Mừng 50 mùa xuân Bắc - Nam sum họp một nhà
Khát vọng độc lập, tự do, đất nước thống nhất của dân tộc Việt Nam đã được thể hiện qua bài thơ chúc Tết của Bác Hồ năm 1969 và đã trở thành hiện thực vào trưa ngày 30/4/1975. Đại thắng mùa Xuân năm 1975 mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những mốc son chói lọi, sánh ngang với những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa. Thắng lợi vĩ đại ấy đã hàn gắn nỗi đau chia cắt gần 21 năm của đất nước, từ đây non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.

 

 
(Ảnh minh hoạ)

      Trong lịch sử Việt Nam, sự chia cắt cũng đã từng xảy ra như thời kỳ đàng Ngoài - đàng Trong kéo dài hơn 100 năm, bắt đầu từ thế kỷ thứ XVI, nhưng có lẽ thấm đẫm nỗi đau dân tộc nhất là sự chia cắt khi Hiệp định Giơ-ne-vơ (20/7/1954) được thực hiện. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc được giải phóng, bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Trong khi đó, ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, thực hiện luật 10/59, tiến hành tố cộng, diệt cộng, đàn áp đẫm máu phong trào đấu tranh yêu nước của quân và dân ta. Vì miền Nam ruột thịt, vì ngày mai Bắc - Nam sum họp một nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “củng cố miền Bắc và chiếu cố miền Nam”; khôi phục, cải tạo, phát triển và xây dựng chủ nghĩa xã hội để miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, chi viện sức người, sức của, vũ khí, đạn dược và cả tinh thần miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho tiền tuyến miền Nam, coi đó là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Trĩu nặng nỗi đau đất nước bị chia cắt, da diết nỗi nhớ đồng bào và chiến sĩ miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” đi trước về sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Mỗi người, mỗi gia đình đều có nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Và niềm tin vào tương lai đất nước thống nhất, trọn niềm vui đã được Người khẳng định, bồi đắp bằng ý chí, bằng quyết tâm của cả dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa… song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

    Niềm tin của Người và Chỉ thị “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi” đã trở thành mệnh lệnh hành động của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sáu năm sau khi Người mất, cuộc Trường Chinh kéo dài 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

    Nhắc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không quên mệnh lệnh ngày 7/4/1975 do Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp soạn thảo, viết và ký với mật danh “Văn”: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và quyết thắng”. Mệnh lệnh lập tức được Ban cơ yếu truyền đi khắp các mặt trận trên toàn chiến trường miền Nam như lời hịch tướng sĩ, kêu gọi, động viên, thúc giục các tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng xông lên diệt giặc, tiến vào giải phóng Sài Gòn - dinh lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền.

    Nhắn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chúng ta không thể quên hình ảnh hào hùng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng số 390 của quân giải phóng đè bẹp cánh cổng Dinh Độc lập cùng lá cờ “màu đỏ của đất, màu xanh của trời” trung bay trên nóc Dinh Độc lập. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và toàn bộ nội các đã đầu hàng quân giải phóng vô điều kiện. Lời bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” reo vang trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam; những giọt nước mắt hạnh phúc, những tiếng nấc nghẹn ngào… Non sông từ nay thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.

    Trong những năm tháng lãnh đạo đất nước, Bác Hồ luôn yêu cầu Đảng, Chính phủ và các cấp chính quyền cách mạng thực hiện phương châm: “Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành”. Và ngay từ khi đất nước vừa giành độc lập, Bác Hồ đã hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân, khuyến khích, động viên nhân dân tăng gia sản xuất, làm kinh tế để cải thiện đời sống, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

    Sau năm 1975, Việt Nam đối mặt với một nền kinh tế yếu kém, mất cân đối, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trước thực trạng đó, nhà nước tập trung khắc phục từng bước hậu quả nặng nề của chiến tranh. Từ Đại hội VI (1986), Đảng ta đã vạch định đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc, triệt để, mở ra thời kỳ mới của sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước ta giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội Đảng lần thứ XIII (2021) tiếp tục đúc rút bài học từ thực tiễn công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, định ra chiến lược phát triển đất nước trong tình hình mới. Đại hội thể hiện tinh thần “dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, đổi mới”, xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển trong 05 năm và mục tiêu đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng), tầm nhìn đến 2045 (100 năm thành lập nước).

    50 năm non sông thu về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam đã từng bước “thay da, đổi thịt”, đời sống kinh tế - xã hội cũng như vị thế đất nước không ngừng được nâng cao, khẳng định những giá trị to lớn của Đại thắng mùa xuân 1975 đã không ngừng được gìn giữ và phát huy. Những bài học có ý nghĩa sâu sắc từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh và điều kiện mới để làm nên những thành công mới.

    Giờ đây, một lần nữa, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Đây là đòi hỏi tất yếu cuộc sống thực tiễn, của nhân dân; cán bộ, đảng viên đang mong chờ… Như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Đây là thách thức lớn, đồng thời là cơ hội để bộ máy Đảng, Nhà nước nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu một hệ thống chính trị hiện đại, minh bạch, vì sự phát triển nhanh, bền vững của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

    Với quyết tâm chính trị cao, với tinh thần đoàn kết, trên dưới đồng lòng, nỗ lực phấn đấu, hành động quyết liệt, chúng ta tin tưởng rằng sẽ thực hiện thành công mục tiêu tinh gọn bộ máy, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển và thịnh vượng ./.

 
Theo "soctrang.dcs.vn"
THÔNG BÁO




Thống kê truy cập
  • Đang online: 34
  • Hôm nay: 433
  • Trong tuần: 3 741
  • Tất cả: 2187201
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND Huyện Mỹ Tú
    Địa Chỉ: Đường Trần Phú, Ấp Cầu Đồn, Thị Trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, huyện Mỹ Tú, Tỉnh Sóc Trăng
    Điện Thoại: 02993.871032 -02993. 871692 - Fax: 02993.871032 - Email: mytu@soctrang.gov.vn
    Ghi Rõ Nguồn "Cổng thông tin điện tử Huyện Mỹ Tú " Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.