Lượt xem: 39
TIN HỌP QUỐC HỘI NGÀY 20/6/2024
        Sáng 20/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về “ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Quang cảnh kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sáng ngày 20/6/2024

        Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội và giải trình làm rõ của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận, cụ thể:
 
        Các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô là 2 nhiệm vụ quy hoạch rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo hai nhiệm vụ quy hoạch tuân thủ Luật quy hoạch, phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới, toàn cầu, Thủ đô và hành động Hà Nội tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại cả trước mắt và lâu dài. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, mâu thuẫn giữa hai nhiệm vụ quy hoạch với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành, tương thích với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thêm các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên, tính thống nhất, đồng bộ của số liệu, hồ sơ, tài liệu trong hai nhiệm vụ quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp

        Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tổng hợp các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội làm cơ sở, căn cứ để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065.

Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng dự phiên họp Quốc hội sáng ngày 20/6/2024

        Chiều ngày 20/6/2024 thảo luận Tổ về 2 dự án luật: Dự án Luật Địa chất và khoáng sản và Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn. Ông Lâm Văn Mẫn, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, chủ trì phiên thảo luận.

Ông Lâm Văn Mẫn chủ trì phiên họp Tổ chiều ngày 20/6/2024

        Tại phiên họp Tổ chiều 20/6, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã tham gia góp ý về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn gồm 05 nội dung sau:
        
        Thứ nhất. Về giải thích từ ngữ (tại khoản 2, Điều 2):

        - Đối với “Đô thị mới”, thống nhất với trường hợp các đô thị dự kiến hình thành trong tương lai (đạt loại V, loại IV, loại III, loại II hoặc cao hơn) sẽ được hiểu là đô thị mới. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đang là đô thị hiện tại (gồm: thành phố, thị xã, thị trấn) nhưng có định hướng mở rộng về diện tích đô thị; hoặc mở rộng về diện tích của nội thành, nội thị nhưng diện tích toàn đô thị không thay đổi) kiến nghị không xem xét quy định là đô thị mới để không gây ra nhiều khó khăn vướng mắc đối với công tác lập và quản lý theo quy hoạch sau khi được phê duyệt. VD: theo NQ 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 05 năm 2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính của thành phố, tại điều 5, quy định tiêu chuẩn của thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TƯ, bắt buộc Diện tích tự nhiên phải đạt từ 150 km2 , có từ 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên. Như vậy giả sử thành phố A thuộc tỉnh hiện có diện tích khoảng 80 km2 và không đủ 10 đơn vị hành chính. Để đảm bảo diện tích và đơn vị hành chính tối thiểu theo quy định, buộc phải mở rộng thêm diện tích 1 số xã vùng lân cận; như vậy quá trình thực hiện sẽ phải đưa các xã vùng lân cận đó vào quy hoạch “Đô thị mới” theo như dự thảo Luật. Thực tế sự phân biệt này không có ý nghĩa gì nhằm tạo sự thuận lợi hay tốt hơn cho hiện tại, mà chỉ làm phức tạp vấn đề hơn. Do đó, cần xem xét không đưa các trường hợp đang là đô thị hiện tại nhưng có định hướng mở rộng về diện tích đô thị; hoặc mở rộng về diện tích của nội thành, nội thị nhưng diện tích toàn đô thị không thay đổi vào quy định khái niệm là đô thị mới. Đồng thời, đảm bảo thống nhất về thẩm quyền với các đô thị thuộc địa giới hành chính theo từng địa phương.
        
        - Bên cạnh đó, kiến nghị bổ sung giải thích từ ngữ về cụm từ “nội thị, nội thành”, “ngoại thị, ngoại thành”, “Cộng đồng dân cư có liên quan” để có cơ sở áp dụng các quy định có liên quan về quản lý quy hoạch. 
        
        Thứ hai. Về các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn (tại Khoản 2, Điều 3), đề nghị làm rõ quy định đối với các trường hợp sau:
        
        - Đối với quy hoạch phân khu sẽ được lập toàn đô thị loại II và đô thị mới có dân số tương đương loại II ?; hay chỉ lập cho khu vực nội thành, nội thị ? hay chỉ lập cho những khu vực được xác định là đất xây dựng đô thị của khu vực nội thành, nội thị? Hiện tại vẫn còn tồn tại những cách nghĩ và làm khác nhau tại các địa phương, có khi là sự không đồng nhất giữa địa phương với cơ quan chuyên môn về phạm vi lập quy hoạch; nên khi triển khai công tác lập quy hoạch còn vướng khá nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc phát huy hiệu quả và giá trị của các sản phẩm quy hoạch trong tương lai, việc sử dụng kết quả quy hoạch chắc chắn sẽ vừa điều chỉnh vừa tháo gỡ nên các địa phương sẽ rất lúng túng và không an tâm trong quá trình thực hiện. Thực tế, ở vùng lõi sẽ có điều kiện tốt mọi mặt, vùng phụ cận thì chủ yếu là nông thôn, ít và chậm đô thị hóa. Nếu quy hoạch toàn đô thị sẽ tốn kém, mất thời gian. Do đó, tôi xin kiến nghị quy định chỉ lập quy hoạch phân khu cho những khu vực đất xây dựng đô thị thuộc nội thành, nội thị để phù hợp với thực tiễn và không chồng chéo với các quy định hiện hành; đồng thời phát huy giá trị của việc lập quy hoạch; thống nhất quan điểm cho các chủ thể có liên quan có trách nhiệm triển khai công tác tổ chức lập Quy hoạch. 
        
