Để cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là đối với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá; trong năm 2021, Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề; quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nội dung nghị quyết. Theo đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng: Dù trong khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được xác định ngay từ đầu năm 2021, ngay từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Kết quả, cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải lập song song quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổng hợp vào quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, vùng đất, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… làm cơ sở kêu gọi đầu tư thực hiện dự án. Và hiện nay, đã có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xin chủ trương nghiên cứu thực hiện dự án.
Đối với các dự án điện gió, theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch được 20 dự án, với tổng quy mô công suất 1.435 MW. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng công suất 1.295 MW. Đã khởi công 11 dự án; đến cuối năm 2021, đã có 4 dự án vận hành thương mại, với tổng công suất 110,8 MW. Các dự án còn lại dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2022 và 2023. Ngoài ra, tỉnh Sóc Trăng đang tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng phát triển điện gió, để cập nhật vào quy hoạch điện VIII, với tổng công suất tiềm năng là 12.849 MW, trong đó, điện gió trên bờ 10.849 MW, điện gió ngoài khơi 2.000MW.
Về phát triển các khu, cụm công nghiệp, hiện đang chuẩn bị khởi công Dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề. Ngoài ra, tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai Cụm công nghiệp An Lạc Thôn 1, An Lạc Thôn 2, Cụm công nghiệp Xây Đá B… Hiện nay, tỉnh đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các công trình, dự án kêu gọi đầu tư: Dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt; tổ hợp dự án chợ đầu mối... Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục, lập danh mục kêu gọi đầu tư như: Trung tâm thương mại đường Trần Hưng Đạo, đường Hùng Vương, khu đô thị đường Nguyễn Chí Thanh; khu đô thị Phường 4 (khu 1, khu 2); Cụm công nghiệp Xây Đá B (mới)…
Phấn đấu đưa Sóc Trăng bứt phá vươn lên, phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Q.K
Đối với đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Mạc Đĩnh Chi, với tổng mức đầu tư 277 tỉ đồng, kết nối thành phố Sóc Trăng với vùng kinh tế ven biển trọng điểm của tỉnh, mở ra một trục phát triển kinh tế mới cho tỉnh; đồng thời, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế ven biển của tỉnh. Để hình thành hành lang kinh tế mới, thúc đẩy phát triển vùng trũng TX. Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, huyện Mỹ Xuyên và TX. Vĩnh Châu, tỉnh đã chủ trương đầu tư và ký kết bản ghi nhớ với nhà đầu tư xây dựng tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây theo phương thức đối tác công - tư, định hướng kết nối Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp với Quốc lộ Nam sông Hậu. Đồng thời tiếp tục triển khai Dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án thành phố Sóc Trăng; trong đó, đã khởi công cầu Nguyễn Văn Linh, cầu Vành Đai II, với tổng kinh phí trên 350 tỉ đồng, góp phần từng bước đầu tư hoàn thành tuyến đường vành đai, hệ thống hạ tầng giao thông thành phố Sóc Trăng.
Từ Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và chuyển đổi sinh kế vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững và thịnh vượng (WB11)”, Dự án thành phần tỉnh Sóc Trăng, với tổng kinh phí 975 tỉ đồng, tập trung đầu tư các công trình, trữ ngọt phục vụ sản xuất. Đồng thời, tỉnh đã cho chủ trương đầu tư Dự án Phát triển thuỷ sản bền vững (SFDP), sử dụng vốn vay IRBD của Ngân hàng Thế giới (WB) - Dự án thành phần tại tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu, với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng. Tỉnh cũng cho chủ trương thực hiện Đề án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường Tỉnh 932, 932B, 933, 933B, 934, 936, 939, 939B, các đường vành đai, đường trục đô thị… Dự kiến kinh phí giai đoạn 2021-2025 gần 10.000 tỉ đồng…
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; trong đó, bao gồm các chính sách miễn, giảm thuế; chính sách đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tập trung trong 2 năm 2022, 2023, với tổng kinh phí 176 nghìn tỉ đồng. Đồng thời, Quốc hội cũng đã ban hành nghị quyết đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Trong đó, có dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 191 km, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025; đoạn qua tỉnh Sóc Trăng dài 56,67 km. UBND tỉnh Sóc Trăng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, trình cấp thẩm quyền giao tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư dự án.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn nhận định: Từ những công trình, dự án đầu tư hệ thống giao thông liên vùng như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi dự kiến được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 và việc đầu tư cảng biển Trần Đề sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng đón đầu, bứt phá vươn lên, phát triển nhanh và bền vững; đưa Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
QUỐC KIÊN