Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ - chìa khóa then chốt để phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng là yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là mục tiêu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Để KH&CN phát huy được vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, cần phải phát triển đồng bộ cả nguồn nhân lực KH&CN lẫn cơ sở vật chất nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách KH&CN, trong đó việc phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định.
Quan niệm về nhân lực KH&CN 
 
Luật KH&CN đã có quy định cụ thể về quan niệm nhân lực KH&CN gồm các đối tượng: “Đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và làm việc trong một ngành khoa học và công nghệ; đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng không làm việc trong một ngành khoa học và công nghệ nào; chưa tốt nghiệp đại học, cao đẳng, nhưng làm một công việc trong một lĩnh vực khoa học và công nghệ đòi hỏi trình độ tương đương”.
 
Tổng hợp các quan điểm, quy định nêu trong Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, quan niệm của Bộ Khoa học và Công nghệ và các quan niệm của đa số các nhà nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng, nhân lực KH&CN nước ta gồm 5 thành phần chủ yếu sau: Cán bộ nghiên cứu; Cán bộ kỹ thuật, công nghệ; Các cá nhân thuộc mọi tầng lớp xã hội; Cán bộ quản lý các cấp; Trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các chuyên gia nước ngoài.
 
Vai trò của nhân lực KH&CN
 
Những đóng góp của nguồn nhân lực KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng được thể hiện rõ nét ở những nội dung sau:
 
Thứ nhất, nguồn nhân lực KH&CN là lực lượng chủ yếu trong việc xây dựng các luận cứ khoa học giúp Đảng và Nhà nước xác định đường lối chiến lược, chính sách, kế hoạch CNH, HĐH đất nước; đồng thời là lực lượng nòng cốt trong triển khai thực hiện các đường lối chính sách đó.
 
Thứ hai, nguồn nhân lực KH&CN đảm nhiệm việc nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng các quy trình công nghệ mới, các thiết bị, công cụ mới vào sản xuất, cải tiến và hệ thống hóa công nghệ truyền thống, nâng cao trình độ công nghệ.
 
Thứ ba, có thể nói, đây là lực lượng xung kích trong việc lựa chọn, tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới của thế giới vào phát triển các ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam. Vai trò cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng của nguồn nhân lực KH&CN là họ đã có đóng góp lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tri thức khoa học, kiến thức và công nghệ sản xuất tiên tiến, thực hiện việc dẫn dắt cho những bộ phận có năng lực và trình độ thấp hơn đi lên, qua đó góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về KH&CN và kỹ thuật sản xuất, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất của công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác.
 
Viên chức phòng Thí nghiệm của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện phân tích chỉ tiêu hóa, lý, vi sinh.
 
Thực trạng nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh Sóc Trăng
 
Theo số liệu thống kê, đến năm 2020, tỉnh Sóc Trăng có 98,6% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn theo ngạch quy định; 78,77% viên chức đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp; 98,14% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định; 1.386 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học. Trong giai đoạn, thu hút được 44 người về tỉnh công tác, gồm 1 tiến sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 1 thạc sĩ, 2 bác sĩ chuyên khoa cấp I và 39 bác sĩ.
 
Nhân lực KH&CN của tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh: tham gia công tác quản lý, lãnh đạo ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã luôn phát huy tốt vai trò và khả năng của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần quan trọng vào sự đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, đã góp phần tích cực vào việc xây dựng những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Với sự chủ động, tích cực tham mưu đề xuất của đội ngũ nhân lực KH&CN, Tỉnh Sóc Trăng đã ban hành hàng loạt cơ chế chính sách, chiến lược, kế hoạch, phát triển KT-XH của địa phương, nhiều chương trình/đề án lớn đã và đang được triển khai đi vào cuộc sống. 
 
Nhân lực KH&CN của tỉnh tuy đã có bước phát triển về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu cán bộ đầu đàn, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực công nghệ trình độ cao; Một bộ phận còn hạn chế về năng lực và trình độ, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ CNH-HĐH; khả năng ngoại ngữ còn yếu, hạn chế khả năng tiếp cận tri thức tiên tiến, năng lực nghiên cứu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về KH&CN. Chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN chậm được đổi mới, chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao.
 
Đồng thời, trên địa bàn tỉnh hiện nay, hệ thống các tổ chức, cơ sở giáo dục, đào tạo từ bậc đại học trở lên còn hạn chế, nên việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KH&CN gặp nhiều trở ngại. Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của các trường cao đẳng, các tổ chức KH&CN của tỉnh còn nhiều hạn chế. Có ít các nhà khoa học có trình độ cao và đủ năng lực có thể chủ trì các nhiệm vụ nghiên cứu quy mô quốc gia và quốc tế.
 
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN
 
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức rất lớn đối với yêu cầu xây dựng và phát triển nhân lực KH&CN. Để tạo bước đột phá trong việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, đòi hỏi ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về KH&CN. Xây dựng chiến lược, tầm nhìn dài hạn về công tác tạo nguồn nhân lực KH&CN, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh phát triển nhân lực KH&CN bao gồm việc đào tạo, đào tạo lại gắn liền với sử dụng và trọng dụng nhân tài; thực hiện tốt chính sách để nuôi dưỡng tài năng đối với cán bộ khoa học trẻ. Đồng thời, xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học nước ngoài và mở rộng các chương trình đào tạo ở nước ngoài, để cán bộ KH&CN được cọ xát môi trường học thuật quốc tế và được đào tạo trong hoạt động nghiên cứu và phát triển quốc tế. Cùng với thực hiện tốt cơ chế, chính sách, cần đẩy mạnh xã hội hóa, huy động có hiệu quả các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là từ doanh nghiệp cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực, đặc biệt là cơ sở vật chất, kỹ thuật của các tổ chức KH&CN, góp phần cải thiện điều kiện làm việc cho nhân lực KH&CN. Qua đó, phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ KH&CN, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước.
 
Dương Vĩnh Hảo
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77378811

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.