Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm triển khai thực hiện Đề án 06 và công tác chuyển đổi số
Dự hội nghị tại điểm cầu huyện Cù Lao Dung có đồng chí Lê Trọng Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Trần Văn Nguyên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; cùng thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra thiết thực, tạo sự lan tỏa trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, 100% thủ tục hành chính của tỉnh đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Tỷ lệ dịch vụ công toàn trình đạt 41%. Tính đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh đã kích hoạt 92.255/640.971 tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 14,3% so với chỉ tiêu giao…
Trong thực hiện Đề án 06, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo kịp thời đến các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện quyết liệt, nghiêm túc các nhiệm vụ của đề án. Tỉnh đã thành lập 121 mô hình điểm về Đề án 06 tại Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Qua đó đã bố trí tổ hướng dẫn người dân tạo 40.803 tài khoản dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn người dân nộp 37.439 hồ sơ trên Cổng dịch vụ công; đăng ký, kích hoạt 36.755 hồ sơ tài khoản định danh điện tử. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị trực thuộc triển khai một số mô hình khác như: Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt; mô hình khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID...
Qua 6 tháng đầu năm, tỉnh có 1.007.025/1.111.472 người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ, xác thực dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám, chữa bệnh (đạt 90,6%); 138/138 cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương đã phát biểu tham luận về một số nội dung: thực hiện đề án bệnh viện thông minh, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tình hình thực hiện dịch vụ công trực tuyến… Qua đó, các đại biểu cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc; đồng thời đề xuất những giải pháp, kiến nghị trong thời gian tới nhằm thực hiện đạt các mục tiêu về chuyển đổi số đã được đề ra.
Theo đồng chí Trần Văn Lâu, chuyển đổi số là quá trình mà các địa phương cần xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và trọng tâm. Thời gian tới, các sở, ngành có dự án công nghệ thông tin thuộc kinh phí đầu tư công cần giải ngân đúng tiến độ quy định. Các sở, ngành, địa phương thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, hội ý với Sở Thông tin và Truyền thông để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc… Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai việc không dùng tiền mặt tại các điểm dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Các địa phương cần phối hợp với Công an tỉnh và sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh kêu gọi các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng lòng, tích cực hưởng ứng đợt cao điểm 90 ngày đêm đăng ký, kích hoạt sử dụng tài khoản định danh điện tử. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người thân cùng tham gia để giúp công dân có các tiện ích trên tài khoản định danh điện tử, góp phần thực hiện công tác chuyển đổi số của tỉnh thành công tốt đẹp.