Kiên quyết không để dịch Covid-19 quay trở lại
      Sáng ngày 02/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp của Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2020, bàn giải pháp thúc đẩy, phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, các đồng chí: Phan Văn Sáu - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lâm Văn Mẫn – Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Chuyện – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh cùng tham dự.

       Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 6 tháng qua, Việt Nam có nhiều đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ với sự ủng hộ của Nhân dân nên sớm ngăn chặn và kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, tạo tiền đề quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh. Thủ tướng khẳng định, thế giới đánh giá rất cao thành quả chỉ đạo kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Đây là thành công lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta.

       Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta trong quý II, nhất là tháng 4 và 5. Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, nhất là những đối tác lớn, quan trọng của nước ta. Những ngày gần đây dịch lan rộng trên thế giới và chưa dự báo được thời điểm kết thúc. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm đến 5,2%, mức giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái năm 1929-1933, trong khi đại khủng hoảng tài chính 2007-2008 chỉ giảm 1,73%. Trong báo cáo cập nhật ngày 24-6-2020, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu giảm mạnh (4,9%).

       Đối với trong nước, ảnh hưởng của Covid-19 đến Việt Nam rõ hơn trong quý II, chỉ tăng trưởng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Tính chung cả 6 tháng, tăng trưởng đạt 1,81%. Tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, riêng số lượng khách quốc tế giảm đến 99,3%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng 10,8%. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nước ta có một số điểm sáng quan trọng. Đó là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi, phát triển kinh tế. 

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Sóc Trăng

       Chiều cùng ngày, lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phát triển vùng kinh tế trọng điểm; thu ngân sách; cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cập nhật tình hình và các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19; kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT tại các địa phương năm 2020 và nhiều vấn đề quan trọng khác. Đồng thời nêu rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới. Lãnh đạo các địa phương phát biểu, bổ sung nhiều ý kiến đánh giá tình hình, giải pháp, hiến kế thực hiện nhiệm vụ, biến thách thức thành cơ hội phát triển.

       Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong công tác chống dịch Covid-19; đồng thời đề nghị, các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh không được chùn bước, không bàn lùi, khó khăn gấp đôi phải phấn đấu gấp ba để phát triển đất nước, phát triển địa phương. 

       Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng yêu cầu từng bộ, từng địa phương cần thành lập ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về đầu tư công và thể chế. Còn Chính phủ sẽ thảo luận thêm về việc thành lập ban chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế; đặc biệt, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại. Hỗ trợ hiệu quả các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế. Thủ tướng cho rằng nếu để đứt gãy kinh tế sẽ gây khó trong trung và dài hạn. Định hướng nữa là cần có cơ chế thu hút các nguồn lực, thu hút đầu tư tư nhân và FDI, đẩy mạnh tiêu dùng cá nhân để thúc đẩy thị trường trong nước; kích cầu du lịch nội địa. 

       Về vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng cho rằng cần phải có chính sách quan tâm, hỗ trợ trong thời gian dài, có thể “bơm” thêm tiền cho lĩnh vực này, không để ai quá khổ, quá khó khăn trong đại dịch Covid-19. Nhắc lại nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho biết, chúng ta còn lượng tiền rất lớn là gần 30 tỷ USD cần giải ngân, trong đó 60% nằm ở các địa phương. Vì thế, cần phải kịp thời giải quyết vướng mắc, chủ yếu là địa phương phải lo giải phóng mặt bằng để tháo gỡ vướng mắc.

Thiện Hải

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80411365

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.