Hiện nay vấn đề bạo lực đối với phụ nữ đang ngày càng gia tăng. Để xóa bỏ tình trạng này trên toàn thế giới, Liên hợp quốc đã chọn ngày 25 tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ”. Đây được xem là ngày kỷ niệm mang tính quốc tế để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ tại khắp năm châu, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc… phát động những chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Tại Việt Nam, hưởng ứng “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11” các thông điệp truyền thông được phát động như: Yêu thương và chia sẻ là bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình; đàn ông cùng xây tổ ấm; xây dựng gia đình thành nơi an toàn cho mỗi người; vì một mái ấm gia đình không bạo lực; phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của mỗi người và toàn xã hội…
Hưởng ứng “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng cần tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới bằng những hành động thiết thực, cụ thể nhằm tác động đến xã hội để cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình ngày một hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng cũng như nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới để Luật phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới thực sự đi vào cuộc sống.
Mít-tinh hưởng ứng “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11” năm 2022 (ảnh: Quốc Tuấn)
Các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11” cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động “Vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới” (diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 25/12) nhằm nâng cao nhận thức sự tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới và thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; đồng thời từng bước cải thiện môi trường sống, học tập, làm việc thân thiện, an toàn cho người dân không có bạo lực và phân biệt đối xử trên cơ sở giới.
Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong khu vực về xây dựng chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tiến tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ. Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 là những cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệc quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, nhất là người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu bình đẳng giới và tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ cần một quá trình lâu dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Việc ban hành các chính sách, pháp luật đòi hỏi phải đi đôi với trách nhiệm và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc triển khai để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, phải chú trọng đến vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan truyền thông trong việc thay đổi những quan niệm truyền thống, những định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới. Quan trọng hơn, bản thân phụ nữ và trẻ em cũng phải chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại đồng thời cần phải được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực, xâm hại. Đặc biệt, nam giới và người dân ở cộng đồng phải là những lực lượng tiên phong, nòng cốt, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục, vận động thay đổi nâng cao nhận thức về bình đẳng giới để thay đổi hành vi bạo lực gia đình, xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ trong mỗi người dân; đặc biệt là nam giới, thực hiện tốt pháp luật phòng chống bạo lực gia đình, tiến tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”./.
Phương Hà.