Lượt xem: 3534
Giải pháp giữ gìn tôn tạo và phát triển nghệ thuật kiến trúc Đình, chùa của người Kinh trong tỉnh Sóc Trăng, góp phần phục vụ đời sống tâm linh tín ngưỡng và hoạt động du lịch tại địa phương
Di tích lịch sử văn hoá là tài sản vô cùng quý giá của mỗi địa phương, mỗi dân tộc, mỗi đất nước và của cả nhân loại, là một bộ phận đặc sắc trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc, ngoài ra nó còn là những bằng chứng xác thực, cụ thể về đặc điểm văn hoá của đất nước. Di tích lịch sử văn hoá đã chứng minh cho sự phát triển của từng thời kỳ lịch sử cụ thể, tồn tại và đạt đến một trình độ nhất định.

Miếu Thiên Hậu Thánh Mẫu (ấp An Trạch, xã An Hiệp)

         Trong thời đại ngày nay, một dân tộc, một quốc gia dù có phát triển ở trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ cao thế nào đi chăng nữa đều không thể không giữ gìn, bảo quản, quản lý các di tích. Do đó hoạt động bảo tồn di tích ngày nay không chỉ nằm trong phạm vi giới hạn của một địa phương, một quốc gia mà còn là sự quan tâm của cả cộng đồng quốc tế.

         Công tác bảo tồn và quản lý, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá hiện nay đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước, ngành văn hoá và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Các công trình kiến trúc có giá trị lịch sử văn hoá từ xưa đến nay đã trở thành những di sản văn hoá, là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc và là chất liệu gắn kết cộng đồng dân tộc, là cơ sở để tạo nên những giá trị tinh thần mới và giao lưu văn hoá quốc tế, các di sản văn hoá đó không chỉ là những tài sản quý giá của đất nước mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc.

         Xác định được tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử cùng với những giá trị vốn có của các di sản văn hoá nói chung, các di tích lịch sử văn hoá nói riêng đều là tài sản của quốc gia, do đó các hoạt động quản lý các giá trị di tích mang tính chất Nhà nước, vì vậy Nhà nước đã ban hành Sắc lệnh, Nghị định, Pháp lệnh và Luật về bảo vệ, gìn giữ, quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử văn hoá cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, tình hình của đất nước ta trong thời gian qua. 

         Có được những ngôi đình, chùa khang trang đẹp đẽ, kiến trúc độc đáo, phần lớn là nhờ ở sự cố gắng, năng động của các Ban quản trị, công đức của nhân dân, sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng và chính quyền các cấp. Thực tế việc giữ gìn, tôn tạo và phát triển nghệ thuật kiến trúc các đình, chùa đã góp phần khôi phục, nâng cao giá trị văn hoá và rút ra những kinh nghiệm trong nghệ thuật kiến trúc đình, chùa. Đó là những giá trị về tâm linh tín ngưỡng, là giá trị về chân – thiện – mỹ, hướng về cội nguồn dân tộc, bởi đình, chùa ngày nay không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ đạo Phật mà còn là nơi vãn cảnh, tham quan du lịch văn hóa tâm linh của nhiều du khách thập phương, nơi lưu giữ những nét truyền thống văn hoá lịch sử của dân tộc.

         Ngày nay, trãi qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội, thời tiết khí hậu… trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tình trạng thương mại hoá, do ảnh hưởng mặt trái của cơ chế thị trường, đã tác động không ít, làm ảnh hưởng vẻ mỹ quan, tuổi thọ của các di tích lịch sử - văn hoá nói chung, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã được Nhà nước xếp hạng, các cuộc Hội thảo khoa học, báo đài đã đề cập thường xuyên mà ai cũng đều biết đến, hiện nay các di tích đình, chùa đang trong tình trạng kêu cứu đối với các cấp, ngành chức năng quản lý, đặc biệt là Ngành văn hoá, Thể thao và Du lịch thông qua phương tiện quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hoá nói chung, kiến trúc đình, chùa của người Kinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trắng nói riêng, góp phần phục vụ đời sống tâm linh tín ngưỡng vì mục tiêu phát triển văn hoá, xã hội và du lịch tại địa phương, từ đó định hướng cách giải quyết vấn đề này như thế nào cho phù hợp là một việc làm cấp thiết, phục vụ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Vậy cần làm như thế nào cho đúng và giải quyết cho tốt vấn đề này đang là vấn đề thách thức đang đặt ra cho mỗi chúng ta.

