Mỹ Tú: Dạy nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu thực tế
       Thời gian qua, huyện Mỹ Tú luôn quan tâm thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tùy theo nhu cầu, thế mạnh của địa phương, các lớp đào tạo nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức đã đáp ứng được nguyện vọng học nghề của bà con nhân dân.

       Ông Trần Phươl, ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ từng được tham gia lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức năm 2015. Ông Phươl cho biết: “Những kiến thức được học đã giúp tôi thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn bò. Nhờ đó hiệu quả kinh tế cũng cao hơn trước đây, hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu nhập khoảng 50 triệu đồng từ chăn nuôi bò, cao hơn gần gấp đôi so với chăn nuôi tự phát, không có kỹ thuật như trước kia”.

       Ngoài ông Phươl, nhiều bà con trên địa bàn huyện Mỹ Tú đã tham gia các lớp học nghề về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Như ở xã Thuận Hưng, từ năm 2019 đến nay, dựa theo nhu cầu của bà con trong xã, UBND xã phối hợp với Trung tâm GDNN–GDTX huyện tổ chức 08 lớp học nghề về nuôi bò sữa, trồng lúa, đan hàng thủ công mỹ nghệ cho hơn 80 lao động nông thôn. Qua các lớp học, bà con trong xã đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao tay nghề. Có những hộ đã xây dựng được mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả hay nhận gia công, tìm được công việc phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình. Em Thạch Thị Hoa Thy, ấp Bố Liên 1, xã Thuận Hưng cho biết: “Gia đình em khó khăn, không có việc làm ổn định, được tạo điều kiện học nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ, em rất vui. Em sẽ cố gắng học thật tốt, có tay nghề để có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống”.

Lớp đào tạo nghề may dân dụng tại trung tâm

       Thực hiện Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2010 – 2015, Trung tâm GDNN–GDTX huyện Mỹ Tú đã đào tạo nghề cho 4.048 lao động nông thôn (nghề nông nghiệp 1.798 lao động, nghề phi nông nghiệp 2.250 lao động); giai đoạn 2016 đến tháng 8/2020 phối hợp mở được 123 lớp đào tạo nghề cho 1.760 lao động nông thôn. Hầu hết là các ngành nghề phù hợp tình hình thực tế của địa phương như: Nuôi bò sữa, trồng lúa năng suất cao, trồng rau an toàn, trồng nấm, nuôi gà - heo hữu cơ, nuôi thủy sản nước ngọt, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, may dân dụng, may công nghiệp, đan giỏ dây nhựa. Qua thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt hơn 80%.

       Bà Kiên Thị Mộng Thể - Giám đốc Trung tâm GDNN–GDTX huyện Mỹ Tú cho biết: Việc đào tạo nghề được triển khai kết hợp giữa lý thuyết và thực hành nên các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế. Cùng với đó, đào tạo nghề theo nhu cầu của người học gắn với những tiềm năng thế mạnh của huyện, từ đó tạo cơ hội cho người dân sau khi học nghề có thể áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid–19 nên trong những tháng đầu năm, trung tâm chưa tổ chức được lớp nghề nào do giãn cách xã hội. Ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát, trung tâm đã phối hợp tổ chức được 21 lớp với 245 học viên (đạt 61% kế hoạch).

       Ông Phạm Hồng Quân - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mỹ Tú cho biết: Nhờ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Mỹ Tú đều tăng qua từng năm. Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện là 17,32%; năm 2020, dự kiến tỷ lệ lao động qua đào tạo huyện đạt 42,89%. Thời gian tới, phòng sẽ tăng cường phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn về tầm quan trọng của việc học nghề. Cùng với đó, tiếp tục rà soát nhu cầu của lao động tại các xã, thị trấn để đào tạo nghề theo nhu cầu. Chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng, xã hội hóa công tác đào tạo nghề; tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo kế hoạch đề ra.

Quốc Tuấn

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81383937

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.