Lượt xem: 18
Tọa đàm đánh giá thực trạng, giải pháp chăm sóc và quản lý hệ thống ao nuôi tôm nước lợ thích ứng biển đổi khí hậu trên địa bàn huyện
07/11/2024
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức buổi tọa đàm để đánh giá thực trạng, giải pháp chăm sóc và quản lý hệ thống ao nuôi tôm nước lợ thích ứng biển đổi khí hậu trên địa bàn huyện. Đến dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và đại diện các hộ nông dân nuôi tôm trên địa bàn huyện.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, tổng diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn huyện tính đến nay được 3.528ha, đạt 100,80% kế hoạch, trong đó: tôm thẻ chân trắng 3.026 ha, đạt 100,90% kế hoạch; tôm sú 503ha, đạt 100,5% kế hoạch. Diện tích tôm nuôi bị thiệt hại 97,3ha (chiếm 2,76% diện tích thả nuôi), tăng 10 ha so với cùng kỳ. Bệnh trên tôm vẫn còn xảy ra ở tất cả các thời điểm trong năm, rải rác ở tất cả các mô hình, đặc biệt là vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết bất lợi, với tác nhân chính gây thiệt hại cho tôm nuôi là do yếu tố môi trường (sốc môi trường, khí độc, thiếu oxy...) và thiệt hại do dịch bệnh (hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, phân trắng và bệnh vi bào tử trùng). Diện tích tôm thu hoạch ước đến nay khoảng 3.323ha (chiếm 94,18% diện tích thả nuôi).
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đặt ra nhiều câu hỏi về các bệnh thường gặp trên tôm nuôi và cách xử lý nước ao lắng và ao nuôi tôm, cách thuần con giống trước khi thả nuôi, cách xử lý khi tôm bị nhiễm các loại thuốc bảo vệ thực vật, nuôi ghép tôm với các loại thủy sản khác… Các câu hỏi trên đều được các diễn giả trả lời cụ thể, chi tiết và hướng dẫn các biện pháp khắc phục. Đồng thời, diễn giả khách mời cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong nuôi tôm như: cách xử lý nước tốt giúp phòng bệnh hiệu quả cho tôm, giải pháp sử dụng vi sinh để ức chế sự phát triển vi khuẩn và tảo gây hại cho tôm cùng một số khuyến nghị bổ ích và thiết thực giúp các hộ nuôi có kiến thức để áp dụng vào quy trình nuôi.
Thông qua buổi tọa đàm, nhằm giúp cho các hộ nông dân nuôi tôm trên địa bàn huyện có được các giải pháp nuôi tôm đạt hiệu quả cao, giảm tối đa chi phí đầu vào để nâng cao lợi nhuận. Đồng thời cũng giúp các ngành và địa phương đánh giá được thực tiễn tình hình nuôi để có các định hướng, khuyến cáo phù hợp, giúp cho các vụ tôm trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao đời sống cho nông dân.
Tr.Nhật