Lượt xem: 53
Thông tin Phiên họp Tổ ngày 31/5/2024
      Sáng ngày 31 tháng 5 năm 2024, Tổ thảo luận số 6 gồm 03 Đoàn ĐBQH thuộc tỉnh: Đồng Nai, Hà Giang và Sóc Trăng tổ chức họp thảo luận 03 nội dung: (1) Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; (2) Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; (3) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó có việc thực hiện quy định Nghị quyết 91 về quyết toán ngân sách năm 2021 và Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp ngân sách nhà nước và những doanh nghiệp không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Quang cảnh phiên họp tổ sáng ngày 31/5/2024

      Chủ trì phiên họp Tổ: Ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

      Tại phiên họp Tổ sáng 31/5, đại biểu Tô Ái Vang, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng đã tham gia góp ý về dự thảo hai Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù của Nghệ An và Đà Nẵng.

      Theo đại biểu Tô Ái Vang, với tình cảm và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đơn vị Tỉnh Sóc Trăng, một trong ba tỉnh cực Nam của đất nước hướng về Nghệ An, được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê hương của Bác Hồ kính yêu và hướng về Đà Nẵng là một trong những tỉnh thuộc khúc ruột Miền Trung, chịu nhiều tổn thương nhất từ biến đổi khí hậu.

Đại biểu Tô Ái Vang tham gia phát biểu góp ý tại phiên họp Tổ sáng 31/5

      Đại biểu Vang cho biết trên cơ sở Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Lựa chọn một số địa điểm đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao; đồng thời cũng tăng cường phân cấp, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với các thành phố lớn. Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội tính đến nay đã ban hành, ban hành thực hiện một số chính sách cơ chế đặc thù ở 10 tỉnh, thành phố, cụ thể như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng (Đà Nẵng cũng đã được Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 119 để thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù, đến nay sau gần 03 năm thực hiện thì có bổ sung, sửa đổi), Thành phố Hải Phòng, Nghệ An (Nghệ An cũng được thực hiện cơ chế chính sách đặc thù, đến nay tiếp tục sửa đổi, bổ sung), Thanh Hóa, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, thành phố Cần Thơ và thành phố Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắc Lắk.

      Qua sơ kết ban đầu, các cơ chế này đã và đang phát huy tác dụng tích cực, tạo tiền đề để các địa phương phát triển, góp phần tăng thu ngân sách cho Nhà nước và tạo ra động lực cho sự lan tỏa. Vì thế, quan điểm cá nhân đồng tình với việc Quốc hội xem xét thông qua dự thảo hai nghị quyết này để tiếp tục giúp cho Nghệ An cũng như Đà Nẵng có điều kiện để bứt phá trong thời gian tới.

      Đối với dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trong dự thảo nghị quyết có 8 điều, trong đó quan tâm đến một số điều. Ví dụ như Điều 3 về công tác quản lý tài chính ngân sách có 5 cơ chế chính sách; Điều 4 quản lý đầu tư có năm cơ chế; Điều 5 quản lý đô thị, tài nguyên có 2 cơ chế; Điều 6 tổ chức bộ máy và biên chế. Đại biểu Vang cơ bản đồng tình và hy vọng đây là điều kiện tốt để Nghệ An bứt phá. Bởi vì trên cơ sở là năm 2023 là tỉnh Nghệ An đã hoàn thành, đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu mà Nghị quyết của Hội đồng nhân dân đã đề ra, trong đó là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) đạt 7,3% (đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 3 của khu vực Bắc Trung Bộ), quy mô nền kinh tế đứng thứ 10 trên 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt là Nghệ An nằm trong nhóm là 10 địa phương thu hút vốn đầu tư FDI lớn nhất của cả nước. Các lĩnh vực như giáo dục, y tế, lao động, việc làm, văn hóa xã hội và công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả tích cực. Cơ bản là những chính sách trong dự thảo nghị quyết đã nêu thì đã được kế thừa và phát huy từ những cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội ban hành thực hiện đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 98 năm 2023 của Quốc hội khóa XV hoặc là áp dụng trong dự thảo Luật Thủ đô đã được sơ kết bước đầu đạt hiệu quả nhất định trên một số lĩnh vực.

