Sóc Trăng: Quý III/2020, xuống giống trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày được 20.318 ha
Trong quý III, tỉnh tập trung chăm sóc, thu hoạch dứt điểm 72.000 ha lúa Hè thu 2020, sản lượng 421.416 tấn, năng suất bình quân 5,85 tấn/ha (chủ yếu do hạn chế xuống giống và dịch chuyển lịch thời vụ để phòng, tránh hạn mặn nên giảm 49,58% diện tích, giảm 47,45% sản lượng, nhưng năng suất tăng 4,22% so với vụ Hè thu 2019); xuống giống vụ lúa Thu đông 2020 được 3.906 ha (tăng 20,18% so vụ Thu đông 2019). Ước 9 tháng đầu năm, tổng diện tích xuống giống lúa là 341.148 ha, vượt 3,38% so với kế hoạch, giảm 4,17% so cùng kỳ; đã thu hoạch 261.902 ha (chiếm 76,77% tổng diện tích xuống giống), sản lượng 1,67 triệu tấn, đạt 81,52% kế hoạch, giảm 22,54% so cùng kỳ (trong đó, tỷ lệ lúa đặc sản chiếm 53,56% tổng sản lượng, vượt 1,56% kế hoạch, tăng 4,04% so cùng kỳ). Tình hình tiêu thụ lúa Hè thu tương đối thuận lợi, có 59 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích bao tiêu là 13.500 ha (tăng 3.270 ha so cùng kỳ), nâng tổng diện tích bao tiêu từ đầu năm đến nay là 36.747 ha (tăng 19.388 ha so cùng kỳ), nhìn chung giá lúa bình quân cao hơn cùng kỳ từ 400 - 1.100 đồng/kg.

     Xuống giống trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày trong quý III/2020 là 20.318 ha, tăng 4,48% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm xuống giống được 57.379 ha màu và cây công nghiệp ngắn ngày, giảm 5,65% so cùng kỳ; trong đó, hành tím 5.823 ha (giảm 15,61%), sản lượng 96.080 tấn (giảm 6,49%); mía 5.656 ha (giảm 2.012 ha), đã thu hoạch dứt điểm, đạt sản lượng 500.172 tấn (giảm 25,34%). Nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu tương đối thuận lợi nông dân áp dụng tiên bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, đầu tư xây dựng nhà lưới, tưới phun tự động..., hiện nay toàn tỉnh có 125 nhà lưới, nhà màng với diện tích là 8,19 ha, tăng 10 nhà lưới so với 6 tháng đầu năm và tăng 19 nhà so với cùng kỳ năm 2019; tình hình tiêu thụ rau màu tương đối tốt, đa số có giá bán tăng so với cùng kỳ.

     Tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 28.237 ha, đạt 88,24% kế hoạch, tăng 154 ha so cùng kỳ. Tiếp tục thực hiện tốt dự án cây ăn trái đặc sản với nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, an toàn tiếp tục được duy trì, phát triển; trong đó, có 10 vùng trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Kế Sách và Cù Lao Dung được cấp 36 mã code với diện tích 320,01 ha cây xoài, vú sữa, nhãn, bưởi xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Hoa Kỳ...; xây dựng được 04 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn; mô hình sản xuất VietGAP duy trì với diện tích 373,4 ha trên các loại cây trồng như: cam, nhãn, mãng cầu gai, xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa.

     Tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh hiện nay là 210.015 con, tăng 33,93% so 6 tháng đầu năm 2020, tăng 1,42% so cùng kỳ, trong đó, đàn heo 153.385 con (tăng 52,96% so 6 tháng đầu năm 2020, tăng 1,35% so cùng kỳ). Tiếp tục quan tâm thực hiện dự án phát triển đàn bò thịt, bò sữa, nâng tổng đàn bò 54.200 con, tăng 100 con so 6 tháng đầu năm 2020, tăng 923 con so cùng kỳ. Đàn gia cầm 7,4 triệu con, tăng 1,47% so thời điểm tháng 6/2020, tuy nhiên giảm 2,7% so cùng kỳ. Nhìn chung, tình hình chăn nuôi được cải thiện hơn so quý trước, nhất là tổng đàn heo đã phục hồi nhẹ, đồng thời thực hiện tốt phòng bệnh trong chăn nuôi, không để phát sinh ổ dịch; tuy nhiên, giá cả một số sản phẩm chăn nuôi chủ yếu giảm so cùng kỳ. Tháng 8/2020, đã xảy ra ổ dịch tả heo Châu Phi với tổng đàn 150 con tại xã Mỹ Bình, thị xã Ngã Năm và ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại xã Đại Hải, huyện Kế Sách với tổng đàn gà 1.200 con; các ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy 116 con heo (tổng trọng lượng 4.115 kg) tại 40 hộ và 1.200 con gà; đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh theo quy định.

