20/08/2021
Mỹ Xuyên: Nuôi luân canh tôm - lúa kết hợp ương tôm trong bể nổi lót bạt
Huyện Mỹ Xuyên là vùng trọng điểm nuôi luân canh tôm - lúa của tỉnh Sóc Trăng cũng như cả nước. Đặc điểm của mô hình tôm - lúa ở Mỹ Xuyên là dựa vào các yếu tố tự nhiên như điều kiện thổ nhưỡng, mùa vụ... và biện pháp canh tác như là giải pháp kỹ thuật then chốt trong sản xuất, khai thác mối quan hệ hổ tương giữa con tôm và cây lúa để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ sống cho tôm nuôi cũng như giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh, Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên đã xây dựng mô hình “Nuôi luân canh tôm lúa kết hợp ương tôm trong bể nổi lót bạt” với quy mô bể ương 100m3 phục vụ cho diện tích nuôi 1 ha, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và duy trì phát triển.
Định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên là chủ trương duy trì diện tích nuôi luân canh tôm - lúa. Đây được xem là phương thức sản xuất có nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất ra sản phẩm có chất lượng cao (lúa thơm, tôm sạch). Đồng thời, để nuôi tôm luân canh tôm - lúa và nuôi tôm chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế tốt nhất cho hộ nuôi và hạn chế các nhược điểm trong kiểm soát dịch hại và mầm bệnh trong ao nuôi; môi trường ao nuôi biến động; nguy cơ xảy ra dịch bệnh... Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình “Nuôi luân canh tôm - lúa kết hợp ương tôm trong bể nổi lót bạt” tại hộ anh Lê Thanh Thoại, ấp Hiệp Hòa, xã Gia Hòa 2 (Mỹ Xuyên) với quy mô 1 bể ương 100 m3 phục vụ nuôi cho diện tích 1 ha. Qua gần 3 năm qua thực hiện mô hình, anh Thoại vẫn duy trì mô hình và chuyển đổi ao đất nuôi tôm sang nuôi tôm bằng ao lót bạt.
Theo đó, mô hình hệ thống ao nuôi được bố trí bao gồm một bể ương nổi lót bạt có thể tích 100 m3 và hệ thống ao xả thải và ao lắng có diện tích 3000 m2, áp dụng biện pháp thay nước tuần hoàn. Hệ thống ao lắng được sử dụng để cấp nước cho bể ương và ao nuôi trong suốt quá trình nuôi và ao nuôi được bố trí gồm 2 ao với diện tích 10.000m2. Bể ương được thiết kế theo dạng bể tròn, lắp đặt trên nền đất phẳng đã được san lắp, đầm nén kỹ, hoàn toàn cách ly với môi trường nước bên ngoài. Bể được xây dựng với kết cấu khung thép lót bạt với hệ thống thoát nước và thu gom chất thải dạng hình phểu nằm ở giữa đáy bể. Trong bể ương có bố trí hệ thống oxy đáy và bố trí một dàn quạt nước giúp cung cấp oxy và gom chất thải vào vị trí xiphông. Nước trước khi cấp vào bể ương được xử lý kỹ trong ao lắng, khi các yếu tố môi trường đảm bảo được cấp vào bể ương qua túi lọc. Trong bể ương trước khi thả giống sẽ được cấy vi sinh và kiểm tra lại các yếu tố môi trường đảm bảo phù hợp cho ương tôm. Với diện tích bể ương 100 m3, số lượng giống thả tương đương 100.000 con/bể. Tôm thả vào bể cần cho ăn với lượng thức ăn ban đầu là 500g/100.000 post, chia làm 4 cữ cho ăn đều nhau trong ngày. Sau đó tăng dần 100g/ngày. Trong 10 ngày đầu không tiến hành xiphông, thay nước sau đó thay nước và xiphông hàng ngày, tùy thuộc vào chất lượng nước bể ương mà lượng nước thay sẽ thay đổi, có thể lên đến 30%. Hàng ngày kiểm tra các yếu tố môi trường như pH và độ kiềm để điều chỉnh cho phù hợp.
Mô hình ương tôm bằng bể nổi lót bạt khung sắt giúp kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi giai đoạn đầu. Ảnh: THÚY LIỄU
Anh Lê Thanh Thoại thông tin: “Tôm ương trên bể được 21 ngày, thì tôi được Trạm Khuyến nông hướng dẫn, sang tôm ra 2 ao nuôi là 10.000m2 và trước khi sang tôm quan sát thời tiết, tình trạng tôm lột xác và sự tương thích về mặt môi trường giữa bể ương, ao nuôi. Để đảm bảo tôm phát triển tốt, tôi làm vèo trước khi sang tôm vào ao. Sau khi sang ao nuôi, tôm được chăm sóc quản lý như ao nuôi tôm thẻ thông thường. Hơn 3 tháng nuôi tôm đạt kích cỡ trung bình 70 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 81%, sản lượng tôm thu hoạch là 1,2 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 54 triệu đồng. Thấy hiệu quả tốt từ bể ương, trong vụ nuôi năm 2020 tôi đã nâng số lượng tôm ương lên 400.000 post và chuyển 2 ao nuôi đất sang ao lót bạt và mở rộng thêm 1 ao lót bạt, nâng lên tổng số 3 ao và mỗi đợt nuôi thu về lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng, bởi tỷ lệ tôm ương trên bể nổi đạt tỷ lệ hơn 90% kết hợp nuôi tôm ao bạt đạt hơn 90%. Hiện tại, tôi vẫn duy trì mô hình và vụ này tôi ương 50.000 con post/100 m3, lợi nhuận thu về ước hơn 250 triệu đồng”.
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Liễu Nghĩa Tín đánh giá: “Mô hình nuôi luân canh tôm - lúa kết hợp ương tôm trong bể nổi lót bạt” đảm bảo kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, dịch hại và mầm bệnh, đảm bảo tỷ lệ sống của tôm nuôi đạt trên 80%, tôm nuôi có kích cỡ đồng đều và có chất lượng cao. Đây là mô hình có triển vọng trong việc giúp bà con nuôi tôm kiểm soát tốt hơn tỷ lệ sống và chất lượng con giống trong quá trình nuôi…”.
THÚY LIỄU