Ba khía mới “nghía” đã thèm
Về Trần Đề, ghé nhà anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi được gia đình anh đãi món mắm ba khía do chính tay anh làm từ công đoạn muối ba khía đến thành mắm. Trong khi anh lục đục dưới bếp, chúng tôi chuyện trò ở nhà trên, đến khi mùi ba khía đã thoảng qua mũi, chúng tôi nghĩ thầm: Món này chỉ để ăn cơm chứ mặn chát thì sao “lai rai” cho được. Anh bày la liệt trên bàn nào chuối chát còn con, nào dưa môn, rồi khóm xắt mỏng... Anh nói: “Thử trước một vài “ngoe” đi, không mặn đâu...”. Tôi “xung phong” thử một “ngoe” và gật gù: “Vừa ăn, ngon quá trời luôn”.

Anh cho biết, hàng năm, cứ vào tầm “nước lên” từ tháng tám đến tháng mười Âm lịch, ba khía phải leo lên những rễ cây để trú ẩn. Thời điểm này được gọi là mùa “Ba khía hội”, và người ta bắt đầu chuẩn bị sẵn sàng đồ nghề để bắt ba khía. Chọn những đêm tối trời, khi con nước lên đầy, từng đoàn ghe, xuồng nhộn nhịp xuất hành trong ánh đèn loe lét như lễ hội hoa đăng. Chỉ cần cho xuồng sà vào những gốc đước, gốc mắm vuốt nhẹ những "anh - chị" ba khía còn đang say sưa tình tự, cho vào khạp đặt sẵn trên khoang, thế là xong!... Trong một con nước, một người có kinh nghiệm và cần mẫn có thể bắt được một khạp đầy ba khía. Khi đầy khạp, người ta lấy lá dừa nước phủ lên, dùng cây gài kín miệng khạp lại. Độ chừng ba, bốn hôm thì giở khạp ra phân loại và sắp xếp lại từng con. Do làm để ăn trong nhà nên với loại ba khía ốp (không chắc thịt) anh bán rẻ cho bạn hàng ngoài chợ hoặc cho bà con chòm xóm để ăn liền. Còn loại “chắc thịt” xếp riêng một khạp. Sau đó, đổ nước muối ngâm rồi độ khoảng một tuần, ba khía có thể ăn được nhưng chưa ngon lắm vì chưa ngấm. Ba khía tuy dễ làm như vậy, nhưng đôi khi do bảo quản không kỹ, bị nước mưa lọt vào, ba khía bị "trở" (bị hư), có mùi hôi rất khó chịu. Như một thói quen tìm hiểu, tôi thắc mắc: Vì sao có tên là “ba khía”. Anh bạn tôi trả lời tỉnh bơ: Ngày trước, khi ba khía “bị” bắt đúng lứa, đúng kích cở nên khi “ra mắm” thì cứ 3 con là đúng một khía. Nên mới gọi thành danh là “ba khía”.


       Tuy làm ở nhà rất kỹ, nhưng khi ăn cũng phải rửa cẩn thận từng con bằng nước sôi pha âm ấm. Tách mai, càng, chân, yếm ra từng phần. Cho tỏi, ớt, khóm (hoặc nước cốt chanh cũng được!)) bằm nhuyễn trộn đều với ba khía. Nhớ thêm vài muỗng đường cát cho vừa khẩu vị. Lấy dĩa đậy lại khoảng 2 tiếng đồng hồ (lâu hơn càng tốt!) cho ba khía ngấm đều và dịu mới ngon. Có người còn “ngâm” cho đến hôm sau mới ăn. Làm như vậy thì thịt ba khía càng ngấm.


       Có lẽ, đây là lần đầu tiên chúng tôi nhậu với một món chuyên dành cho bữa cơm, vì ba khía mặn nổi tiếng trong họ hàng nhà mắm. Thế mà, hôm nay, món ba khía trộn với chanh đường, khóm... cùng với tỏi, ớt, sao mà vừa miệng và “bắt” lạ thường. Còn gì thú vị cho bằng trong khung cảnh “nửa chợ, nửa vườn” êm ả, bữa tiệc đạm bạc dọn lên cùng với món mắm ba khía, với vị ngọt mặn lẫn mùi thơm đặc trưng… nên “ăn”cũng ngon, mà “uống” cũng “bắt” như thường.

Lý Nhâm


Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86590879

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.