Kế hoạch Phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày 16/6/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 88/KH-UBND về Phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu chung  nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi. Phấn đấu đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của Sóc Trăng thuộc nhóm các tỉnh có hoạt động chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại và trang trại công nghệ cao trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Cùng với đó, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
 
Mục tiêu cụ thể nhằm xây dựng vùng chăn nuôi theo hướng áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt; đến năm 2030, phấn đấu phát triển các loại hình chăn nuôi với quy mô trang trại, chăn nuôi gia công đạt từ 40 đến 60%.
 
Sản lượng thịt xẻ các loại: Đến năm 2025, đạt từ 54 đến 60 nghìn tấn (trong đó, thịt heo từ 55 đến 57%, thịt gia cầm từ 30% đến 33%, thịt gia súc ăn cỏ từ 7 đến 10%); phấn đấu đến năm 2030, sản lượng thịt các loại đạt từ 61 đến 65 nghìn tấn (trong đó, thịt heo từ 45 đến 50%, thịt gia cầm từ 34 đến 36%, thịt gia súc ăn cỏ 11 đến 14%).
 
Sản lượng trứng: Đến năm 2025, đạt từ 350 đến 400 triệu quả/năm; phấn đấu đến năm 2030, đạt khoảng 410 đến 450 triệu quả/năm.
 
Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung công nghiệp đạt tương ứng: Đến năm 2025, đạt khoảng 10% gia súc, 5% gia cầm; phấn đấu đến năm 2030, đạt khoảng 15% gia súc và 10% gia cầm.
 
Đặc biệt, sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường.
 
Định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030:
 
- Phấn đấu phát triển đàn heo, đàn bò thịt, bò sữa chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, trang trại công nghệ cao với các giống cao sản và giống địa phương có tính tiềm năng
 
Tổng đàn heo có mặt thường xuyên từ 400 nghìn con; trong đó, đàn heo nái từ 15 đến 20 nghìn con; giống nái cụ kỵ, ông bà và nái bố mẹ, đàn heo được nuôi ở trang trại chiếm 60 đến 80%; Tổng đàn trâu có mặt thường xuyên từ 2 nghìn con; trong đó, khoảng 8 đến 10% được nuôi từ các trang trại quy mô nhỏ, đàn trâu còn lại được nuôi theo hộ gia đình; Tổng đàn bò thịt luôn duy trì từ 105 nghìn con; trong đó, khoảng 10 đến 15% được nuôi từ các trang trại quy mô vừa, còn lại chăn nuôi theo quy mô nhỏ; Đàn bò sữa đạt quy mô từ 12 nghìn con; trong đó, khoảng 70 đến 80% liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp, đàn bò sữa còn lại được nuôi theo quy mô nông hộ…
 
- Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng công nghiệp và công nghệ cao. Phấn đấu tổng đàn gà dao động từ 08 triệu con (trong đó, khoảng 40 đến 50% được nuôi theo hướng công nghiệp và khoảng 10 đến 15% nuôi theo hướng công nghệ cao); tổng đàn vịt dao động từ 1,2 triệu con (trong đó, khoảng 2 đến 4% được nuôi theo hướng công nghiệp, đàn vịt còn lại được nuôi theo hướng mùa vụ và theo hướng chạy đồng).
 
- Duy trì đàn dê ở quy mô từ 11,1 nghìn con (trong đó, khoảng 90 đến 100% là giống dê lai hướng thịt), được nuôi tại các cơ sở chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp với chăn thả có kiểm soát.
 
- Động vật nuôi khác, sản lượng tổ yến: Đạt từ 21 tấn vào năm 2025 và 25 tấn vào năm 2030; sản lượng mật ong: Đạt từ 1,3 tấn vào năm 2025 và 1,5 tấn vào năm 2030. 
 
Bên cạnh đó, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn hỗn họp thành phẩm cho gia súc, gia cầm và thủy sản bằng nguồn thức ăn truyền thống (bắp, khoai, rơm, bã bia, hèm rượu)…
 
Để thực hiện đạt các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như: Hoàn thiện các nhóm chính sách phát triển chăn nuôi (chính sách đất đai, chính sách tài chính và tín dụng, chính sách thương mại, khuyến nông và thông tin tuyên truyền); Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường; Khoa học công nghệ và hợp tác; Nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi; Nâng cao chất lượng, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi; Nâng cao năng lực giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi; Đào tạo nguồn nhân lực; Phát triển công nghiệp hỗ trự ngành chăn nuôi; Đổi mới tổ chức sản xuất; Tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi, thú y.
 
H.Lan
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77557165

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.