Lượt xem: 7007
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia-Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng
Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, được cộng đồng người Khmer Nam Bộ gọi với tên khác là sân khấu kịch múa Rô Băm, hát Rằm hay hát Riêm Kê.  Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng hồ sơ khoa học trình các cấp thẩm quyền xem xét và đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL,  ngày 29/01/2019 công nhận và đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

         Theo tài liệu nghiên cứu về văn hóa Khmer của các diễn giả,  hiện nay ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn tại 04 đoàn nghệ thuật Rô Băm ở các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng và Trà Vinh. Tại tỉnh Sóc Trăng Đoàn Rô Băm ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề là một trong những Đoàn nghệ thuật Rô Băm tiêu biểu được thành lập khá sớm so với các tỉnh khác ở Nam Bộ và đã được truyền qua nhiều đời trưởng đoàn, là đoàn gia đình biểu diễn nghệ thuật sân khấu Rô Băm cuối cùng của cộng đồng dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng. 

         Tên gọi Đoàn Rô Băm Bưng Chông gắn với địa danh nơi đoàn Rô Băm ra đời. Từ khi thành lập đến nay Đoàn Rô Băm Bưng Chông đã trải qua 07 đời Trưởng đoàn, từ ông Chắt sáng lập đến ông Prum, ông Phô, ông Công, ông Phia, ông Đốc, ông Lâm Ven và hiện nay là Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương làm Trưởng đoàn. Tính đến nay tuổi đời của Đoàn Rô Băm Bưng Chông cũng đã trên 100 tuổi.   
         Có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của nghệ thuật sân khấu Rô Băm, nhưng ý kiến được sự đồng thuận nhiều nhất là nghệ thuật sân khấu Rô Băm có mặt ở vùng đất đồng bằng sông Cửu Long cách nay khoảng hơn 200 năm. Khi mới xuất hiện sân khấu Rô Băm chỉ là trò giải trí đơn thuần nhằm phục vụ cho tầng lớp khá giả trong xã hội đương thời. Theo thời gian, nội dung các tuồng tích trong sân khấu Rô Băm cũng được người Khmer chuyển thể vượt ra khỏi tính chất sử thi, cung đình có cội nguồn từ Ấn Độ, để bổ sung thêm những nội dung cho gần gũi hơn với cuộc sống đời thường của người dân, thể hiện tâm tư, tình cảm của người dân lao động. Vì vậy, sân khấu Rô Băm không chỉ là loại hình nghệ thuật “sân khấu cung đình” nữa, mà trở thành loại hình nghệ thuật của đại chúng và được cộng đồng người Khmer yêu thích.  
         Theo nhà nghiên cứu nhạc khí Khmer Nam Bộ, Tiến sĩ Sơn Ngọc Hoàng, sân khấu kịch múa Rô Băm ở Nam Bộ có nhiều yếu tố ảnh hưởng của Lokhon kbach Boran Khmer từ vở diễn, trang phục, đạo cụ, hóa trang cho đến âm nhạc. Tuy nhiên, sân khấu Rô Băm ở Sóc Trăng và Trà Vinh đã “sớm tách rời khỏi cung đình”, “được dân gian hóa và bản địa hóa” trong môi trường thực hành đặc trưng Khmer Nam Bộ, trên cơ sở tiếp thu và biến đổi các yếu tố nghệ thuật của ba loại hình sân khấu: lokhon kol (kịch múa mặt nạ do nam trình diễn các tiết mục Reamker và nhạc ngũ âm Pinn peat),  Lokhon kbach Boran Khmer và Lokkhon pol Srey (sân khấu mặt nạ do nữ trình diễn với cách xướng dẫn truyện từ bên trong sân khấu).
         Sân khấu Rô Băm thường được diễn trong thời gian lễ hội, tết cổ truyền của cộng đồng người Khmer, như các lễ cầu an (làm phước) trong mùa khô từ tháng 2 đến 4 hàng năm, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ dâng bông, lễ sen Đôlta, lễ Óoc Om Bóc (cúng trăng),... các Đoàn Rô Băm được các phum, sóc ở khắp nơi mời về diễn. Trước khi đi biểu diễn nơi xa, ông bầu của các gánh hát Rô Băm thường phải tổ chức cúng tại tư gia, vừa có mục đích tụ tập các diễn viên, cũng như vừa cầu xin cho chuyến lưu diễn xuôi buồm mát mái. Lễ vật cúng tổ trước khi đi diễn có gà luộc, vải trắng, bánh ngọt, cốm nổ, trái dừa (sla thor), sala chrom (thân chuối hình nón được trang trí trầu cau), gạo, rượu, nhang, đèn, bạc cắc,...
         Sân khấu Rô Băm là loại hình kịch múa sân khấu cổ điển đã được người Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng, được dân gian hóa đầy tính sáng tạo. Nghệ thuật sân khấu Rô Băm đã ra đời, gắn bó với đời sống cộng đồng, phản ánh hiện thực cuộc sống xã hội của người Khmer đương thời. Vì vậy, chúng ta cũng hiểu được phần nào lịch sử xã hội vùng đồng bằng Cửu Long nói chung và tộc người Khmer Sóc Trăng nói riêng. sân khấu Rô Băm là thành quả trong hoạt động trí tuệ, là sự sáng tạo độc đáo của người Khmer Nam Bộ, là biểu trưng, là bằng chứng của văn hóa truyền thống Khmer. 
