Nông dân Mỹ Tú tập trung xuống giống vụ Đông Xuân sớm 2021- 2022
Nhằm đảm bảo sản xuất vụ mùa đạt kết quả cao, thời điểm này, nông dân huyện Mỹ Tú đang tập trung xuống giống lúa Đông Xuân 2021- 2022 theo đúng khung lịch thời vụ khuyến cáo.
Ông Nguyễn Thanh Điền - Trưởng phòng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: Vụ Đông Xuân này, toàn huyện dự kiến xuống khoảng 32.400 ha, chia làm 3 đợt: Đợt 1 từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2021 với khoảng 10.400 ha; đợt 2 từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 01/2022 với diện tích 12.400 ha; đợt 3 từ cuối tháng 1/2022 đến giữa tháng 2/2022 với 9.600 ha còn lại. 
 
Theo đó, cơ cấu bộ giống sản xuất được khuyến cáo chủ yếu là các giống lúa đặc sản (chiếm 70% diện tích) như: ST20, 24, 25; RVT; Đài Thơm 8; OM18; OM4900; OM7347. Tập trung phần lớn ở các xã nằm trong vùng phát triển lúa đặc sản của huyện và các xã vùng Dự án VnSAT. Bên cạnh đó, dự kiến xuống giống khoảng 20% diện tích lúa chất lượng cao như OM5451, OM3673, OM6976… được sản xuất trong khu vực liên kết với các doanh nghiệp địa phương. Ngoài ra, 10% diện tích còn lại sẽ gieo trồng ở các vùng không chủ động được nước tưới, tiêu và vùng xuống giống không theo lịch thời vụ ngành chức năng khuyến cáo, chủ yếu là các giống lúa thường như IR50404, PC10.
 
Nông dân Mỹ Tú áp dụng biện pháp máy sạ hàng vụ Đông Xuân 2021- 2022
 
Tính đến nay, bà con nông dân Mỹ Tú đã xuống giống được hơn 8.530 ha, đạt trên 82% diện tích dự kiến xuống giống đợt 1, lúa đang trong giai đoạn phát triển tốt. Tuy nhiên, theo dự báo mùa khô năm 2021-2022, mặn xâm nhập sớm và diễn biến phức tạp hơn, nông dân cần chủ động xuống giống sớm lúa Đông Xuân 2021-2022 để né hạn, mặn vào cuối vụ. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức vì chi phí sản xuất tăng cao, như các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống… sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nhập của người nông dân. 
 
Do đó, ngành Nông nghiệp huyện cũng hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa; bón phân cân đối, hợp lý và hiệu quả; áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh tổng hợp (IPM); quản lý nước trong ruộng theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo quy trình nhằm tiết kiệm nước. 
 
Bên cạnh đó, huyện cũng triển khai để bà con cày ải sớm và phơi đất, bởi đây là giải pháp kỹ thuật ưu việt đem lại nhiều lợi ích. Ngoài việc cải tạo hệ vi sinh vật, tăng cường lượng oxi trong đất, cày ải còn có tác dụng giải phóng chất khí độc có hại cho cây trồng. Mặt khác, cày ải còn có tác dụng diệt được cỏ dại và mầm mống sâu bệnh tồn dư từ vụ mùa chuyển sang. Đồng thời, Mỹ Tú đẩy mạnh công tác diệt ốc bươu vàng, diệt chuột đầu vụ, tập trung cao điểm trước khi gieo giống 7-10 ngày./.
 
Quốc Tuấn
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77785763

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.