     Quý III, toàn tỉnh thả nuôi thêm 28.822 ha thủy sản, trong đó tôm nước lợ 18.368 ha; nâng tổng diện tích thả nuôi thuỷ sản từ đầu năm đến nay là 65.385 ha, đạt 88,72% kế hoạch, giảm 8,5% so cùng kỳ. Diện tích thiệt hại tôm nuôi nước lợ đến ngày 14/8/2020 là 2.372 ha, chiếm 6,49% diện tích thả nuôi, thấp hơn 3,11% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng thủy sản quý III là 98.102 tấn, tăng 1,7% so cùng kỳ; lũy kế 9 tháng đầu năm là 191.655 tấn, đạt 60,46% chỉ tiêu Nghị quyết, giảm 0,91% so cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm nuôi nước lợ 9 tháng đầu năm là 81.890 tấn, đạt 49,04% kế hoạch, giảm 17,12% so cùng kỳ. Nhìn chung, giá thu mua các loại tôm bình quân giảm từ 1.000 - 6.000 đồng/kg so 6 tháng đầu năm.

     Tỉnh có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số đến nay có 50/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 62,5%, vượt 2% so chỉ tiêu Nghị quyết; các xã còn lại (30 xã) đạt từ 15 tiêu chí trở lên; thị xã Ngã Năm được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Mỹ Xuyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 905/QĐ-TTg ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP tiêp tục được quan tâm thực hiện; lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 75 sản phâm OCOP được chứng nhận từ 3 sao đến 4 sao (trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, 51 sản phẩm 3 sao); đã đánh giá thăng hạng 08 sản phẩm OCOP cấp tỉnh để hoàn chỉnh hồ sơ gửi Hội đồng đánh giá xếp hạng Trung ương đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

     Công tác phòng, chống khô hạn và xâm nhập mặn được triển khai quyết liệt, ngay từ cuối năm 2019, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn trên các sông, kênh, rạch để điều tiết hợp lý hệ thống công trình thủy lợi; đồng thời thông báo thời gian vận hành hệ thống cống để người dân chủ động ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; rà soát hệ thống thủy lợi, bảo vệ, gia cố, kịp thời sửa chữa các công trình đê bao, cống bọng; thực hiện tốt giải pháp cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn chịu ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn. Nhìn chung, công tác phòng, chống khô hạn và xâm nhập mặn đã hoàn thành, kết quả đạt yêu cầu, đến quý III/2020, độ mặn trên các sông trở lại bình thường, thiệt hại do hạn, mặn được giảm thiểu đến mức thấp nhất, trong điều kiện hạn mặn rất phức tạp nhưng diện tích thiệt hại hiện chỉ bằng 15,22% so với năm 2016.

     Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh gồm: sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm (thị xã Vĩnh Châu) khoảng 6.000m; sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm (tại huyện Kế Sách, Long Phú) khoảng 1.685m. Tình hình sạt lở, sụt lún, giông lốc đã làm thiệt hại 384 căn nhà (trong đó, thiệt hại 100%: 62 căn, trên 50%: 152 căn, dưới 50%: 170 căn). UBND tỉnh đã ra quyết định hỗ trợ cho các địa phương (Kế Sách, Long Phú, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm) từ nguồn quỹ phòng chống thiên tai với tổng sô tiên 748,5 triệu đồng để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại về nhà ở do sạt lỡ, dông lốc. Bên cạnh đó, Tỉnh đã triển khai 08 dự án khắc phục sạt lở, từ vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ với tổng mức đầu tư là 395 tỷ đồng (đã bố trí vốn được 178 tỷ đồng).

D.H



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80333250

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.