Long Phú: Hiệu quả thiết thực từ việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở
       Nhà văn hóa xã, ấp hay mô hình nhà sinh hoạt cộng đồng ấp là một thiết chế văn hóa cơ sở, là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, giao lưu, trao đổi và tiếp nhận thông tin của cộng đồng dân cư trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo của Nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa (xã văn hóa, ấp văn hóa, khu phố văn hóa và gia đình văn hóa).

       Nhận thức được tầm quan trọng của nhà văn hóa xã trong đời sống hằng ngày của cộng đồng dân cư, trong những năm qua, huyện Long Phú luôn quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn quy hoạch đất, đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực để xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa ấp, liên ấp và nhà sinh hoạt cộng đồng ấp, phục vụ nhu cầu thiết thực của Nhân dân. Cho đến nay, huyện Long Phú đã xây dựng và đưa vào hoạt động 10/11 nhà văn hóa xã, thị trấn; 01 nhà văn hóa ấp Khoan Tang, 47 nhà văn hóa ấp, liên ấp và nhà sinh hoạt cộng đồng, còn lại thị trấn Đại Ngãi, huyện đang quy hoạch đất và huy động nguồn kinh phí để xây dựng. Đặc biệt, hầu hết các nhà văn hóa xã và nhà văn hóa ấp, sau khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng đều mang lại hiệu quả rất cao.

       Theo ông Hồ Quốc Hùng – Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Long Phú cho biết: “Các nhà văn hóa xã, ấp trên địa bàn huyện Long Phú khi đưa vào hoạt động đều đảm bảo các tiêu chí theo Thông tư số 06/2011/BVHTTDL, đặc biệt là các tiêu chí về diện tích, các phòng chức năng, diện tích khu thể thao, cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động trong nhà văn hóa, đáp ứng nhu cầu trong sinh hoạt cộng đồng của Nhân dân trên địa bàn”.

Nhà văn hóa xã Long Đức là một trong những nhà văn hóa hoạt động hiệu quả của huyện Long Phú

       Điển hình như Nhà văn hóa xã Song Phụng, cơ bản hoạt động đúng mục đích, nội dung yêu cầu của quy chế tổ chức hoạt động nhà văn hóa xã. Là một thiết chế văn hóa - giáo dục mang tính tổng hợp nên hoạt động của nhà văn hóa rất đa dạng và phong phú với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Anh Huỳnh Hoàng Nhân – cán bộ quản lý Nhà văn hóa xã Song Phụng chia sẻ: “Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ, họp tổ, nhóm, sinh hoạt của các đoàn thể, nhà văn hóa còn là nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ tiêu kế hoạch, các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến tận người dân. Nhà văn hóa còn là nơi tổ chức các hoạt động truyền thông, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong phát triển kinh tế, tuyên truyền giáo dục về kỹ năng sống, về đạo đức, sức khỏe, giới tính, về dân số kế hoạch hóa gia đình, tổ chức gặp mặt, tọa đàm nhân kỷ niệm các ngày lễ của dân tộc cũng như của địa phương, là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí, sinh hoạt thể dục thể thao của các em thiếu nhi, các cụ ông, cụ bà cao niên”.

       Để nhà văn hóa xã, nhà văn hóa ấp hay nhà sinh hoạt cộng đồng… thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ và phát huy có hiệu quả trong cộng đồng dân cư, thực sự là thiết chế văn hóa cần thiết đối với Nhân dân, cần có những giải pháp phù hợp, cụ thể như xây dựng nhà văn hóa theo các tiêu chí đã quy định, đảm bảo diện tích, có đủ các phòng chức năng, cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động đáp ứng nhu cầu của các hoạt động, đồng thời phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp cho cán bộ phụ trách nhà văn hóa xã, hướng dẫn thành lập các loại hình câu lạc bộ phù hợp với các đoàn thể và các đối tượng tại địa phương, mặt khác các CLB cũng cần tránh sự nhàm chán, tạo nên những nét mới mẻ, hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi người cùng tham gia. Cần tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với từng đối tượng, quan tâm tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho đoàn viên, thanh niên và các cháu thiếu niên trong các dịp nghỉ hè. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân mở các lớp dạy năng khiếu, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ, làm tốt công tác xã hội hóa, huy động được nguồn kinh phí để nhà văn hóa xã triển khai các hoạt động đạt hiệu quả cao.

Sóc Ca

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86030094

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.