Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư: Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Sóc Trăng không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Ngay sau khi nhận được Chỉ thị 40-CT/TW, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung chỉ thị đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội…
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Dương Đình Lạng cho biết: “Chính sách tín dụng ưu đãi cùng với chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới; góp phần hạn chế tình trạng học sinh sinh viên phải bỏ học do nguyên nhân gia đình gặp khó khăn về tài chính, nhiều hộ gia đình xây dựng được các công trình nước sạch và vệ sinh, nhiều hộ nghèo có nhà ở ổn định, khang trang hơn… bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Chị Thạch Thị Dung, ở xã Thuận Hòa phấn khởi cho biết: “Trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, quanh năm làm lụng nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Năm 2016, được tiếp cận nguồn vốn vay chương trình hộ nghèo từ NHCSXH huyện; khi ấy, gia đình tôi có vốn để làm ăn. Nhờ có nguồn vốn vay với lãi suất thấp nên gia đình tôi phần nào giảm gánh nặng, so với trước đây, khi thiếu vốn phải vay nợ ngoài với lãi suất cao. Tôi và gia đình tôi biết ơn sâu sắc đến chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, thông qua kênh tín dụng ưu đãi từ NHCSXH”.
Với nguồn vốn vay từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh vượt khó thoát nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, trong giai đoạn 2014-2019, NHCSXH chi nhánh tỉnh đã giải ngân cho trên 189 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần giúp cho hơn 50 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết cho 5.668 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 9.740 lao động được tạo việc làm từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm; 114 lao động được đi làm việc ở nước ngoài; hơn 53 ngàn hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; 4.155 căn nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở xã hội…
Với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở nông thôn phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, khôi phục các làng nghề truyền thống, bộ mặt nông thôn được cải thiện… Từ đó, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả như: Nuôi heo, trâu bò, nuôi cá thác lác, mua bán nhỏ, trồng rẫy ở huyện Thạnh Trị; trồng cam, quýt, nuôi ba ba, bò lai sind ở huyện Mỹ Tú; nuôi bò sữa ở huyện Trần Đề; nuôi gà thả vườn ở huyện Châu Thành; dự án bò sinh sản ở TP. Sóc Trăng; trồng bưởi, cam sành, nuôi dê ở huyện Kế Sách; trồng môn, mía ở huyện Cù Lao Dung…, qua đó đã tạo được sự phấn khởi, đồng tình trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.
Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giảm biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH thực hiện phương thức quản lý thông qua hình thức ủy thác từng phần cho các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại xã, phường. Thực hiện phương thức này, NHCSXH đã tổ chức được mạng lưới hoạt động rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Theo đồng chí Dương Đình Lạng, tính đến 30-6-2019, dư nợ ủy thác qua 4 hội đoàn thể đạt trên 3.470 tỉ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, với 3.286 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, tình làng nghĩa xóm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau tại địa phương ngày càng gắn bó hơn, các thành viên trong tổ cùng giúp nhau sản xuất kinh doanh để mau chóng thoát nghèo.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của các sở, ban ngành và chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh; đồng thời sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.
Quang Bình