trong đó có từ 08 đến 10 ủy viên chuyên
trách và từ 03 đến 05 ủy viên kiêm chức (bao gồm: Chủ nhiệm ủy ban là Phó Bí
thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng Cục
Tổ chức cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ Công an); có từ 02 đến 03 ủy viên là Ủy viên
Đảng ủy Công an Trung ương.
- Các ủy viên chuyên trách gồm: 04
phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên.
Ủy ban kiểm tra các Đảng ủy trực thuộc
Trung ương: Có hướng dẫn sau khi cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.
Ủy ban kiểm tra của
cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy
- Số lượng từ 07 đến 09 ủy viên (do
cấp ủy quyết định), trong đó có 02 ủy viên kiêm chức (trưởng ban hoặc phó
trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra quận, huyện, thị, thành
phố trực thuộc tỉnh).
- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ
nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy,có từ 01 đến 02 phó chủ nhiệm (phó chủ
nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên.
Ủy ban kiểm tra đảng
ủy cấp trên cơ sở
- Số lượng từ 05 đến 07 ủy viên (do
cấp ủy quyết định), trong đó có 02 ủy viên kiêm chức (trưởng ban hoặc phó
trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp; nơi không có
chánh thanh tra cùng cấp là đồng chí phó bí thư hoặc chủ nhiệm ủy ban kiểm tra
đảng ủy trực thuộc).
- Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ
cấp ủy, từ 01 đến 02 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là chuyên trách)
và một số ủy viên chuyên trách.
Ủy ban kiểm tra đảng
ủy cơ sở
- Số lượng từ 03 đến 05 ủy viên (do
đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ làm
chủ nhiệm. Nơi không có ban thường vụ cấp ủy thì đồng chí phó bí thư làm chủ
nhiệm.
- Các ủy viên khác có thể là cấp ủy
viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân
dân.
- Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở xã,
phường, thị trấn; những tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan và doanh nghiệp có từ
300 đảng viên trở lên thì bố trí 01 ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm.
Đảng ủy bộ phận và
chi bộ
Đảng ủy bộ phận và chi bộ không lập ủy
ban kiểm tra; tập thể cấp ủy, chi bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và
phân công 01 cấp ủy viên phụ trách. Có thể lựa chọn phân công một số đảng viên
giúp đồng chí cấp ủy viên phụ trách làm công tác kiểm tra, giám sát.
Số lượng, cơ cấu ủy viên đối với
ủy ban kiểm tra của đảng ủy cấp trên trực tiếp cơ sở và cấp cơ sở trong Quân
đội nhân dân, Công an nhân dân, các Đảng bộ trực thuộc Trung ương có hướng dẫn
riêng.
Tiêu chuẩn ủy viên
ủy ban kiểm tra các cấp
Tiêu chuẩn đối với ủy viên ủy ban kiểm
tra các cấp theo tiêu chuẩn cấp ủy viên cùng cấp được quy định tại Chỉ thị số
35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, trong đó, nhấn mạnh một số
tiêu chuẩn sau:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng,
tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; kiên định chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu
độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư
tưởng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; trung thực, liêm khiết,
công minh, chính trực, tận tụy, trách nhiệm, có chính kiến, có bản lĩnh, dũng
khí đấu tranh.
- Có phẩm chất đạo đức, lối sống gương
mẫu, trong sáng; thực hiện nghiêm quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân
chủ, tự phê bình và phê bình; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách
nhiệm cao trong công việc, giữ gìn đoàn kết nội bộ; kê khai tài sản, thu nhập
trung thực, minh bạch; không cơ hội, tham vọng quyền lực, cục bộ, bè phái, tham
nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”,... Không để vợ hoặc chồng, con, người thân lợi
dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
- Có năng lực cụ thể hóa và tổ chức
thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước; tư duy đổi mới, tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả;
nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu
trách nhiệm; có kinh nghiệm trong công tác xây dựng đảng và hiểu biết về lĩnh
vực kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.
- Có trình độ chuyên môn, lý luận
chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và theo quy
định của Đảng, Nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp.
- Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ.
Về độ tuổi
- Thực hiện tuổi giới thiệu ứng cử
theo quy định của Đảng; bảo đảm tính kế thừa, phấn đấu có cán bộ nữ, cán bộ
trẻ, người dân tộc thiểu số, căn cứ vào tình hình cụ thể các cấp ủy vận dụng bố
trí cho phù hợp. Không vì cơ cấu mà hạ thấp chất lượng, tiêu chuẩn ủy viên ủy
ban kiểm tra các cấp.