         Công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đình, chùa hiện đang triển khai chậm, bảo tồn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Phần lớn các đình, chùa bảo tồn ở dạng quần thể nhỏ hoặc công trình đơn lẻ, cơ bản tập trung vào các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, còn lại là do người dân tự thực hiện, kết hợp bảo tồn với tôn tạo, cải tạo hoặc xây mới trên nền các công trình cũ. Rất nhiều các công trình truyền thống khác như đình cổ, chùa cổ, …đã và đang bị phá bỏ và thay thể bởi nó không còn có chức năng phù hợp trong môi trường sống mới.

         Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đẩy nhanh, phủ rộng công tác bảo tồn các giá trị di sản đình, chùa truyền thống, ngăn chặn kịp thời sự mất mát di sản, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn chế, một phương pháp tiếp cận mới trong công tác bảo tồn để việc bảo tồn các giá trị đình, chùa thực sự có hiệu quả, kịp thời ngăn chặn sự mất mát di sản đang xảy ra từng ngày từng giờ trên địa bàn.

         Từ thực tế nêu trên, chúng ta cần tiến hành các giải pháp giữ gìn tôn tạo và phát triển nghệ thuật kiến trúc đình, chùa của người Kinh trong tỉnh Sóc Trăng, góp phần phục vụ đời sống tâm linh tín ngưỡng và hoạt động du lịch tại địa phương. Cụ thể như sau:

         Theo thống kê trên địa bàn (năm 2017) đến nay, tỉnh Sóc Trăng có 111 di tích đã được khảo sát, kiểm kê, trong đó đã được lập hồ sơ khoa học xếp hạng 40 di tích, trong đó có 08 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh (gồm 16 di tích lịch sử cách mạng, 13 di tích kiến trúc nghệ thuật đình, chùa, 02 di tích lưu niệm danh nhân và 01 di tích danh thắng) và thực hiện nhiều dự án trùng tu, tôn tạo các di tích như: Địa điểm khởi nghĩa Nam kỳ đình Hoà Tú; Trường Taberd - nơi đón tiếp đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về ngày 23/9/1945; Khu Căn cứ Tỉnh uỷ Sóc Trăng, Miếu Bà Chúa Xứ - nơi thành lập chi bộ đầu tiên tỉnh Sóc Trăng; Đền thờ Bác Hồ; Chùa Dơi; Chùa Khleang... Nhìn chung, những di tích được đầu tư để trùng tu, tôn tạo đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, nhằm bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển các giá trị nghệ thuật, kiến trúc, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày càng cao của công chúng; đồng thời phát huy tốt các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận lịch sử, văn hóa và con người vùng đất Sóc Trăng.

         Trước hết là sự nhìn nhận, đánh giá giá trị di sản đình, chùa một cách đúng đắn để tổ chức kiểm kê, phân loại cho phù hợp bao gồm các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

         Giá trị di sản văn hóa vật thể: Loại còn nhiều dấu vết kiến trúc cổ xưa nhất, đang giữ được cảnh quan, kiến trúc, hiện vật gốc cơ bản giúp chỉ định niên đại rõ ràng nhất, do đó, thường được xếp vào loại lịch sử - văn hóa và di tích kiến trúc nghệ thuật, loại còn nhiều dấu vết xưa, gắn với một số sự kiện lịch sử quê hương, đất nước, xã hội, loại có lịch sử lâu đời, còn nhiều tư liệu, hiện vật quý hiếm nhưng chưa được phục hồi hoặc phục hồi, tôn tạo chưa xứng tầm. 

         Giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Các nghi thức tế lễ, hoạt động trình diễn của các trò lễ diễn ra tại đình, Các lễ hội truyền thống diễn ra tại chùa,.v.v…

         Sau đó tỏ chức tiến hành bảo tồn, tôn tạo, phục dựng lại những ngôi đình, chùa cổ, nếu kiểm kê thông qua lịch sử xây dựng và tôn tạo của các đình chùa, cũng như các công trình tôn giáo, tâm linh khác, chắc chắn còn rất nhiều chùa, tuy đa số là địa điểm, vết tích. Vấn đề cơ bản là, có nên phục hồi tất cả các đình, chùa, các công trình thờ tự, tôn giáo, tâm linh đã bị mất hết dấu vết, chỉ còn lưu trong trí nhớ dân gian, đây là vấn đề rất khó khăn và đòi hỏi nhiều nguồn lực, cho nên không nên khôi phục tất cả. Trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, việc phục hồi bảo tồn phải đi đôi, phải tạo điều kiện để phát triển. Phục hồi, bảo tồn, bảo lưu truyền thống văn hóa phải đi đôi với phát triển kinh tế, xã hội. Cần phục hồi những công trình di sản văn hóa nói chung khi những công trình ấy có đầy đủ cơ sở khoa học, điều kiện để phát huy giá trị, góp phần phát triển, nâng cao đời sống văn hóa, kinh tế cho xã hội, phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Chúng ta không thể vì lý do xưa kia chỗ này, chỗ nọ có công trình tôn giáo, tâm linh nhưng qua bao thăng trầm của lịch sử,  nó  đã bị xóa bỏ, chôn vùi, đã được thay thế bởi những công trình đang phục vụ tốt cuộc sống, kinh tế, xã hội, lại có thể đòi hỏi phải xóa bỏ để  tìm  cách  phục hồi, vì vậy, đôi khi yêu cầu phục hồi, tôn tạo di sản văn hóa là vi phạm các chính sách, pháp luật khác hiện có.

