Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tham gia góp ý dự án Luật Hóa chất (sửa đổi)
Quang cảnh phiên họp
Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã có bài phát biểu góp ý dự án Luật tại Hội trường; trong đó tập trung vào một số nội dung cụ thể:
Theo đại biểu, ngành công nghiệp hoá chất là một trong những ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp hóa chất hình thành và phát triển từ những năm 50 của thế kỷ trước, bắt đầu với những nhà máy phân bón, hoá chất tiêu dùng tại miền Bắc, do Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ với mục đích, cung cấp phân bón và một số loại hoá chất phục vụ tiêu dùng.
Ngay từ giai đoạn hình thành, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách, để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
Nhờ đó, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam chúng ta, đã có những bước chuyển mình đáng kể.
Chủng loại, cơ cấu sản phẩm ngày càng đa dạng, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, ở một số lĩnh vực như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác.
ĐBQH Tô Ái Vang tham gia thảo luận Luật tại Hội trường
Đại biểu cho rằng, kể từ khi Luật Hóa chất có hiệu lực vào năm 2007 đến nay, thì ngành Công nghiệp hóa chất Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, đã hình thành được những tổ chức nghiên cứu, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực của ngành, bước đầu hình thành một số tổ hợp công nghiệp hóa dầu và một số khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp hóa chất.
Một số lĩnh vực của ngành đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu như: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa, tiền chất thuốc nổ amoni nitrat.
Hầu hết các dự án hóa chất trong những năm gần đây, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiệm cận với trình độ khu vực và thế giới, các yếu tố an toàn, môi trường được nâng cao.
Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, trong bức tranh tổng thể ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam, vẫn còn những tồn tại, như: Ngành mới chủ yếu cung cấp được một số sản phẩm thông dụng, chưa sản xuất được các sản phẩm hóa chất có yêu cầu kỹ thuật cao, chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập khẩu.
Còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ, lạc hậu, chưa chú trọng đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, sản phẩm kém tính cạnh tranh. Còn để xảy ra tình trạng ô nhiễm, mất an toàn, dẫn đến tâm lý e ngại ở một số địa phương và cộng đồng dân cư.
Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn.
Theo đại biểu Tô Ái Vang, khi Việt Nam đã tham gia vào các FTA thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), yêu cầu về quản lý hóa chất theo các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng trở nên cấp thiết. Các hiệp định này, mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn và đặt ra những đòi hỏi nghiêm ngặt về quản lý an toàn hóa chất, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Đại biểu cho rằng, Việt Nam còn là một trong 96 quốc gia đầu tiên ký kết Công ước Minamata về thủy ngân, khẳng định vai trò tiên phong trong nỗ lực bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong khuôn khổ Công ước Rotterdam, Việt Nam đang tích cực thực hiện trách nhiệm xác nhận việc khai báo nhập khẩu hóa chất công nghiệp, góp phần đảm bảo tính minh bạch, trong thương mại quốc tế và tăng cường khả năng kiểm soát các hóa chất nguy hại, phù hợp với các cam kết trong các FTA thế hệ mới.
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển bền vững, đang chi phối mạnh mẽ ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, càng trở nên cấp thiết.
Các xu hướng mới như: Số hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ xanh và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, đang đặt ra những thách thức và cơ hội mới cho ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.
Từ những yêu cầu đặt ra, đại biểu Tô Ái Vang kiến nghị: Dự thảo Luật nên bổ sung 01 chương, quy định Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý hóa chất với lý do, không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là động lực quan trọng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam.
Trên đây là bài phát biểu góp ý Luật Hóa chất (sửa đổi) của đại biểu Tô Ái Vang tại Hội trường Quốc hội sáng ngày 08/5/2025.