      Bên cạnh đó, đại biểu Tô Ái Vang cũng có 02 ý kiến góp ý cho dự thảo nghị quyết: Một là, trong quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được công bố theo Nghị quyết số 81 của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ thì xác định 6 vùng kinh tế xã hội theo định hướng phát triển theo định hướng phát triển theo thế mạnh của từng vùng, trong đó Nghệ An là một trong những vùng được xác định thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với một số định hướng như phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hệ thống cảng biển, các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp phát triển du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử, xây dựng khu ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước. Vì thế, kiến nghị trong cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An thời gian tới, cần bám vào những định hướng trong quy hoạch vùng Nghệ An là một trong những vùng thuộc Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung để có giải pháp thực hiện làm sao đạt theo quy hoạch vùng đã đề ra. Hai là, quá trình phát triển đô thị hóa đặt ra nhiều vấn đề phức tạp như môi trường, giao thông công cộng, an ninh trật tự cũng như các thách thức trong việc cung cấp các dịch vụ công cơ bản như giáo dục, y tế, bảo đảm kết nối hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội, chăm lo đời sống sức khỏe vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt đại biểu Vang rất quan tâm đến vấn đề mua bán và vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; theo thông tin từ Tổng cục Hải quan thì trong năm 2023 hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, bên cạnh những cơ chế chính sách mang lại hiệu quả kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng, rất mong Nghệ An cũng như các tỉnh lân cận có sự hợp tác với nước bạn giáp biên giới có giải pháp, phương pháp đấu tranh để làm sao hạn chế thấp nhất tình trạng này. Nếu Quốc hội thông qua cơ chế chính sách đặc thù đối với Nghệ An sẽ là động lực giúp cho Nghệ An có điều kiện thuận lợi hơn nữa (không chỉ riêng cho Nghệ An mà còn liên quan đến các địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung) khi được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, chủ động và linh hoạt để quyết định các vấn đề liên quan về nguồn lực đất đai, tài chính, con người để phát huy thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.

      Đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, và trên cơ sở các Nghị quyết đã ban hành, đặc biệt là Nghị quyết 43, Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên  hải Miền Trung đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 168 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 119, cho phép thành phố Đà Nẵng nghiên cứu, tham khảo một số cơ chế, sách đặc thù đã được Quốc hội thông qua của Thành phố Hồ Chí Minh và của một số tỉnh, thành phố khác để triển khai xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đầu tư đô thị, đất đai, tài nguyên ngân sách. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thành phố Đà Nẵng tiếp tục đề xuất Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số điều.

      Trong dự thảo Nghị quyết có 2 điều. Tại Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, sửa đổi, bổ sung 18 vấn đề liên quan đến các điều, khoản của Nghị quyết số 119, Quốc hội cũng đã ban hành mô hình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đến nay, sau thời gian thực hiện, thành phố cũng đã tiến hành sơ kết, đặc biệt thành phố cũng đã khảo sát ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người dân về kết quả thực hiện, mô hình để làm cơ sở tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến Nghị quyết 119. Vì thế, đại biểu Tô Ái Vang thống nhất cao. Bên cạnh sự đồng tình, thống nhất, đại biểu cũng cũng có hai ý kiến tương tự như của Nghệ An. Đó là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 119 năm 2020 của Quốc hội khóa XIV về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cần bám vào Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về các chủ trương tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: xác định vai trò của Đà Nẵng trong hình thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khu vực miền Trung, Tây Nguyên tại thành phố Đà Nẵng; và quy hoạch tổng thể quốc gia cũng đã xác định phát triển 4 vùng, trong đó vùng động lực miền Trung với các cực tăng trưởng tương ứng của thành phố Đà Nẵng. Cần bám vào những định hướng lớn để Đà Nẵng có sự hoàn thiện và đồng bộ. Thứ hai, đại biểu  cũng đồng tình nếu như Quốc hội xem xét thấu đáo vấn đề và có sự ủng hộ giúp cho Đà Nẵng (một trong những tỉnh thuộc khúc ruột miền Trung chịu nhiều tổn thương nhất của biến đổi khí hậu), thông qua tại kỳ họp thứ 7 này và có hiệu lực ngay trong năm 2024 với quy trình một kỳ họp.

      Trên đây là ý kiến tham gia của Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng tại phiên họp Tổ sáng ngày 31/5/2024 Quốc hội khóa XV.
P-T-Hải











Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 900
  • Trong tuần: 6 431
  • Tất cả: 676152
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI - HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa chỉ: Số 01 Trần Phú, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

    Điện thoại: (0299) 3 822159. Fax: (0299) 3 618844. Email: hdndsoctrang@soctrang.gov.vn.

    Chịu trách nhiệm nội dung: Dương Quốc Việt, Trưởng BBT Cổng TTĐT, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

    Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Sóc Trăng (dbnd.soctrang.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.