         Qua quá trình quản lý, chúng tôi nhận thấy việc phục hồi các đình, chùa người Kinh trong tỉnh Sóc Trăng còn chưa xứng với kiến trúc, phù hợp tôn chỉ của đạo Phật: gần gũi với thiên nhiên, mở rộng cửa để tất cả mọi đối tượng, tầng lớp xã hội để vãn cảnh, tĩnh tâm, tu tâm, tu tính. Nhiều đình, chùa mới được phục hồi hoặc xây mới có xu hướng thoát ly kiểu dáng, kiến trúc gốc, chỉ còn giữ được vị trí, địa điểm. Có thể nói là được xây dựng mới hoàn toàn mang dấu ấn đậm chất văn hóa hiện đại thế kỷ XX, XXI trên địa điểm cũ.

         Tiến hành phục hồi các đình, chùa cũng như các công trình tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo khác nói chung của người Kinh nói riêng, chúng ta có thể mở rộng diện tích để cảnh quan phù hợp đời sống xã hội hiện tại, tôn tạo các công trình phụ trợ phù hợp với chức năng sử dụng hiện đại, vật liệu kiến trúc có thể được thay thế bằng những chất liệu bền vững, hiện đại, nhưng phải dặc biệt chú ý phục dựng theo phong cách kiến trúc thời điểm đầu tiên xây dựng chùa (kiến trúc gốc).

         Theo các quy định hiện hành của Luật Di sản Văn hóa và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tu bổ, phục hồi các di tích lịch sử phải giữ nguyên  kiến  trúc  gốc  của  di  tích.  Nguyên gốc được hiểu là lúc xây dựng ban đầu hoặc thời điểm tu bổ xưa nhất có nét tương đồng về kiến trúc, văn hóa. Khi tu bổ phải thực hiện đúng phương pháp, kỹ thuật mới giữ được kiến trúc gốc.

         Không được thay thế nguyên vật liệu không cùng chủng loại, chất liệu vào kiến trúc gốc. Vì kiểu dáng kiến trúc, những đường nét họa tiết hoa văn trên kiến trúc chính là những chỉ định chính xác về lịch sử, niên đại, văn hóa của một di tích. Đó chính là giá trị của di tích.

         Sóc Trăng hiện còn nhiều đình, chùa chưa được tu bổ, tôn tạo, nhu cầu của nhân dân còn rất lớn. Việc dựng đình, sửa chùa là công việc muôn đời. Vì vậy, yêu cầu phải không ngừng nâng cao về nhận thức khoa học bảo tồn di tích. Quản lý chặt chẽ và triển khai có hiệu quả các hoạt động tu  bổ di tích từ khâu khảo sát, lập quy hoạch đến thiết kế dự toán và triển khai thực hiện,.v.v... Công việc này đòi hỏi phải tiến hành toàn diện, tỉ mỉ và khoa học với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, phải có một giải pháp phù hợp và cách nhìn tổng quát, tăng cường công tác quản lý của Nhà nước đối với di sản văn hoá, tích cực xã hội hoá trong công tác trùng tu tôn tạo các di tích đình, chùa.

         Cũng cần tham khảo ý kiến của Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thị, thành phố nơi có chùa và tham khảo tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để việc thiết kế xây dựng mới công trình Phật giáo hoặc trùng tu tôn tạo di tích gắn kết với ý nghĩa triết lý của đạo Phật. Hiện nay, việc thiết kế xây dựng mới công trình Phật giáo hoặc trùng tu tôn tạo di tích đình, chùa còn thiếu sự gắn kết với ý nghĩa triết lý của đạo Phật. Công trình Phật giáo nếu không gắn bó với cái ý nghĩa đắc dụng của đạo thì đó chỉ là một ngôi nhà hoặc những toà tháp vô hồn.

