Lượt xem: 256
Sóc Trăng xác lập kỷ lục Việt Nam VietKings về trình diễn nhạc Ngũ âm Khmer
11/11/2024
Nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc cổ truyền mang tính phổ biến và lâu đời của người Khmer Nam Bộ. Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này chứa đựng nhiều giá trị và ý nghĩa to lớn về lịch sử - văn hóa, giá trị tâm linh - đạo đức và giá trị nghệ thuật - thẩm mỹ góp phần lưu giữ trong kho tàng âm nhạc của nhân loại nói chung, của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
Hòa chung với niềm vui của mùa Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua Ghe Ngo Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 (Lễ hội), Tối ngày 11/11/2024, tại Quảng Trường Bạch Đằng, thành phố Sóc Trăng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch long trọng tổ chức chương trình xác lập kỷ lục Việt Nam VietKings về "Trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam".
Đến dự có bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Ngô Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng; ông Võ Chí Công, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Khởi, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện Tổ chức xác lập kỷ lục Việt Nam VietKings; lãnh đạo phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL và đông đảo nhân dân trong tỉnh.
Ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VHTTDL phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Trần Minh Lý, Giám đốc Sở VHTTDL chia sẻ: Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng đã Bộ VHTTDL công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019 và được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị, giai đoạn 2022 – 2027. Thời gian qua được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chính sách dân tộc, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Sở VHTTDL đã đầu tư mua sắm nhiều dàn Nhạc Ngũ âm hỗ trợ cho các Câu lạc bộ văn hoá văn nghệ, các chùa Khmer trong tỉnh, tổ chức mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác truyền dạy, tỉnh đã gìn giữ bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, từng bước hình hành sản phẩm văn hoá đặt trưng phục vụ phát triển du lịch tại địa phương.
Ông Trần Minh Lý cho biết thêm, để ghi nhận sự nỗ lực cố gắng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian Nhạc Ngũ âm, và trong dip tổ chức Lễ hội Ooc Om Boc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024, Sở VHTTDL phối hợp với Tổ chức kỷ lục Việt Nam VietKings, tập hợp, quy tụ 20 dàn nhạc với trên 200 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên tổ chức chương trình trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Viêt Nam.
Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings
Phát biểu tại buổi lễ, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings đã xác nhận chương trình “Trình diễn Nhạc Ngũ âm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất Việt Nam” với 20 dàn Nhạc Ngũ âm và 200 nghệ nhân, nhạc công, diễn viên tham gia biểu diễn đã được công nhận đạt Kỷ lục Việt Nam. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings sẽ trao chứng nhận Kỷ lục cho tỉnh Sóc Trăng cùng với chương trình Khai mạc Lễ hội Ooc Om Boc - Đua Ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, Khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng lần thứ I, năm 2024 vào đêm 13/11/2024.
Ông Lưu Thanh Hùng, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng cho biết, Nhạc Ngũ âm trước đây theo quy định cổ truyền chỉ được đem ra sử dụng mỗi khi có tổ chức đám phước, lễ, tết ở chùa và các đám tang theo nghi thức phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer và sau đó được cất lại tại chùa. Ngày nay, do nhu cầu phát triển của xã hội, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, dàn Nhạc Ngũ âm cũng được mở rộng phạm vi hoạt động, đã xuất hiện và tham gia phục vụ trong các chương trình biểu diễn ca - múa - nhạc chuyên nghiệp, được kết hợp một số nhạc cụ khác để hòa âm phối khí âm nhạc sử dụng trong các vở diễn sân khấu Dù kê, trong các lễ hội truyền thống của dân tộc hay những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật khác… trong cộng đồng.
20 dàn nhạc Ngũ âm đồng diễn
Về mặt hình thức nhạc cụ, nhạc Ngũ Âm truyền thống của người Khmer là một dàn nhạc được hợp thành bởi 5 bộ nhạc cụ được làm từ 5 loại chất liệu khác nhau tạo nên 5 âm sắc riêng biệt: bộ đồng, bộ sắt, bộ mộc, bộ hơi và bộ da. Trong đó, mỗi bộ sẽ có một, hai hoặc ba loại nhạc cụ tham gia tạo nên biên chế hoàn chỉnh của dàn nhạc Ngũ Âm truyền thống gồm 10 loại: Đàn Pin, Kèn Srolay Pinn Peat (Bộ hơi); đàn Rôneat Ek, Rôneat Thung (Bộ mộc); Rôneat Đek (Bộ sắt); Kuông Vông Tôch, Kuông Vông Thum, Chhưng (Bộ đồng); Trống Samphô, Trống Skô Thum (Bộ da).
Về mặt truyền thống, nhạc Ngũ âm là loại hình âm nhạc hòa tấu mang tính chất nghi lễ và tôn giáo, gắn bó chặt chẽ với các lễ nghi và đời sống sinh hoạt Phật giáo Tiểu thừa Theravada trong các ngôi chùa và phum, sóc của người Khmer. Loại hình âm nhạc này được xác định có ảnh hưởng xa xưa từ cung đình và tôn giáo của Ấn Độ cùng một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan,... Sau đó, nhạc Ngũ Âm được truyền vào nền văn hóa Khmer ngay từ thời tiền sử và tồn tại cho đến ngày nay.
Tin và ảnh: Nguyễn Văn Dũng
|