Lượt xem: 218
Nét đặc trưng của Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam Bộ
Theo quan niệm của người Khmer, Tết hay năm mới bao giờ cũng là một lễ hội nhằm “tiễn cũ – đón mới”. Thế nhưng, cái tiễn và cái đón trong dịp Tết của đồng bào Khmer có nét đặc thù của văn hoá nông nghiệp. “Tiễn” là chào từ biệt cái nóng khô, “Đón” là chờ mong mưa, nguồn nước từ thiên nhiên. Tết của người Khmer chính là thời điểm chuyển mùa: Từ mùa khô sang mùa mưa, hay từ mùa nghỉ sang mùa cày cấy, mùa làm ăn, …
           Thời xưa, người Khmer ăn Tết (ngày năm mới) vào ngày rằm tháng Kođất, nhằm ngày 15 tháng 10 (âm lịch), tức là ngày lễ Oóc Om Bok ngày nay. Bởi lẽ, theo Phật lịch, ngày rằm tháng Kođất là ngày cuối năm, kết thúc một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất, người Khmer cho đó là bước sang năm mới, tức là mặt trăng bắt đầu chuyển sang một chu kỳ mới. Nhưng vì là cư dân nông nghiệp cần nhiều nước, nhiều mưa, mà tận đến tháng Tư, tháng Năm (Dương lịch) mới có mưa rào, nên Tết của người Khmer được Hôra (nhà tiên tri) chọn ngày 13 – 14 và 15 tháng Tư (dương lịch), trước khi mùa mưa đến, cho nên Tết Chôl Chnăm Thmây còn gọi là lễ hội chuyển mùa. Nói cách khác, chỉ khi nào mùa mưa chuẩn bị đến thì người Khmer mới vào Tết, để tống tiễn những cái nóng, cái oi của mùa khô và nghinh tiếp nước của mùa mưa.
 
         Trước ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer lo chuẩn bị rất chu đáo. Đầu tiên, gia đình nào cũng tập trung vào việc ăn mặc đẹp. Các cháu nhỏ được mua sắm những bộ quần áo mới; các nhà sư ở chùa làm lễ, tụng kinh cầu an, rồi lấy nước thơm (nước có ngâm các loại hoa thơm) để tắm tượng Phật. Ở khắp mọi nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống, bà con cũng chuẩn bị nước thơm để rửa sạch những cái không tốt của năm cũ, chào đón những cái may mắn trong năm mới. Trong gia đình bà con lo chuẩn bị gạo, nếp làm bánh, thịt, rượu, chè, nước sinh hoạt, nhà nhà sửa sang bàn thờ Phật, trang hoàng nhà cửa; trong chuồng trâu, bò chuẩn bị sẵn cây bắp, cỏ, các loại rơm rạ để cho trâu, bò ăn trong ba ngày Tết.
 
         Trong ba ngày Tết, ngày đầu tiên được gọi là năm cũ, mỗi gia đình chuẩn bị nhang, nến, khói hương nghi ngút, trên bàn thờ có bày sẵn năm nhánh hoa, năm cây đèn cày, năm cây nhang, năm hạt cốm và nhiều loại hoa quả. Cha mẹ tập trung con cháu lại, ngồi xếp chân trước bàn thờ tổ tiên, vái cúng tiễn đưa ông Têvađa cũ, rước ông Têvađa mới, cầu mong được ban phúc lành. Người Khmer luôn quan niệm rằng, ông Têvađa được xem là ông tiên do trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian một năm.
 
         Sáng hôm sau, chính thức bước vào năm mới, mọi người tắm gội, mặc quần, áo mới, đội cỗ lên chùa dâng cho các vị sư sãi tụng kinh cầu phúc cho năm mới. Tại chùa có các vị Achar điều hành buổi lễ. Đến buổi trưa trước khi ăn, các vị sư sãi tụng kinh tạ ơn người làm vật thực. Buổi chiều làm lễ đắp núi cát (tục đắp núi cát). Núi cát được đắp chung quanh chính điện ở tám hướng (Đông, Tây, Nam Bắc và 4 hướng giao nhau). Đối với đạo Phật, thì ngọn núi cát tượng trưng cho ngôi tháp ở tầng thứ ba, nơi cất giữ mớ tóc của Phật Thích Ca cắt bỏ lúc trốn nhà đi tìm đạo. Khi đắp núi cát, các phật tử Khmer tin rằng, mỗi hạt cát được đắp lên là xóa được một tội lỗi và giải thoát được cho một linh hồn ở địa ngục. Mặt khác người Khmer cũng quan niệm, núi có thể cản được mây và do đó, họ đắp núi cát là để cản ngăn lại các đám mây, cho mưa đến để họ khởi sự làm mùa. 
 
         Ngày thứ ba, (là ngày mùng 3 Tết), gọi là ngày Lơng Săk. Vào buổi chiều ngày Lơng Săk, không ai bảo ai, mọi người đi lễ chùa mang theo bình đựng nước ướp hương (tức óp) để tắm Phật. Đến chùa mọi người tập trung lại theo sự hướng dẫn của các vị Achar (người tu lâu năm đã hoàn tục, am hiểu lễ nghi tôn giáo). Họ rước nước đi ba vòng ngược chiều kim đồng hồ chung quanh chính điện; chuyển động từ Đông sang Tây; từ dương sang âm, rồi mới vào chính điện mời sư sãi tụng kinh. Người Khmer quan niệm rằng, làm như thế trời sẽ mau mưa. Sau đó, tượng Phật từ trong chính điện, được trang trọng đặt trên bàn nước trước sân chùa để mọi người dân tắm tượng Phật, rửa sạch bụi trần, với ý nghĩa làm trôi đi những điềm gở của năm cũ và để làm cho năm mới trong sạch hơn, tinh khiết hơn, cũng là đưa tiễn những cái nóng khô của năm cũ và nghinh tiếp nước của mùa mưa mới.

         Trong những ngày Tết của đồng bào Khmer còn diễn ra nhiều trò chơi như: Gieo cầu, các trò chơi dân gian như, kéo co, đẩy gậy, nhảy bao, các xóm, ấp, phum sóc phối hợp tổ chức giao lưu bóng đá, bóng chuyền, thi đấu bi sắt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, giữa các dân tộc anh em cùng chung sống, … Ngoài những ý nghĩa vui chơi, giải trí, những trò chơi, các hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong cho sự sinh sôi, nẩy nở.
 
         Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, ngoài ý nghĩa thông thường là mừng mình được sống thêm một tuổi, còn gửi gắm hy vọng năm mới sẽ có thêm những sự may mắn mới. Chưa hết, Tết Chôl Chnăm Thmây còn là một lễ hội nông nghiệp, mà mục đích cuối cùng là cầu xin mùa khô qua mau, để có thể bước vào mùa mưa mới. Chính nền văn hoá lúa nước đã làm nảy sinh ra những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây mang tính chất lễ hội chuyển mùa rất đặc trưng của người Khmer.
tin và ảnh: Sóc Ca

 

 

video
  • Ngành Tuyên giáo Sóc Trăng (04/04/2025)
  • Hoa kèn hồng (16/03/2025)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 55
  • Hôm nay: 1026
  • Trong tuần: 4 113
  • Tất cả: 1385126
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.