Lượt xem: 241
Hiệu quả từ chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Cù Lao Dung
      Cù Lao Dung là huyện vùng sông nước, huyện có 08 đơn vị hành chính, gồm 07 xã, 01 thị trấn, với 37 ấp, huyện có 03 xã An Thạnh 2, An Thạnh 3 và An Thạnh Nam thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và tổ chức triển khai thực hiện chính sách về công tác dân tộc, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nhờ đó đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
      Hiệu quả từ chính sách
 
      Để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, huyện đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Các chương trình, chính sách được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS để đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với đồng bào.
 
      Nổi bật nhất là việc vận động Nhân dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất bằng việc triển khai thực hiện các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách đối với đồng bào DTTS; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn cải tạo đất sản xuất, mua máy nông cụ để phát triển nông nghiệp và chuyển đổi nghề; chính sách hỗ trợ giống… để phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.
 
Người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế.
 
      Theo đồng chí Ngô Thanh Toàn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung thông tin, để thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai những chương trình, mô hình như: mô hình chăn nuôi bò, dê, heo; mô hình trồng cây ăn trái như: thanh nhãn, dừa dứa; mô hình nuôi cua, vọp, ốc len, ba khía dưới tán rừng với kinh phí ước tính trên 1,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con; tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tư duy sản xuất nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng đời sống được tốt hơn.
 
Mô hình chăn nuôi bò của người dân địa phương.
 
      Ông Lâm Văn Dương - ấp Bình Danh A, xã An Thạnh 2 được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Sau khi được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, gia đình ông Dương đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi bò. So với đời sống khó khăn trước đây, thì gia đình ông Dương đã được cải thiện hơn, góp phần ổn định cuộc sống. Đây cũng là tiền đề để giúp gia đình không ngừng cố gắng, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
 
      Trong giai đoạn 2014 - 2019 bằng các nguồn vốn trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện đầu tư trên 37 công trình giao thông nông thôn, sửa chữa các trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng và sửa chữa trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các xã vùng dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 109 tỷ đồng. Từ đó bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả. Chất lượng giáo dục ngày một nâng lên, công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện, trong năm 2024 đã mở 02 lớp xóa mù chữ trên địa bàn xã An Thạnh 3 và xã An Thanh Nam với tổng số 43 học viên tham gia học; hiện nay trên địa bàn huyện có 30/30 trường đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ 100%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được nâng cao.
 
Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại
thuận tiện cho người dân.
 
      Bà Trần Thị Vịnh - ấp Bình Danh B, xã An Thạnh 2 cho biết, huyện đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc, kịp thời đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật đi sâu, đi sát với đồng bào DTTS. Cuộc sống người dân được cải thiện hơn so với trước; đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng nên khang trang hơn, ai nấy đều vô cùng phấn khởi…
 
      Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng Đảng, đoàn thể và đào tạo cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, số lượng đảng viên trong đồng bào dân tộc hàng năm đều tăng. Các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể trong đồng bào DTTS được củng cố phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
      Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống
 
      Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giai đoạn 2024-2029, huyện Cù Lao Dung xác định ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS. Tập trung lãnh, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả việc triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của huyện, góp phần xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.
 
      Theo đó, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,2% đến 0,5%/năm. Trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 0,2% - 0,6%. Hạn chế tình trạng tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt từ 70 triệu đồng trở lên; cơ bản không còn hộ nghèo dân tộc thiểu số ở nhà tạm bợ, dột nát; giải quyết việc làm cho người lao động 1500 đến 2.000 lao động/năm, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số từ 100 đến 150 người/năm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn 700 lao động/năm, trong đó dân tộc thiểu số đạt 50 người/năm…
 
      Đồng chí Huỳnh Thanh An - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: Kết quả đạt được nêu trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đối với công tác dân tộc, thể hiện sự vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chính sách dân tộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời đã nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng. Để tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào DTTS trong thời gian tới, huyện Cù Lao Dung xác định sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn nữa trong công tác lãnh, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy, chính quyền trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện, để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống người dân./.
Bạch Cúc - Chí Linh
THÔNG BÁO









VĂN BẢN MỚI BAN HÀNH








  • Đang online: 137
  • Hôm nay: 2768
  • Trong tuần: 21 763
  • Trong tháng: 96 817
  • Tất cả: 2020259
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN CÙ LAO DUNG - TỈNH SÓC TRĂNG

    Địa Chỉ: Ấp Phước Hòa B, Thị trấn Cù Lao Dung, Huyện Cù Lao Dung, Tỉnh Sóc Trăng
    Số điện thoại: 02993.860.314 Văn phòng HĐND & UBND  - Email: vphdndubnd.huyencld@soctrang.gov.vn
    Ghi Rõ Nguồn " UBND Huyện Cù Lao Dung " Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.