Sóc Trăng với nền nông nghiệp phát triển vượt bậc sau 30 năm
Những ruộng lúa rộng lớn, bông nặng hạt đang giai đoạn lúa trổ đón xuân mới về cùng những vườn trái cây trĩu quả, với các dòng kênh thủy lợi nội đồng, tạo nguồn đầy ắp nước, ngay bên cạnh từng cánh đồng lúa, kèm theo đó có rất nhiều con đường giao thông nông thôn được đầu tư rộng khắp trên từng cánh đồng lúa tại các địa phương và dọc theo tuyến đường được trồng đủ các loại hoa đang khoe sắc dưới ánh nắng ban mai buổi sớm và xa xa cách cánh đồng vài chục km được nhìn và nghe thấy là tiếng động cơ của những cánh quạt tạo oxy, tạo bọt nước trắng xóa vô cùng đẹp mắt. Đó là hình ảnh quen thuộc của người dân địa phương, nhưng với chúng tôi đó là khung cảnh tuyệt đẹp như bức tranh mùa xuân mới năm 2022 trên vùng đất Sóc Trăng sau 30 năm chia tách tỉnh.
Tâm sự người dân sản xuất nông nghiệp
 
Là tỉnh chuyên về sản xuất nông nghiệp nên nguồn thu nhập chính của người dân tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi và sau 30 năm chia tách tỉnh, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân có những thay đổi ra sao, chúng tôi đã đến gặp gỡ những người nông dân chuyên canh tác lúa, tôm để nghe tâm sự của họ, trong suốt mấy mươi năm gắn bó cùng cây lúa, con tôm được xác định là kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
 
Đón khách trong căn nhà cấp bốn khang trang, đầy đủ tiện nghi, được xây dựng hàng chục năm qua, ông Nguyễn Hoàng Khải, khóm Tân Trung, Phường 2, TX. Ngã Năm chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in thời điểm năm 1992 nền nông nghiệp tỉnh ta còn gặp rất nhiều khó khăn, bà con quê tôi chỉ làm lúa đuôi trâu (lúa mùa-PV) 1 vụ trong năm, sở dĩ chỉ làm được vụ lúa vì không có hệ thống thủy lợi, không có nguồn nước nên muốn xuống giống lúa phải đợi đến mùa mưa, lúa gieo sạ đến thu hoạch là 6 tháng, lúa thường thu hoạch trước tết khoảng 10 - 15 ngày, năng suất lúa khoảng 300 kg lúa/1 công, giá bán lúa thấp, người dân làm lúa chỉ đủ ăn”. 
 
“Đến năm 2000, việc sản xuất của nông dân khởi sắc khi Nhà nước triển khai hệ thống thủy lợi nội đồng, có thủy lợi bà con xuống giống lúa 2 vụ lúa/năm. Sau 30 năm, khắp các cánh đồng của bà con nông dân có hệ thống thủy lợi, bà con ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất lúa nên năng suất lúa từ 300 kg/1 công (1992) tăng lên 950 kg/1 công (2021), các giống lúa gieo sạ đều là lúa đặc sản. Đồng thời, quá trình canh tác lúa đều bằng cơ giới hóa, thay thế hoàn toàn lao động thủ công, đó là nhờ vào sự quan tâm đầu tư của Đảng, của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ định hướng người dân trong sản xuất lúa và đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện nên tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất lúa phát triển, đời sống người dân ấm no, sung túc”, ông Nguyễn Hoàng Khải thông tin thêm.
 