         Trong thời đại ngày nay, cũng như trong tương lai, ở Việt Nam nói chung và Sóc Trăng nói riêng bê tông hóa các kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng nói chung là một xu hướng không thể tránh khỏi. Đứng ở góc độ nào đó nó hoàn toàn hợp lý bởi tính tiện dụng, tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên rừng. Tuy nhiên cũng cần phải đặt ra một số nguyên tắc nhất định khi bê tông hóa một phần hay hoàn toàn một ngôi đình, chùa là phải quy hoạch sao cho  hài  hòa  với  cảnh  quan,  môi  trường thiên nhiên xung quanh, bản vẽ thiết kế xây dựng và trang trí cần dựa trên kiểu dáng, họa tiết truyền thống, hạn chế mức tối đa sự pha trộn và lai tạp bởi kiến trúc và cách thờ tự trong mỗi ngôi chùa chính là căn cước văn hóa giúp nhận diện ra bản sắc Việt Nam nói chung và đặc trưng trong kiến trúc đình, chùa của mỗi vùng, miền nói riêng.

         Tất nhiên, những hiện tượng bê tông hóa hoàn toàn hoặc một phần ngôi chùa cổ một cách thiếu hiểu biết là một việc làm khó chấp nhận cần phải lên án. Đối với những báu vật kiến trúc như vậy chúng ta phải tìm cách để bảo vệ tính nguyên trạng của nó. Nếu như vì lý do bị hư hại, xuống cấp phải trùng tu thì phải cẩn trọng làm có quy trình, kiểm tra đánh giá thực trạng xuống cấp, lập kế hoạch sửa chữa dựa trên ý kiến của các chuyên gia và những người có chuyên môn. Đặc biệt khi trùng tu nhất thiết phải tuân thủ nguyên tắc hỏng chỗ nào sửa chỗ đó và đảm bảo tính nguyên mẫu từ nguyên liệu đến hình dáng, màu sắc,.v.v… của công trình. Cũng cần nói thêm rằng, dẫu dựa trên những nguyên tắc nhất định, khắt khe song việc trùng tu tôn tạo cần phải tiến hành khẩn trương và có trách nhiệm bởi tuổi thọ của các di sản kiến trúc có thể khiến chúng sụp đổ bất cứ lúc nào do tác động từ ngoại cảnh.

         Sóc Trăng với một bề dày của truyền thống lịch sử - văn hoá, bên cạnh đó, các lễ hội dân gian truyền thống được bảo tồn và phát huy đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh của xã hội, góp phần to lớn trong việc giáo dục truyền thống của dân tộc. Hiện toàn tỉnh có khoảng 21 lễ hội, bao gồm: lễ hội dân gian (cúng chùa Ông, chùa Bà Thiên Hậu; cúng lăng Ông, phước biển), lễ hội cổ truyền (lễ Đôlta, Chôl Thnam Thmây, Ooc om boc của đồng bào Khmer); lễ hội tôn giáo (lễ Phật đản, Dâng y cà sa…)  nếu biết tận dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp, các di sản văn hóa này chắc chắn sẽ có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, Sóc Trăng đang trở thành điểm đến và điểm dừng hấp dẫn trong lòng bạn bè cả nước và bạn bè quốc tế. Ngày nay trong thời kỳ hội nhập và phát triển, công tác trùng tu, tôn tạo di tích luôn gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và sự phát triển của các ngành hữu quan khác. Do đó, công tác quản lý di tích cần được các ngành, các cấp quan tâm, làm tốt công tác quản lý và bảo vệ di tích sẽ góp phần tích cực trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa dân tộc, việc bảo tổn các di tích lịch sử - văn hóa không chỉ nhằm phát huy các giá trị để phục vụ cho các lợi ích xã hội, góp phần làm giàu cho kho tàng di sản văn hóa, mà còn quảng bá đến du khách trong và ngoài nướcvẻ đẹp phong phú, đa dạng, độc đáo của địa phương, có tác dụng to lớn trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”./.

Quốc Cường - Phòng VHTT
Tin khác
TIN NỔI BẬT
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang online: 41
  • Hôm nay: 197
  • Trong tuần: 7 500
  • Trong tháng: 5 178
  • Tất cả: 2185519
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: Y BAN NHÂN DÂN HUYỆN CHÂU THÀNH - TỈNH SÓC TRĂNG
     Địa Chỉ: ấp Xây Cáp, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, Tỉnh Sóc Trăng
      Điện Thoại: (0299) 3 834 570  - (0299) 3 834 566. Fax: (0299) 3 834 670. Email: vpubndchauthanh@gmail.com
                              Ghi rõ nguồn thông tin điện tử UBND Huyện Châu Thành khi trích dẫn lại từ địa chỉ này.