         Sân khấu Rô Băm là loại hình nghệ thuật vừa cổ điển, vừa dân gian, có vị thế quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer. Sân khấu Rô Băm vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó có tác dụng không nhỏ đối với sự hình thành phát triển nhân cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc và thế ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer. Từ đó giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện - ác, chính - tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh. 
         Nghệ thuật sân khấu Rô Băm Khmer Nam Bộ ngoài việc đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật sân khấu Rô Băm là nơi truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo công chúng, trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả đến cộng đồng.  Nghệ thuật sân khấu Rô Băm đã được cộng đồng người Khmer xem như là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những lễ hội, trở thành di sản văn hóa phi vật thể quý giá, đại diện cho nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer.
         Nghệ thuật sân khấu Rô Băm là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đầu tiên của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, là nền tảng cho các loại hình nghệ thuật khác của người Khmer ra đời và phát triển, điển hình là nghệ thuật sân khấu Dù Kê. Có thể nói rằng, từ khi sân khấu Dù Kê ra đời đầu thế kỷ XX thì nghệ thuật Rô Băm dần bị quên lãng. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập hiện nay các loại hình nghệ thuật hiện đại phát triển với nhiều kênh thông tin như truyền hình, Iternet, các mạng xã hội,… đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn của giới trẻ người Khmer. Loại hình sân khấu Rô Bam vừa cũ, vừa khó thưởng thức nên đối tượng khán giả dần ít đi. Nghệ thuật sân khấu Rô Băm ngày càng đi vào sự quên lãng của tầng lớp thanh thiếu niên dân tộc Khmer. 
         Thực trạng khảo sát thực tế cho thấy, các đoàn nghệ thuật sân khấu Rô Băm ở Sóc Trăng hiện nay chỉ còn duy nhất đoàn Rô Băm Bưng Chông, ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề. Đoàn Rô Băm Bưng Chông hiện còn khoảng 20 nghệ nhân, diễn viên. Đa số là các thành viên trong đoàn là anh, chị, em và con, cháu họ hàng trong gia đình. Do nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương, sinh năm 1959, Trưởng đoàn. Tâm huyết lớn nhất của nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương hiện nay là có điều kiện để mở lớp truyền dạy, củng cố lại cho các diễn viên trẻ và có được nơi biểu diễn thường xuyên tại địa phương. Bà Hương cho biết, các nghệ nhân rất cần sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần, để họ có thể cùng bà yên tâm giữ nghề và truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Nghệ nhân Lâm Quen được biết đến với tài năng thổi kèn Srolay “hay nhất và điêu luyện giống cố nghệ nhân Lâm Ven”. Nhưng ông Lâm Quen hiện vẫn chưa tìm được người thực sự có năng khiếu và đam mê theo học, hiện trong đoàn cũng không có ai thổi được kèn Srolay, mà đây là nhạc cụ tạo chủ đạo, tạo nên sắc thái và sức sống cho các vở tuồng Rô Băm.
         Mặc khác, Đoàn Rô Băm chỉ diễn theo mùa, đặc biệt là trong mùa cầu an, làm phước từ tháng 2 đến tháng 4, trước và trong tết Chôl Chnăm Thmây, nên đa số các thành viên Đoàn Rô Băm Bưng Chông phải đi làm kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như thợ xây, cắt tóc, sửa xe, làm MC, cho thuê âm thanh,... một số thành viên khác đi làm ăn sinh sống ở xa như Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu.... Mỗi năm, khi đến mùa lễ hội, Trưởng đoàn gọi về luyện tập và đi diễn. Thông thường, mỗi năm Đoàn Rô Băm Bưng Chông tập trung khoảng 3-4 lần để đi diễn, mỗi lần khoảng 3-4 điểm, mỗi điểm 2 đêm. Mỗi điểm diễn đoàn được trả thù lao từ khoảng vài trăm ngàn đến hơn một triệu đồng, tùy vào vai trò đảm nhiệm trong đoàn. Cho nên dù rất yêu nghề, tất cả các thành viên trong đoàn đều phải đi làm công việc khác, hoặc đi xa để tìm kế mưu sinh trong thời gian không đi diễn. Đoàn Rô Băm Bưng Chông có lực lượng diễn viên kế thừa là người trẻ. Nghệ nhân và diễn viên luôn tâm huyết, yêu và muốn giữ nghề. Tuy nhiên, sân khấu Rô Băm không tạo ra sinh kế ổn định cho nghệ nhân, người nghệ sỹ phải bương chải để mưu sinh. Cuộc sống không ổn định, hầu hết những người thực hành, nắm giữ bí quyết nghề này trong tình trạng nghèo khó, các thành viên đoàn sống rải rác khắp nơi, mỗi người một nghề để nuôi sống bản thân và gia đình, việc không được thường xuyên thực hành cũng ảnh hưởng không ít đến việc duy trì lối diễn, âm nhạc đơn điệu, không thay đổi và không tiếp thu được cái mới.