        - Tại điểm c, đề nghị quy định rõ Đối tượng phải lập quy hoạch chi tiết khi thực hiện đầu tư xây dựng để làm cơ sở triển khai quy định và sử dụng có hiệu quả về chi phí lập quy hoạch chi tiết. Do hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư xây dựng dù có quy mô rất nhỏ (chỉ vài chục hoặc vài trăm m² về diện tích) cũng phải lập quy hoạch chi tiết (hay quy hoạch tổng mặt bằng), trong khi trước đây chỉ thực hiện hồ sơ tổng mặt bằng trong dự án. Đồng thời, trên địa bàn của xã phần lớn có diện tích là khu vực nông thôn nên không cần thiết hoặc khó có thể phủ kín quy hoạch chi tiết. Chi phí lập quy hoạch chi tiết cho 1 dự án bình quân từ khoảng 300 triệu đồng (miễn là dưới 5 ha, chưa kể chi phí thẩm định, quản lý nghiệp vụ lập quy hoạch; đấu thầu); trong đó nếu lập quy hoạch tổng mặt bằng thì chiếm khoảng 65% chi phí nêu trên (theo thông tư 02/2024/TT-BXD ngày 20/5/2024 của bộ xây dựng). Chi phí này cũng cao và thực sự có cần thiết đối với các dự án có quy mô diện tích nhỏ hay không?
        
        Thứ ba. Về kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

        Tại Điều 10, dự thảo luật có đề cập đến 3 nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch: (1) Nguồn đầu tư công từ ngân sách nhà nước; (2) Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước; (3) Kinh phí do các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch. Đồng thời có quy định cụ thể nguyên tắc sử dụng, quản lý nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho hoạt động quy hoạch đối với Thủ trưởng cơ quan, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các cấp trong từng nhiệm vụ cụ thể. 
Đại biểu Diễm đề xuất bổ sung nội dung quy định giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tài trợ vào nguồn ngân sách dành cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về trình tự thủ tục tiếp nhận, quản lý, sử dụng đối với trường hợp tiếp nhận Nguồn lực hỗ trợ “bằng hình thức kết quả nghiên cứu phục vụ công tác lập quy hoạch”, để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện.

        Thứ tư. Về nội dung Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn” (Chương II) 

        - Tại Khoản 3 Điều 16, thẩm quyền lập nhiệm vụ và quy hoạch chung đô thị, đề nghị làm rõ hơn điều kiện xác định là “khu vực có ý nghĩa quan trọng về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng” là những khu vực thế nào? Tiêu chí đánh giá để làm cơ sở áp dụng. Tiêu chí này chưa mang tính chất định lượng. Đồng thời bổ sung đối tượng là “quy hoạch chung đô thị có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên” vào quy định (hiện tại dự thảo chỉ mới đề cập tới đối tượng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực có phạm vi liên quan đến địa giới hành chính của hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên). 

        - Tại Khoản 4 Điều 16:

        + Đề nghị bổ sung đối tượng là “quy hoạch chung đô thị mới để hình thành thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc địa bàn cấp huyện do mình quản lý” vào quy định, để làm cơ sở thực hiện. 

        + Đối với trường hợp các khu chức năng cấp tỉnh (như khu công nghiệp, khu chế xuất; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao...) theo quy định của Dự thảo Luật thuộc trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch phân khu của UBND cấp huyện (Bởi vì tại điểm b, khoản 2, Điều 3 có nêu cấp độ Quy hoạch phân khu được lập cho các khu chức năng không phải là khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, được xác định trong quy hoạch vùng hoặc quy hoạch tỉnh... Dẫn chiếu tại khoản 5, Điều 2 phần giải thích từ ngữ xác định rõ khu công nghiệp, khu chế xuất; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao... chính là khu chức năng). Như vậy, nếu giao quy hoạch khu chức năng thuộc thầm quyền của UBND cấp huyện thì không phù hợp thực tiễn; thực tế địa phương không đủ năng lực thực hiện và mâu thuẫn với một số quy định hiện hành. Đơn cử như theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của chính phủ, thẩm quyền quy hoạch Khu công nghiệp thuộc trách nhiệm của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (do gắn với nhu cầu quản lý và triển khai khu công nghiệp). Nếu quy định như Dự thảo Luật thì UBND tỉnh không thể giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh lập quy hoạch. Tôi kiến nghị Ban soạn thảo xem xét, điều chỉnh: giao đơn vị chuyên ngành cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quy hoạch đối với các khu chức năng hoặc giao UBND tỉnh phân cấp cho các đơn vị chuyên ngành chủ công thực hiện, trong quá trình đó phối hợp địa phương và tích hợp quy hoạch phân khu của địa phương để đảm bảo tính hợp lí của dự án luật và thực tiễn hiện nay. 

