Lượt xem: 167
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng thảo luận Dự án Luật giá (sửa đổi)
      Chiều ngày 11/11/2022, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục diễn ra tại Nhà Quốc hội, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường dự án Luật Giá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.

Quang cảnh phiên họp chiều ngày 11/11/2022

      Tại buổi thảo luận tại hội trường chiều nay, đại biểu Phạm Thị Minh Huệ -Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã góp ý 05 nội dung, cụ thể là:

      - Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)

      Điều 1 phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật quy định “Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; hoạt động thẩm định giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá” nhận thấy chưa rõ và có 02 trường hợp có thể xảy ra:

      Thứ nhất, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cụm từ “người tiêu dùng” vì hiện nay, Quốc hội đang xem xét, thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) quy định “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”, như vậy việc người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đều có liên quan đến giá. Theo cách hiểu này thì cụm từ “tổ chức, cá nhân” đã bao gồm “người tiêu dùng”. Do đó, để tránh trùng lắp đại biểu Huệ đề xuất không đưa cụm từ “người tiêu dùng” vào Điều 1 của dự thảo Luật.

      Thứ hai, trường hợp phạm vi điều chỉnh dự thảo giữ lại cụm từ “người tiêu dùng” thì đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét cụm từ “tổ chức, cá nhân” vì nhận thấy chưa thống nhất với Điều 2, Điều 8 và Điều 9 dự thảo Luật giá sử dụng cụm từ “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”. Để dự thảo Luật rõ hơn đại biểu Huệ đề xuất điều chỉnh cụm từ “tổ chức, cá nhân” thành “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.

      Từ những phân tích trên, đại biểu Huệ đề xuất phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 dự thảo được điều chỉnh theo 01 trong 02 hướng cụ thể là: “Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; hoạt động thẩm định giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá” hoặc điều chỉnh thành “Luật này quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng trong lĩnh vực giá; hoạt động quản lý, điều tiết giá của nhà nước; hoạt động tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; hoạt động thẩm định giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá”.

      - Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng (Điều 10 và Điều 11)

      Dự thảo Luật giá sửa đổi có quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng tại Điều 10 và Điều 11. Như đã nêu trên, Quốc Hội đang thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), trong đó có quy định về quyền của người tiêu dùng tại Điều 15 và nghĩa vụ của người tiêu dùng tại Điều 16. Như vậy, cùng 01 vấn đề là quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng nhưng lại được điều chỉnh trong 02 văn bản Luật khác nhau và nội dung của các quyền và nghĩa vụ này cũng không giống nhau. 

      Để đảm bảo tính thống nhất khi 02 Luật này được thông qua, kiến nghị cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tổng thể về mối quan hệ quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong dự thảo 02 Luật này để tránh mâu thuẫn, chồng chéo và để đảm bảo phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác”.

      - Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (Điều 16)

      Tại Điều 16 dự thảo Luật quy định “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến về Quyết định giá hàng hóa dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật”. Theo dự thảo trên được hiểu Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến trong trường hợp này với tư cách là nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh, không phải với tư cách nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tỉnh. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này bởi các lý do:

      Một là, đối chiếu với Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 không quy định HĐND tỉnh có ý kiến về quyết định giá hàng hóa dịch vụ.

      Hai là, theo dự thảo Luật quy định thì chưa rõ trong trường hợp nào UBND tỉnh phải xin ý kiến về quyết định giá hàng hóa, dịch vụ. 

      Ba là, nếu thẩm quyền quyết định giá hàng hóa, dịch vụ là của UBND tỉnh thì chúng ta có cần thiết quy định UBND tỉnh phải lấy ý kiến như dự thảo quy định hay không.

      Do đó,cơ quan soạn thảo xem xét sự cần thiết quy định như Điều 16 dự thảo Luật. Trường hợp cần thiết quy định UBND tỉnh phải xin ý kiến thì đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội dung: Trường hợp nào thì UBND tỉnh phải xin ý kiến về quyết định giá hàng hóa, dịch vụ để dễ dàng áp dụng trên thực tiễn.

      Từ những phân tích trên, đại biểu Huệ kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xem xét lại thẩm quyền cho ý kiến theo hướng quy định trực tiếp đây là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND tỉnh vì hiện nay có một số văn bản liên quan cũng chỉ quy định lấy ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh như: điểm b khoản 1 Điều 18 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định: …Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) ban hành tiêu chuẩn, định mức(đối tượng sử dụng, chủng loại, số lượng, mức giá) sử dụng xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương”.

      - Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (Điều 25)

      Điểm d khoản 3 Điều 25 dự thảo Luật quy định “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh định giá đối với hàng hóa, dịch vụ có tính địa bàn theo phạm vi quản lý”.  Đồng thời, theo khoản 4 Điều 25 dự thảo Luật quy định “Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hình thức định giá và thẩm quyền, trách nhiệm định giá được ban hành thống nhất tại Phụ lục kèm theo Luật này”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Phụ lục kèm theo dự thảo Luật thì không quy định trường hợp nào thuộc thẩm quyền định giá của “HĐND cấp tỉnh”.

      Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thẩm quyền định giá của HĐND cấp tỉnh để quy định cho thống nhất.

Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Huệ góp ý tại hội trường Quốc hội

      - Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (Phụ lục kèm theo dự thảo Luật)

      Theo điểm b khoản 5 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh “Quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật”.

      Tuy nhiên, tại số thứ tự 20 của Phụ lục kèm theo dự thảo Luật quy định “Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc” do “Bộ Y tế quyết định giá cụ thể”. Theo dự thảo được hiểu khi Luật giá sửa đổi được thông qua thì thẩm quyền quyết định giá Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước trên phạm vi toàn quốc sẽ do Bộ Y tế định giá cụ thể, không giao cho địa phương quyết định giá thuộc thẩm quyền của địa phương.

      Tuy nhiên, tại Điều 70 dự thảo Luật “Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật có liên quan” chưa đề cập việc rà soát, xử lý điểm b khoản 5 Điều 19 Luật Tổ chức chính quyền địa phương liên quan đến giá “Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước”. Điều đó dẫn đến dự thảo Luật sẽ mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền so với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.

      Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước để quy định cho thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
P.T.Hải
Thông báo - Hướng dẫn











Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 419
  • Trong tuần: 2 675
  • Tất cả: 531900
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.