Điều kiện tự nhiên
Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Mỹ Tú là một trong 11 huyện, thị xã, thành phố Sóc Trăng, cách thành phố Sóc Trăng 18 km về phía Tây. Huyện Mỹ Tú ở phía Tây Bắc của tỉnh Sóc Trăng; Bắc giáp tỉnh Hậu Giang; Nam giáp huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và thành phố Sóc Trăng; Tây giáp huyện Ngã Năm; Đông giáp huyện Châu Thành. Về hành chánh, huyện bao gồm thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa và 8 xã: Mỹ Tú, Mỹ Hương, Mỹ Phước, Mỹ Thuận, Hưng Phú, Long Hưng, Phú Mỹ, Thuận Hưng.
Khí hậu huyện Mỹ Tú mang đặc trưng của tỉnh Sóc Trăng có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo và chia làm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.
Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình năm 2020 là 27,9 °C. Nhiệt độ cao nhất trong năm vào tháng 5 (30,3°C) và nhiệt độ thấp nhất vào tháng 12 (26,6°C).
Giai đoạn từ năm 2015 - 2020, nhiệt độ trung bình năm biến động trong khoảng 27,4 - 27,90C; nhiệt độ cao nhất là 30,30C, nhiệt độ thấp nhất là 24,80C.
Mưa: lượng mưa trung bình năm 2020 là 1.780 mm, chênh lệch lớn theo mùa, lượng mưa tập trung cao nhất vào tháng 10 (323,6 mm), thấp nhất vào tháng 4 (0,2 mm).
Giai đoạn từ năm 2015 - 2020, tổng lượng mưa trong năm biến động trong khoảng 1.394,0 - 2.246,8 mm.
Độ ẩm: độ ẩm trung bình cả năm 2020 là 78,8% (cao nhất 88% vào mùa mưa, thấp nhất 71 % vào mùa khô).
Giai đoạn từ năm 2015 - 2020, độ ẩm không khí trung bình năm biến động trong khoảng 79 - 82%; Độ ẩm cao nhất là 88%, độ ẩm thấp nhất là 71%.
Gió: Gió được chia làm hai mùa rõ rệt là gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam, mùa mưa chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam là chủ yếu; còn mùa khô chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc là chủ yếu. Các hướng gió chính như Tây, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam, với tốc độ gió trung bình là khoảng
6-9 m/s.
Địa hình huyện Mỹ Tú nhìn chung khá thấp so với các huyện còn lại trong tỉnh. Địa hình giữa các xã trong huyện thì cao ở các xã Phú Mỹ, Thuận Hưng, Mỹ Thuận và thấp dần về phía Quản lộ phụng hiệp, cao độ từ >25 đến >100cm.
Nhờ hệ thống kênh mương chằng chịt với tổng chiều dài các tuyến kênh mương là 1.459,56 km, mật độ kênh là 2,68 km/km2, do đó tài nguyên thủy sản khá đa dạng và phong phú, đa số là các loại thủy sản nước ngọt, các loại thủy sản có giá trị kinh tế như cá tra, cá rô phi, rô đồng, cá trê lai, ba ba, rùa,…
Nguồn nước mặt (nước ngọt) được lấy từ sông Hậu theo kênh Quản Lộ Phụng Hiệp – Cà Mau vào các kênh 8 thước, 9 thước, sông Tân Lập… đây là nguồn nước ngọt rất quan trọng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn toàn huyện.
Nguồn nước mặt (lợ) được lấy theo sông Nhu Gia vào các xã Mỹ Thuận, xã Mỹ Tú cung cấp cho nuôi trồng thủy sản nước lợ.