Nông thôn Sóc Trăng đổi thay từ những mô hình sản xuất hiệu quả
      Hơn 25 năm tái lập tỉnh, nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, nền kinh tế Sóc Trăng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên hầu hết các lĩnh vực. Hòa chung với niềm phấn khởi  đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cũng đạt nhiều dấu ấn, không chỉ biểu hiện trên những “cánh đồng mẫu lớn”, những vùng chuyên canh rau màu, chăn nuôi, thủy sản... mà còn biểu hiện ở sự đóng góp của ngành vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên một diện mạo nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh nhà trở thành tỉnh có nền nông nghiệp hiện đại.

       Năm 1992, thời điểm tái lập tỉnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến động bất lợi của thị trường trong và ngoài nước, nhưng bằng sự thống nhất, đoàn kết giữa Đảng với dân, đã đưa nền kinh tế Sóc Trăng phát triển vượt bậc, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, góp phần nâng cao đời sống của bà con nông dân.

       Từ một tỉnh thường xuyên thiếu lương thực, diện tích lúa 1 vụ có năng suất thấp, chỉ đạt 3,4 tấn/ha, sản lượng lúa năm 1992 chỉ đạt khoảng 827 ngàn tấn, thì đến nay sản lượng lúa đã vượt ngưỡng 2,2 triệu tấn, tăng 2,6 lần so với năm 1992 và trở thành một trong 5 tỉnh vùng ĐBSCL có sản lượng lúa cao nhất vùng và cả nước.

       Để đạt được kết quả đó, chính là cả một quá trình nỗ lực của các ngành chức năng và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh, đi từ nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún ngay từ những ngày đầu tái lập tỉnh sang hình thành các vùng sản xuất tập trung, theo mô hình cánh đồng lớn, đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, gieo cấy, thu hoạch. Sau hơn 10 năm nỗ lực cùng với chính sách hỗ trợ sản xuất lúa đặc sản, lúa chất lượng cao đã đem lại hiệu quả tích cực, diện tích lúa chất lượng cao liên tục tăng qua các năm, tính đến cuối năm 2016, diện tích lúa đặc sản đã tăng lên gần 42% trên tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh. Đó chính là bước phát triển lớn cho một tỉnh nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như Sóc Trăng.

      Song song đó là việc chuyển đổi mô hình độc canh cây lúa ở một số địa phương có tiềm năng, lợi thế phù hợp với điều kiện canh tác sang mô hình tôm - lúa, cá - lúa, lúa - màu, VAC như ở Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, cũng đã góp phần hình thành những vùng nguyên liệu trọng tâm của tỉnh, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con nông dân.

Đường xá nông thôn khang trang, sạch đẹp

       Cùng với cây lúa thì cây ăn trái, đặc biệt cây có múi là một trong những thế mạnh trên vùng nước ngọt Sóc Trăng trong những năm gần đây, những vùng đất trũng, phèn, khó khăn trong canh tác lúa ngày nào giờ đã được quy hoạch chuyển đổi sang những cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao.

       Nếu như hơn 10 năm trước, Kế Sách là huyện đi đầu trong việc chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và hình thành vùng chuyên canh cây có múi đứng đầu trong tỉnh với sản phẩm chủ lực như: Bưởi da xanh, cam sành, măng cụt, sầu riêng, thì  hơn 5 năm qua, Mỹ Tú cũng đang trở thành vùng trọng điểm về phát triển kinh tế vườn của tỉnh với tổng diện tích 2.500 ha, trong đó vùng trồng cây có múi tập trung với diện tích 1.950 ha, trở thành vùng chuyên canh lớn thứ 2 trong tỉnh. Quýt đường và cam xoàn chính là sản phẩm chủ lực và có thương hiệu của 2 xã Long Hưng và Hưng Phú, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, so với cây lúa, cây mía truyền thống thì giá trị cao hơn gấp nhiều lần, nhiều hộ gia đình khá, giàu nhờ mô hình chuyển đổi này.

       Một kết quả không kém phần quan trọng của ngành nông nghiệp sau hơn 25 năm, chính là chăn nuôi đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Kết quả rõ nét nhất chính là tỷ trọng chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng lên từ 3,28% năm 1992 lên 4,25% năm 2000 và lên 10,44% năm 2011. Từ 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đều tăng trên 6%. Tiêu biểu nhất trong các mô hình chính là thành công từ Dự án phát triển đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2019. Tiếp nối thành công từ Dự án phát triển đàn bò sữa, đầu năm 2017, Sóc Trăng tiếp tục triển khai Dự án phát triển đàn bò thịt giai đoạn 2017 – 2020 tầm nhìn đến năm 2025, theo đó Sóc Trăng sẽ đầu tư trên 1.000 tỉ đồng để nâng tổng đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh từ 32.000 con hiện nay lên 100.000 con vào năm 2020 và 200.000 con vào năm 2025, chú trọng đến mục tiêu nâng cao đàn bò lai để tăng trọng lượng đàn bò thịt bình quân từ 450kg lên 700kg/1 con. Qua đó, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho những hộ khó khăn, hộ có ít đất sản xuất hay những vùng đất sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cỏ nuôi bò để tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con nông thôn và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao.

       Để các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao thì việc đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh chính là mục tiêu trọng tâm của tỉnh trong suốt các nhiệm kỳ qua. Theo đó, các công trình thủy lợi phát huy được khả năng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng cho phần lớn diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Tính đến nay, Sóc Trăng đã triển khai công tác thủy lợi trên 7 vùng dự án lớn như: Quản lộ - Phụng Hiệp, dự án Kế Sách, dự án Ven Biển Đông, dự án Cù Lao sông Hậu,.... Đồng thời, thực hiện công tác đắp đê bao ven sông, kết hợp các cống ngăn mặn và tiêu nước, bảo đảm cho phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Với những hiệu quả thiết thực đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh cũng xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của từng địa phương, chú trọng phát triển các cây, con chủ lực gắn với tiềm năng của từng vùng, có như vậy thì mới giúp bà con nâng cao thu nhập, kinh tế mới phát triển và trên hết là sẽ thoát nghèo bền vững.

       Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mà kinh tế nông nghiệp Sóc Trăng đã có những bước tiến đáng kể, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nếu như năm 1992, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt khoảng 1,3 triệu đồng thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên trên 40 triệu đồng. Những mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều đã minh chứng cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đang đi đúng hướng. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để nông nghiệp Sóc Trăng tiếp tục phát huy lợi thế, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đưa tỉnh nhà ngày càng hội nhập và phát triển.

Hồng Duyên

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77655529

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.