Cũng là nông dân gắn bó lâu đời với cây lúa nhưng vào những năm chia tách tỉnh (1992), ông Mai Văn Chánh, ấp Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm sú. Ông Chánh tâm tình: “Năm 1992 tôi chuyển 2 ha đất trồng lúa sang nuôi tôm, thời đó nuôi tôm 1 vụ/năm, vụ nuôi kéo dài có khi đến cả năm và năng suất tôm thu khoảng 300 kg/1 ha. Đến năm 2015 trở về thời điểm hiện tại, thì việc nuôi tôm của bà con rất thuận lợi, do hệ thống thủy lợi được đầu tư rộng khắp, việc lấy nước vào nuôi tôm dễ dàng, đường giao thông thông suốt giúp khâu vận chuyển thức ăn tôm và các vật dụng cho nghề nuôi tôm tốt hơn, nông dân được tiếp thu các kỹ thuật “nghề nuôi tôm” thông qua các lớp tập huấn nên nhiều hộ đầu tư các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm nhiều vụ trong năm, thu về lợi nhuận rất tốt. Riêng tôi từ nuôi tôm 1 vụ nâng lên nuôi tôm 2 vụ/năm, sản lượng tôm thu về khoảng 10 tấn/2 ha/năm, lợi nhuận thu về 300 triệu đồng/năm, gấp 10 lần so với 30 năm về trước”.
 
 
Qua 30 năm, mô hình nuôi tôm nước lợ của tỉnh Sóc Trăng phát triển mạnh. Ảnh: THÚY LIỄU
 
“Quả ngọt” nông nghiệp tỉnh sau 30 năm
 
Qua những lời tâm sự của những người nông dân sản xuất lúa, nuôi tôm phần nào cho thấy “bức tranh” nền nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng trong những năm đầu chia tách tỉnh cần phải đổi mới để việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân nông thôn tốt hơn. Theo thống kê của ngành nông nghiệp năm 1992, diện tích lúa gieo trồng hàng năm của tỉnh là 242.831 ha, tổng sản lượng lúa hơn 826.800 tấn/năm và diện tích nuôi trồng thủy sản 19.799 ha, trong đó diện tích tôm nuôi nước lợ hơn 16.000 ha, tổng sản lượng thủy sản thu về 27.250 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ 3.129 tấn. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn trái là 5.126 ha; đàn trâu, bò, heo là 179.150 con và việc chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Đó là con số thực tế từng lĩnh vực nông nghiệp của năm 1992 cho thấy rõ nét việc sản xuất lúa còn chưa nhiều và năng suất lúa còn thấp, cùng với đó là nuôi tôm nước lợ chưa phát triển, sản lượng tôm nuôi thu về ít. 
 
Tuy nhiên, qua 30 năm nền nông nghiệp tỉnh ta phát triển vượt trội, cụ thể là diện tích gieo trồng lúa năm 2021 ước 327.826 ha, sản lượng hơn 2 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa đặc sản 1,09 triệu tấn, chiếm hơn 53% tổng sản lượng lúa toàn tỉnh; đàn trâu, bò, heo 333.622 con, có 81 trang trại chăn nuôi heo và gia cầm. Riêng về diện tích thả nuôi tôm nước lợ là 53.000 ha, sản lượng 183.150 tấn. Về diện tích cây ăn trái là 29.000 ha, trong đó diện tích sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP là 469 ha, đã tổ chức liên kết với các công ty tiêu thụ hơn 1.433 tấn cây ăn trái đặc sản, trong đó xuất khẩu hơn 213 tấn. Song song đó, đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh có 156 sản phẩm OCOP được chứng nhận sao OCOP, trong đó có 128 sản phẩm đạt 3 sao, 27 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm gạo ST 24 được công nhận 5 sao OCOP quốc gia của 85 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
 
Để ngành nông nghiệp tỉnh nhà tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh cũng như phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục triển khai các dự án về phát triển lúa đặc sản, phát triển cây ăn trái đặc sản, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, hình thành vùng sản xuất lúa đặc sản. Song song đó, phát huy tiềm năng nuôi tôm nước lợ, phát triển ngành tôm của tỉnh một cách bền vững; chuyển dần chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại; khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, mở rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người dân…”.
 
THÚY LIỄU
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 86587952

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.