        - Tại Khoản 1 Điều 18, đề nghị nghiên cứu quy định rõ đối với các loại quy hoạch sử dụng từ nguồn “Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước” thì có áp dụng hạn mức đấu thầu theo quy định về mua sắm công hay không? Đây cũng là vấn đề đang vướng tại các địa phương. Hiện nay, theo hướng dẫn của các Bộ ngành, căn cứ quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu năm 2023 thì chỉ được chỉ định thầu đối với “Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng”. 
Tuy nhiên, các gói thầu trong công tác lập quy hoạch có tính chất là gói thầu tư vấn (không phải là gói thầu mua sắm tài sản) nhưng do sử dụng từ nguồn “Kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước”, nên phải áp dụng hạn mức chỉ định thầu nêu trên. Điều này sẽ dẫn đến kéo dài thời gian ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch (Nhiệm vụ lập quy hoạch 1 tháng thì đấu thầu mất thời gian tới 2 tháng) và vẫn tồn tại điểm bất cập trong quá trình áp dụng quy định về nhiệm vụ - nguồn ngân sách. Do đó, tôi xin đề xuất, trong dự thảo luật này cần quy định rõ hạn mức gói thầu lập quy hoạch vì hiện tại các Luật và văn bản quy phạm pháp luật khác chưa đề cập đến. Khuyến khích lựa chọn tư vấn lập quy hoạch theo hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch. Tuy nhiên, cần sớm có quy định chi tiết và chặt chẽ hơn tại Điều này để các địa phương triển khai lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch thuận lợi và kịp thời.

        - Tại khoản 6 Điều 21, khoản 5 Điều 22, khoản 5 Điều 31, khoản 4 Điều 32 kiến nghị cho phép quy hoạch chung được lập theo tỷ lệ 1/5.000 hoặc quy hoạch phân khu kết hợp với quy chế quản lý kiến trúc được xem xét là cơ sở để cấp giấy phép xây dựng (do hiện nay tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết tại các khu vực là rất thấp, nguồn lực để thực hiện phủ kín quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng là rất lớn và rất khó khăn với rất nhiều tỉnh).

        - Tại Điều 37, đề nghị nghiên cứu xem xét bổ sung quy định việc không lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với việc lập, hoặc điều chỉnh quy hoạch các khu vực đã giải phóng mặt bằng hiện không có người dân sinh sống trong khu vực quy hoạch, để rút gọn thủ tục hành chính. Đồng thời, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn chi tiết về các nội dung liên quan đến công tác lấy ý kiến  “cộng đồng dân cư”; trong đó làm rõ các nội dung sau:

        + Làm rõ cụm từ “cộng đồng dân cư có liên quan” là “đại diện của những hộ dân trong khu vực ranh giới quy hoạch” hay là “bao gồm cả những hộ trong vùng quy hoạch và khu vực xung quanh khu vực lập quy hoạch”. 

        + Làm rõ quy định ý kiến cộng đồng dân cư là ý kiến tham vấn cho cơ quan có thẩm quyền quyết định hay là ý kiến mang tính quyết định nội dung lập quy hoạch; nếu là ý kiến mang tính quyết định thì rất khó khả thi để các địa phương triển thực hiện.

        Thứ năm. Về nội dung tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn

        - Tại điểm b Khoản 2 Điều 51, đề nghị xem xét quy định về thời gian tổ chức lập, phê duyệt hồ sơ cắm mốc là trong vòng 30 ngày (vì với thời gian nêu trên các đơn vị tổ chức lập không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục về lựa chọn nhà thầu và lập hồ sơ cắm mốc, đặc biệt nếu là trường hợp đấu thầu lập hồ sơ cắm mốc thì khó có thể thực hiện với thời gian nêu trong dự thảo Luật). Đồng thời, kiến nghị: Do kinh phí cắm mốc theo quy định rất lớn, nên đề nghị chỉ triển khai cắm mốc đối với các quy hoạch chi tiết để đảm tính khả thi và đầy đủ cơ sở về mốc tọa độ.

        - Tại Điều 53, đề nghị phân cấp rõ hoặc cho phép UBND cấp tỉnh được phép phân cấp trách nhiệm cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn theo thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch đã được phân cấp tại Điều 41.

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm tham gia góp ý Dự án Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch nông thôn chiều ngày 20/6/2024
P-T-Hải











Thống kê truy cập
  • Đang online: 31
  • Hôm nay: 1010
  • Trong tuần: 6 541
  • Tất cả: 676262
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.