Châu Thành xây dựng hệ thống chính trị trong đồng bào dân tộc, tôn giáo
Để thực hiện có hiệu quả Kết luận số 37-KL/TU, ngày 12-8-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về Đề án củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành đề ra nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng về dân tộc, tôn giáo đi vào cuộc sống.
Châu Thành là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, tỷ lệ khoảng 52% dân số. Huyện có 3 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Thiên Chúa giáo và Cao Đài, với 22 cơ sở thờ tự, 7 cơ sở tín ngưỡng dân gian, với 28.106 tín đồ; trong đó có 23 chức sắc và 55 chức việc. Riêng đồng bào Khmer đa số theo đạo phật. Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện có 2.614 đảng viên, trong đó có 795 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 30,4% đảng viên toàn Đảng bộ huyện.
 
Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch, thống kê, đánh giá thực trạng tình hình các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo và chọn xã Phú Tân, xã An Hiệp làm điểm chỉ đạo. Qua triển khai thực hiện, đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng và trách nhiệm trong công tác củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở những đảng bộ có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo sinh sống. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo được triển khai thực hiện kịp thời, mang lại nhiều kết quả tích cực. Công tác chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, quy hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên mới là người dân tộc thiểu số, người có đạo được thực hiện tốt... Cán bộ, đảng viên là người dân tộc thiểu số, người có đạo trong Đảng bộ huyện an tâm công tác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí được quy hoạch, bổ nhiệm giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý của huyện và cơ sở. Các cơ sở thờ tự trên địa bàn hoạt động đúng theo tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật, với quan niệm là cùng xây dựng, bảo vệ cuộc sống yên vui, lành mạnh, đoàn kết và yêu thương cộng đồng, tránh xa tệ nạn xã hội; quyết tâm loại trừ các hủ tục mê tín dị đoan, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. 
 
Xây dựng gương điển hình tiên tiến thực hiện Chỉ thị số 05 trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Ảnh: Ngọc Diễm 
 
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, các cấp ủy quan tâm triển khai thực hiện khá tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, nhất là thường xuyên quán triệt các nội dung trong Nghị quyết Trung ương tư, khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị cho cán bộ, đảng viên của đơn vị mình, trong đó chú trọng nhận diện các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Công tác kết nạp đảng viên mới là người dân tộc, tôn giáo được Đảng bộ huyện quan tâm thường xuyên. Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số được các cấp ủy quan tâm, cơ cấu cán bộ là người dân tộc vào các chức danh chủ chốt ở 6 xã, thị trấn. Hiện có 9/31cán bộ chủ chốt là người dân tộc thiểu số, đạt tỷ lệ 29,03%.Công tác kiểm tra, giám sát cũng được các cấp ủy các cấp quan tâm thực hiện tốt.
 
Bên cạnh đó, huyện còn triển khai nhiều mô hình tiêu biểu, có hiệu quả trong đồng bào dân tộc, tôn giáo như như:"Hộ gia đình an toàn về an ninh trật tự”,"Tiếng loa an ninh", "Móc khóa an ninh", "Thắp sáng đường quê”..., qua đó góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Thường xuyên tổ chức các phong trào như: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phụ nữ với pháp luật, phụ nữ hùn vốn xoay vòng, thanh niên tình nguyện, chung tay xây dựng nông thôn mới... để thu hút đoàn viên, hội viên tham gia, thông qua các phong trào đã xây dựng được lực lượng có uy tín, nòng cốt trong đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia. 
 
Đồng chí Sơn Pô - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là nơi có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nhất là các chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo; chăm lo xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, người uy tín, sư sãi tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khmer và các chức sắc tôn giáo. Thường xuyên quan tâm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, kiện toàn các chức danh lãnh đạo, chủ chốt cơ sở, đảm bảo đảng ủy các xã, thị trấn đều có cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia ban thường vụ, các chức danh chủ cốt cơ sở. Quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, chú trọng phát triển đoàn viên, hội viên vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tích cực vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Ngọc Diễm
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77398570

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.