- Nhân sự được giới thiệu để bầu tham
gia ủy ban kiểm tra cấp ủy (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ
chức vụ đang đảm nhiệm (liền kề) hoặc chức vụ tương đương ít nhất 02 năm (24
tháng). Trường hợp đặc biệt, nếu nhân sự có thời gian giữ chức vụ từ 01 năm (12
tháng) đến dưới 02 năm (24 tháng) thì cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ phải tiến
hành: (i) Đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực, uy tín, sản phẩm, kết quả
cụ thể trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với nhân sự; (ii)
Quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình hoặc báo cáo, đề xuất cấp
có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định.
* Lưu ý:
Trường hợp nhân sự đang giữ chức vụ, chức danh có cơ cấu tham gia ủy ban kiểm
tra các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, thì không áp dụng thời gian giữ chức vụ ít
nhất 02 năm theo quy định để giới thiệu tham gia ủy ban kiểm tra các cấp.
Nhân sự lần đầu tham
gia ủy ban kiểm tra
Thực hiện độ tuổi như lần đầu tham gia
cấp ủy cùng cấp theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và
Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung ương.
Nhân sự được giới
thiệu tái cử
- Đối với nhân sự dự kiến giới thiệu
tái cử giữ chức chủ nhiệm, phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy khóa mới thì
thực hiện như cấp ủy được quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của
Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 26/8/2024 của Ban Tổ chức Trung
ương.
- Đối với các đồng chí phó chủ nhiệm
(trong đó có cả phó chủ nhiệm là cấp ủy viên, không còn đủ tuổi tham gia cấp ủy
khóa mới) và ủy viên ủy ban kiểm tra còn đủ tuổi công tác từ 24 tháng trở lên
(tính tại thời điểm tổ chức đại hội của mỗi cấp đến tháng nghỉ hưu). Thời điểm
tính tuổi tham gia ủy ban kiểm tra các cấp là: Cấp cơ sở tháng 4/2025; cấp
huyện và tương đương (gồm tất cả đảng bộ trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương)
tháng 6/2025; cấp trực thuộc Trung ương tháng 9/2025, cụ thể:
+ Đối với cấp tỉnh: Nam sinh từ tháng
12/1965, nữ sinh từ tháng 5/1970 trở lại đây (trường hợp cán bộ nữ được nghỉ
hưu ở độ tuổi 60 theo quy định của pháp luật thì sinh từ tháng 9/1967 trở lại
đây).
+ Đối với cấp huyện: Nam sinh từ tháng
9/1965, nữ sinh từ tháng 02/1970 trở lại đây (trường hợp cán bộ nữ được nghỉ
hưu ở độ tuổi 60 theo quy định của pháp luật, thì sinh từ tháng 6/1967 trở lại
đây).
+ Đối với cán bộ, công chức cấp xã:
Nam sinh từ tháng 7/1965, nữ sinh từ tháng 01/1970.
Về độ tuổi tái cử ủy
ban kiểm tra đối với một số trường hợp đặc thù
- Đối với lực lượng vũ trang:
Độ tuổi tham gia ủy ban kiểm tra của cấp uỷ căn cứ vào độ tuổi nghỉ hưu quy
định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2024) và
Luật Công an nhân dân (sửa đổi, bổ sung năm 2023). Các đồng chí tham gia ủy ban
kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ quân đội, công an tuổi tái cử phải đủ tuổi
công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng đối với nhiệm kỳ 05 năm); trường hợp
đặc biệt còn tuổi công tác từ 01 năm (12 tháng) đến dưới 30 tháng, nếu có đủ
phẩm chất, năng lực, uy tín cao, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên do
cấp có thẩm quyền quyết định.
- Đối với các cơ quan hành
chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp: Các đồng chí tham gia ủy ban kiểm
tra của cấp ủy trong đảng bộ cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị
- xã hội, đơn vị sự nghiệp; ủy ban kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ các doanh
nghiệp nhà nước, tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại nhà nước (hoặc nhà
nước có cổ phần chi phối) còn tuổi công tác từ 01 năm (12 tháng) trở lên, do
cấp có thẩm quyền quyết định.
Đối với những thành viên ủy ban kiểm
tra không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ mới thì được thực hiện chế độ, chính sách như
đối với cấp ủy viên không tái cử cấp ủy khóa mới theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày
14/6/2024 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 27-HD/BTCTW, ngày 26/8/2024 của Ban
Tổ chức Trung ương.
Dừng việc bổ sung ủy viên ủy ban kiểm tra chuyên trách
của cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 trước 06 tháng tính đến thời điểm bắt đầu đại
hội đảng bộ ở mỗi cấp theo Chỉ thị số 35-CT/TW (tính theo thời điểm cơ quan có
thẩm quyền nhận được văn bản đề nghị của cấp ủy). Trường hợp đặc biệt do cấp có
thẩm quyền xem xét, quyết định.