Lượt xem: 1158
Công tác bảo tồn và phát huy các khu di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
22/03/2023
Vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có đoàn khảo sát, kiểm tra về Công tác bảo tồn và phát huy các khu di tích lịch sử quốc gia và cấp tỉnh gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Kết quả cho thấy, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện nay có 8 di tích cấp quốc gia và 43 di tích cấp tỉnh đã được công nhận. Trong những năm qua, để bảo tồn, phát huy các khu di tích ấy, tỉnh Sóc Trăng đã có các giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, vai trò và giá trị của di tích lịch sử - văn hoá; tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này bằng cách thành lập 11 Ban Quản lý di tích tại huyện, thị xã, thành phố và 01 tại di tích cấp quốc gia Khu căn cứ Tỉnh ủy; huy động vốn nhà nước và xã hội hóa để trùng tu tôn tạo 14 di tích; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm phát luật về bảo tồn và phát huy các khu di tích lịch sử cấp quốc gia và cấp tỉnh.
Đoàn khảo sát của Sở làm việc tại chùa Sro lôn (chùa Chén Kiểu) - Ảnh: Nguyễn Dũng
Ngoài ra, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách trong nước và quốc tế, tỉnh đã tổ chức xúc tiến, quảng bá, giới thiệu thông tin, hình ảnh các di tích bằng nhiều hình thức.
Đến nay công tác bảo tồn đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn, chỉ đạo ban hành kịp thời, đồng bộ, thống nhất; công tác đầu tư các di tích luôn đúng trọng tâm, trọng điểm; việc trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp di tích đã mang lại hiệu quả thiết thực làm cho di tích ngày càng khang trang và phát huy tác dụng tốt hơn; công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương đã góp phần rất lớn nâng cao ý thức để người dân cảm thấy tự hào, gắn bó và tiếp tục duy trì, phát triển các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Tuy nhiên, công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn nhất định như: một số di tích đã xuống cấp; một số di tích gặp khó về tình trạng pháp lí đất đai; nguồn kinh phí trùng tu di tích của một số địa phương còn khó khăn; Việc khai thác du lịch gắn với di tích chưa hiệu quả; công tác quản lý và điều hành, tổ chức các hoạt động lễ hội tại di tích còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn.
Du khách tham quan tại chùa Mahatup (chùa Dơi) - Ảnh: Nguyễn Dũng
Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và đơn vị có liên quan, các di tích trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sẽ được trùng tu, tôn tạo khang trang hơn, vừa đảm bảo việc giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị các di tích, vừa đáp ứng tâm tư nguyện vọng cả người dân địa phương, nhất là khai thác phát triển phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch trong nước, quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng trong thời gian tới.
Nguyễn Dũng