Lượt xem: 397
Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân
      Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là “cầu nối” giúp đại biểu gắn bó mật thiết với cử tri, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và các vấn đề bức xúc mà cử tri phản ánh để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời giúp việc ban hành các chủ trương, cơ chế chính sách của địa phương sát thực tiễn, hợp lòng dân.

Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri

      Trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND được quy định cụ thể tại Điều 94 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019):“Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý chí, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri”.

      Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến, giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng nhân dân thực hiện các nghị quyết đó. Thực tế, qua hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cho thấy, nhiều địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri nghiêm túc, có chất lượng, có sự phối hợp trong hoạt động tiếp xúc cử tri giữa các tổ đại biểu và các đại biểu với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ, phương thức tiến hành ngày được cải tiến khoa học và hiệu quả hơn, đa số ý kiến cử tri đồng tình với cách giải quyết và trả lời của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một vài địa phương thực hiện công tác này chưa tốt, chất lượng các buổi tiếp xúc còn hạn chế; hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri chưa phong phú, đa dạng, đại biểu tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri chủ yếu là đại cử tri (cán bộ lãnh đạo UBND, các tổ chức đoàn thể cấp xã, ấp); các ý kiến, kiến nghị của cử tri ít tập trung vào những vấn đề chung mà chủ yếu vào các nội dung đề nghị cấp trên bố trí, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương; mở rộng các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức... số ý kiến tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp còn rất ít. Ngoài ra, kỹ năng tiếp xúc, đối thoại với cử tri của một số đại biểu HĐND còn hạn chế; việc giải trình và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số đại biểu HĐND tại các cuộc tiếp xúc chưa tốt, chỉ tiếp thu chứ ít nghiên cứu giải trình tại chỗ đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Chất lượng giải quyết một số ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND các cấp và các cơ quan hữu quan chưa cao, thiếu kịp thời; một số cơ quan, đơn vị trả lời cho xong việc; công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc UBND, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri chưa thường xuyên và việc tổ chức các hoạt động giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri còn ít.

Cử tri kiến nghị

      Từ hoạt động thực tiễn tiếp xúc cử tri thời gian qua. Để nâng cao chất lượng hiệu quả tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND trong thời gian tới, bên cạnh việc khắc phục những hạn chế nêu trên cần thực hiện các giải pháp.

      Một là, Thường trực HĐND phối hợp tốt với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri cho đại biểu HĐND thật sự khoa học đảm bảo đầy đủ các bước trong buổi tiếp xúc cử tri. Để hoạt động tiếp xúc cử tri đạt hiệu quả cần chủ động, tích cực sử dụng nhiều hình thức tiếp xúc tri phù hợp (tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì tổ chức trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri chuyên đề; tiếp xúc cử tri nơi công tác, nơi cư trú...). Sau buổi tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND cần tổng hợp đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri để nắm bắt và phản ánh kịp thời tới cơ quan và tổ chức có trách nhiệm giải quyết. Ngoài việc tiếp xúc cử tri theo kế hoạch của HĐND, đại biểu cần chủ động tiếp xúc, giữ mối liên hệ với cử tri bằng các hình thức khác theo hướng đối thoại trực tiếp với nhân dân.

      Hai là, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị các báo cáo trước cử tri và chất lượng việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nội dung báo cáo trước cử tri phải được các đại biểu HĐND chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng; báo cáo với cử tri những nội dung cụ thể mà kỳ họp sẽ quyết định; khắc phục tình trạng báo cáo chung chung, không định hướng, gợi mở được những vấn đề cần cử tri phát biểu. Việc xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải đầy đủ, trung thực, có chọn lọc, có tính khái quát cao, tránh trùng lặp, thể hiện rõ ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri, đồng thời gửi kịp thời tới các cơ quan có chức năng giải quyết theo quy định.

      Ba là, cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND phải chuẩn bị đầy đủ các tài liệu có liên quan, cần có các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng tổng hợp giải trình, tiếp thu... để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Điều quan trọng nhất của đại biểu HĐND khi tiếp xúc cử tri là thể hiện chữ tâm- tâm với công việc, với cử tri, cái tâm của đại biểu thể hiện sự sốt sắng với công việc chung, sự quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, coi khó khăn và lo lắng của cử tri như khó khăn và lo lắng của người thân mình, có tâm thì đại biểu mới tìm ra biện pháp để giúp đở cử tri, để chuyển tải những nguyện vọng chính đáng của cử tri thành chính sách. Khi thực hiện các hoạt động tiếp xúc cử tri đại biểu HĐND cần tuân thủ nguyên tắc 4T đó là: Tươm tất – Thân thiện – Thời gian – Trí tuệ.
Bốn là, tăng cường công tác giám sát của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND; thường xuyên theo dõi đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời có hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Tổ đại biểu HĐND cần quan tâm theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chất vấn các cơ quan, đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp HĐND.

      Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri sẽ góp phần gửi vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đồng thời nâng cao vai trò, vị trí của người đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.  
K.C











Thống kê truy cập
  • Đang online: 110
  • Hôm nay: 147
  • Trong tuần: 7 407
  • Tất cả: 597030
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.