Huyện có 08 đơn vị hành chính, gồm 7 xã và 01 thị trấn. Tất cả đều được công nhận là xã đảo theo Quyết định 1900, ngày 04/10/2016 của Thủ tướng Chính Phủ.
Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 264km2, chiếm 7,9% diện tích tự nhiên toàn tỉnh Sóc Trăng. Dân số hơn 58.000 người; trong đó gần 94% là người Kinh. Huyện có hơn 13.800ha đất sản xuất; hơn 3.900 ha nuôi thủy sản.
Là vùng đất giữa 2 cửa sông, được thiên nhiên ưu đãi, phù sa màu mỡ, khí hậu ôn hòa, Cù Lao Dung có hơn 360 kênh, rạch và 17km bờ biển, Cù Lao Dung còn là địa phương khai thác và nuôi trồng thủy hải sản công nghiệp và bán công nghiệp, nhất là nuôi tôm nước lợ rất hiệu quả.
Cù Lao Dung là huyện nằm trong vùng kinh tế biển của tỉnh Sóc Trăng, có lợi thế rất lớn về mặt địa lý, với 3 vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn khác nhau để phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng công nghệ cao gắn với du lịch. Huyện có Quốc lộ 60 đi ngang, đường tỉnh lộ 933 và 933B cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thông đi lại thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện nhà. Mặt khác, vùng đất Cù Lao Dung được phù sa bồi đắp nên có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển sản xuất rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản… Đồng thời, vùng đất này còn có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... Tất cả những lợi thế đó đang dần được tạo đà phát triển cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Huyện có hơn 3.600ha vườn cây ăn trái đặt sản chủ lực như: xoài cát chu, xoài cát hòa lộc, xoài Đài Loan, thanh long, nhãn IDo, thanh nhãn, bưởi da xanh, dừa dứa... đang phát triển và cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Hiện Cù Lao Dung đang đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tích cực giảm diện tích mía chuyển sang cây trồng khác theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay huyện có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên; huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ trình tỉnh công nhận xã An Thạnh 1 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, Nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vận động các mạnh thường quân, năm 2019 huyện đầu tư nâng cấp 91 công trình, hàng trăm km trục lộ giao thông nông thôn, xây dựng 13 cây cầu dân sinh vùng khó khăn, với tổng nguồn vốn gần 180 tỷ đồng. Đặc biệt là dự án WB9 huyện đang triển nâng cấp tuyến đường Tình lộ 933B, nâng cấp đê sông, đê biển, hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống ven biển... với tổng nguồn vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng.
Cùng với những lợi thế đó, lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm thực hiện, có nhiều chuyển biến rõ nét. Các chính sách an sinh xã hội triển khai thực hiện kịp thời đúng đối tượng. Trong năm huyện xây dựng 13 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, 19 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo và hộ bảo trợ xã hội, với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng. Hàng năm từ nguồn ngân sách, cùng với sự chung tay góp sức của các Mạnh Thường Quân, các doanh nghiệp, huyện đã tổ chức thăm tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ mồ coi, cơ nhở, người già neo đơn... trong các dịp lễ tết với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Đặc biệt, nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2019, các Mạnh Thường Quân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình ủng hộ để huyện tổ chức thành công đên bắn pháo hoa đón giao thừa mừng xuân Kỷ Hợi 2019, góp phần phát triển nhu cầu hưởng thụ văn hóa của hơn 10.000 người dân trong và ngoài huyện.
Với sự đoàn kết nỗ lực, sáng tạo của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân nên tình hình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, có 22/24 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; công tác gia cố bờ bao, nạo vét kênh mương, phòng chống triều cường, kết hợp phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường được quan tâm; thu ngân sách đạt khá, chi ngân sách đảm bảo cân đối; quốc phòng - an ninh được giữ vững; công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện đạt hiệu quả.
Trước những cơ hội mới, huyện duy trì phát triển kinh tế, tạo chuyển biến rõ rệt về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế. Tăng cường kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh của địa phương. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống Nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính Nhà nước và công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.
Ngoài ra, Cù Lao Dung trú trọng phát triển du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn, home stay với các hoạt động như: tham quan nhà vườn, hái trái trái cây, hát đờn ca tài tử; khám phá cánh rừng phòng hộ nguyên sinh với diện tích hơn 1.400ha; trải nghiệm cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp khi triều rút của bãi nghêu rộng hơn 800ha; tìm hiểu vẻ đẹp hoang sơ của đảo khỉ với những nét rất riêng của các loài động vật và thủy hải sản...
