Lượt xem: 910
Một vài quan điểm về hồ sơ phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện
      Theo Từ điển Tiếng Việt, “phê chuẩn” là hoạt động xét duyệt sử dụng kết quả hoặc cho phép thực hiện dựa trên các căn cứ đề xuất của các cấp có thẩm quyền. Theo quy định tại khoản 6 Điều 83 và khoản 4 Điều 84 Luật Tổ chức chính quyền địa phương: “Kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện phải được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn”; “Kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân phải được phê chuẩn theo quy định tại khoản 6 Điều 83”. 

Hồ sơ trình đề nghị phê chuẩn của Thường trực HĐND TPST, tỉnh Sóc Trăng

      Như vậy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, sau khi được Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, được chứng thực bằng nghị quyết; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện phải trình Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xét duyệt bằng một nghị quyết, điều cần làm rõ là về thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục phê chuẩn thực hiện như thế nào?.

      Theo Công văn số 440/BCTĐB-CTĐB ngày 11/6/2018 của Ban Công tác đại biểu hướng dẫn hồ sơ bầu và miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Hướng dẫn số 883/HD-UBTVQH14 ngày 02/6/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, hồ sơ bầu gồm:

      1. Sơ yếu lý lịch (theo mẫu 2C/TCTW) do cá nhân tự khai và cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ xác nhận, đóng dấu theo quy định;

      2. Lý lịch trích ngang nhân sự, gồm các thông tin cơ bản như: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quê quán; nơi thường trú; trình độ đào tạo (chuyên môn, tin học, tiếng Anh), trình độ lý luận, chức vụ hiện đang đảm nhiệm.

      3. Bản sao giấy khai sinh (nếu có);

      4. Giấy khám sức khỏe (kết luận tình trạng sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời gian 6 tháng);

      5. Bản sao chứng thực các văn bằng chứng chỉ về trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, v.v... (Bằng tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ ở nước ngoài phải có xác nhận của Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và đào tạo);

      6. Bản kê khai tài sản, thu nhập cá nhân (ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị) của những người được đề nghị phê chuẩn;

      7. Nhận xét, đánh giá đảng viên của chi ủy nơi cư trú đối với bản thân và gia đình cán bộ (có thời hạn 6 tháng);

      8. Nhận xét, đánh giá của Chi bộ, đảng ủy cơ quan nơi công tác (có thời hạn 6 tháng);

      9. Nhận xét đánh giá của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ trong 3 năm gần nhất;

      10. Nhận xét đánh giá và Kết luận của Cấp ủy đảng theo phân cấp quản lý cán bộ về tiêu chuẩn chính trị, trong đó có báo cáo về thân nhân đang học tập, lao động, sinh sống ở nước ngoài và quan hệ với nước ngoài theo quy định số 126-QĐ/TW ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị;

      11. Quyết định phê duyệt quy hoạch chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân của nhân sự được bầu.

      12. Quyết định luân chuyển, điều động đối với nhân sự được bầu (nếu có).

      Hồ sơ miễn nhiệm gồm:

      1. Tờ trình đề nghị phê chuẩn kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

      2. Nghị quyết về việc xác nhận kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

      3. Biên bản kết quả miễn nhiệm, bãi nhiệm của Hội đồng nhân dân;

      4. Lý lịch trích ngang của người được miễn nhiệm, bãi nhiệm;

      5. Đơn xin từ chức (nếu có);

      6. Ý kiến của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

      Tuy nhiên, theo 02 văn bản trên, một văn bản là Công văn của Ban công tác đại biểu hướng dẫn, yêu cầu về hồ sơ của cấp tỉnh trình đề nghị phê chuẩn đối với Ủy ban Thường vụ quốc hội; một văn bản là Hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chỉ hướng dẫn tại kỳ họp thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026, do vậy hồ sơ trình đề nghị phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân cấp huyện sau kỳ họp thứ nhất thì chưa có văn bản quy định, hướng dẫn của Trung ương.

      Vấn đề đặt ra là, không có quy định thì thực hiện như thế nào? Trong quá trình hoạt động, các địa phương đã triển khai việc phê chuẩn ra sao? Ở khía cạnh tiếp cận của người viết và qua nghiên cứu quá trình triển khai từ các tỉnh, thành phố khác cho thấy các địa phương đã và đang thực hiện theo 1 trong 2 cách sau:

      Một là, quy định rõ trong Quy chế hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về thành phần hồ sơ bầu, miễn nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, trình Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Điều này vừa tránh việc ban hành hàng loạt các văn bản hướng dẫn của địa phương, ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp, theo dõi và thực hiện, vừa mang tính pháp lý cao; bên cạnh đó, các địa phương (Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện) có bộ hồ sơ trình đề nghị phê chuẩn đầy đủ, đồng bộ.

      Hai là, các địa phương căn cứ quy định của pháp luật, gửi hồ sơ trình đề nghị phê chuẩn. Theo cách này, việc trình hồ sơ đề nghị phê chuẩn gồm các nội dung, thành phần hồ sơ nào sẽ tùy thuộc vào quy định của từng địa phương; đa phần hồ sơ sẽ gồm: Tờ trình đề nghị phê chuẩn, lý lịch trích ngang, nghị quyết và biên bản bầu hoặc miễn nhiệm. Việc này sẽ dẫn đến thực trạng là hồ sơ trình của các địa phương không đồng bộ, thống nhất.

      Do vậy, theo quan điểm của người viết, để vừa có cơ sở pháp lý, vừa đảm bảo bộ hồ sơ trình đề nghị phê chuẩn đồng bộ, đầy đủ thì Ban công tác đại biểu cần hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ đề nghị phê chuẩn cho các địa phương, kể cả cấp xã; hoặc là Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đưa vào quy chế hoạt động làm cơ sở để thực hiện./.
Diệu Ngân











Thống kê truy cập
  • Đang online: 170
  • Hôm nay: 215
  • Trong tuần: 7 475
  • Tất cả: 597098
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.