Với vẻ đẹp nên thơ của sông nước hữu tình, quanh năm sóng vỗ, Cù Lao Dung có những nét rất riêng để phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: bãi bồi ven biển rộng hơn 16.000ha, Cù Lao Dung đang là vùng đất hội đủ tiềm năng mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cho các dự án phát triển du lịch về nguồn gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng và di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ và các di tích cấp tỉnh như: Bia Chiến thắng Rạch Già, Bia Chiến thắng An Hưng, Bia kỷ niệm nơi thành lập Trường Đảng đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng…. năng lượng điện gió, điện năng lượng mặt trời.
Cùng với đó, truyền thuyết về vùng đất linh thiêng là Sân Tiên hay những dấu tích trên đường bôn tẩu của vị vua Triều Nguyễn – Gia Long như Rạch Long Ẩn, Rạch Trường Tiền, Cù Lao Dung còn là cơ hội cho đầu tư phát triển du lịch tâm linh... Đến nay, huyện đã dần hình thành được 3 làng du lịch đó là: làng du lịch Sân Tiên, làng du lịch Rạch Long Ẩn, làng du lịch Rạch Trường Tiền đã thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài nước tham quan trãi nghiệm về đi thuyền trên sông đờn ca tài tử, tham quan vườn hài trái cây hay xuống bãi bồi bắt ốc len, cá thòi lòi, cá bống sao; tham quan khu rừng bần ngập nước rộng khoảng 1.600 ha tuyệt đẹp. Đây là khu rừng bần ngập nước rộng lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã như khỉ, rái cá, kỳ tôm, rắn, tôm, cua, cá, vọp, ba khía....Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng ngàn con, tạo nên những nét đặc trưng riêng về điểm du lịch sinh thái để phục vụ du khách tham quan, trãi nghiệm.
Về ẩm thực, Cù Lao Dung có những món ăn dân dã mang đậm nét đặc trưng của vùng đất cù lao như: canh chua bần cá bông lao, cá ngát; cá bống sao, cá thòi lòi kho sả, nướng muối ớt; chù ụ hay ba khía rang me; ốc len xào dừa; gỏi bông bần; chả mía,… Tất cả những nét riêng này đang là những tiềm năng lớn cần được khai thác để phát triển du lịch cho vùng đất này.
Để thu hút kêu gọi đầu tư, theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2017-2020 huyện có 7 danh mục dự án được phê duyệt trong đó có dự án khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn với quy mô 76ha, nhà máy điện gió số 10 có quy mô 3.800ha và nhà máy điện gió số 11 có quy mô 2.600ha, cụm công nghiệp An Thạnh quy mô 40ha. Hiện, huyện đang làm các thủ tục đề nghị Tỉnh bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư cho dự án Khu bảo tồn sinh thái Đảo khỉ; điện nặng lương mặt trời gắn với nuôi trồng thủy sản công nghệ cao…
Với Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường trung tâm chạy dài từ đầu đến cuối cù lao đang thực hiện; dự án xây dựng bến phà kết nối Cù Lao Dung - Trần Đề - Duyên Hải; đặc biệt là cầu Đại Ngãi nối liền Quốc lộ 60 khi đưa vào hoạt động, Cù Lao Dung sẽ có điều kiện thông thương với các khu vực, các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp, các tour - tuyến du lịch... Đây là điều kiện, là tiền đề để Cù Lao Dung mở thêm trang mới phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch. Cù Lao Dung vùng đất giàu tiềm năng này, có rất nhiều lợi thế cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp về với địa phương để cùng khai thác các tiềm năng, thế mạnh để tạo nên những giá trị mới cho chính mình và góp phần tạo bước đột phá cho sự phát triển của Cù Lao Dung.
Cù Lao Dung - hòn đảo nằm giữa 2 cửa sông được kết tinh qua hàng ngàn năm từ những hạt phù sa lắng đọng; từ công sức khai phá của các bậc tiền nhân và sự vun bồi của biết bao thế hệ. Với quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân nơi đây. Tin rằng trong tương lai không xa Cù Lao Dung sẻ cất cánh bay lên.