         Bên cạnh đó, phạm vi hoạt động và số lượng khán giả đến với sân khấu Rô Băm ngày càng bị thu hẹp, công tác đào tạo cho đội ngũ kế thừa chưa thật sự được chú trọng, chính sách đãi ngộ dành cho nghệ nhân chưa được quan tâm đúng mức, chưa có nhiều công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu về sân khấu Rô Băm, việc truyền dạy, thực hành biểu diễn cũng như các nghệ nhân am hiểu, nắm giữ linh hồn của di sản này đang giảm dần, có nguy cơ thất truyền, chưa có công trình tổng quan để sưu tầm, nghiên cứu về nghệ thuật sân khấu Rô Băm...
Những năm gần đây, Nghệ thuật sân khấu Rô Băm tại Sóc Trăng hiện nay đã nhận được sự quan tâm của các cơ quan hữu quan trong việc bảo tồn và phát huy giá trị. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Trần Đề chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu, nghiên cứu xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này.  
         Để bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Rô Băm, lãnh đạo các ngành, các cấp cần quan tâm giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay:
         - Cần giải quyết dạy nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho lực lượng nghệ nhân, diễn viên tại địa phương để họ an tâm duy trì tập luyện và biểu diễn; xây dựng các buổi biểu diễn kết hợp phục vụ các tour du lịch tại các điểm tham quan, du lịch trong và ngoài tỉnh khi có yêu cầu.
          - Củng cố năng lực truyền dạy và thực hành ở địa phương; đồng thời mở rộng truyền dạy tại cộng đồng, qua đó phát hiện và tổ chức tuyển mộ người có năng khiếu trong cộng đồng để khuyến khích theo học nghề và có chế độ hỗ trợ học bổng cho người có tâm huyết theo học.
         - Cần có chế độ hỗ trợ, trợ cấp tài chính lâu dài cho nghệ nhân, diễn viên có khả năng truyền dạy và thực hành.
         - Xây dựng kế hoạch hỗ trợ trang thiết bị sân khấu, âm thanh, ánh sáng, đạo cụ để các đoàn nghệ thuật Rô Băm dàn dựng vở biểu diễn mới tại các phum, sóc.
         - Kết hợp với cơ sở đào tạo và Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp xây dựng giáo trình và chuyên nghiệp hóa đào tạo về nghệ thuật Rô Băm như: Tổ chức tư liệu hóa toàn bộ bài bản, tích vở; hệ thống hóa, phát triển giáo trình giảng dạy khoa học; kết hợp với các trường Văn hóa Nghệ thuật tổ chức tuyển sinh, đào tạo theo lối truyền ngón, truyền nghề và cấp chứng chỉ; hợp tác với đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh đảm bảo đầu ra các sản phẩm, vở diễn mới dàn dựng.
         - Cần có chế độ, chính sách tôn vinh, ưu đãi những nghệ nhân, diễn viên Rô Băm. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho những người có thành tích cống hiến nghệ thuật sân khấu Rô Băm tỉnh nhà thời gian qua.
         Nghệ thuật sân khấu Rô Băm chứa trong lòng nó một kho tàng văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Trong bối cảnh phát triển và hội nhập hiện nay, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nguy cơ bị mai một và cần được nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy một cách có bài bản trong cộng đồng. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Rô Băm nói riêng và các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của người Khmer, ngoài việc kêu gọi sự chung tay, góp sức của cộng đồng, cần có sự quan tâm đúng mức của các ngành, các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Nếu không, một thờn gian ngắn nữa, những loại hình nghệ thuật đặc sắc này chúng ta chỉ có thể chiêm ngưỡng trên băng, đĩa hình và trong sách vở mà thôi./.

Một số hình ảnh của múa Rô Băm (Nguồn: Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng)

* Tài liệu tham khảo:
1.  Sơn Ngọc Hoàng, 2012. Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Rô Băm của dân tộc Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sở KHCN tỉnh Sóc Trăng & Trường TH Văn hóa Nghệ thuật Sóc Trăng.
2. Trần Thị Lan Hương, (2017),  Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm và Dù Kê của người Nam Bộ. Luận án tiến sĩ nghệ thuật. Hanoi: Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trang 69-71.
3. Lâm Thị Hương (2013) Hồ sơ xin hỗ trợ dự án bảo tồn nghệ thuật văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một. 
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng (2012), Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer ở Sóc Trăng.
5. Tiền Văn Triệu, http://tckh.tvu.edu.vn/sites/default/files/magazine-pdfs/tap chi so 13170.pdf.
6. Tài liệu UBND huyện Trần Đề, 2020: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật sân khấu Rô Băm của người Khmer tỉnh Sóc Trăng và Lễ hội Nghinh Ông huyện Trần Đề.
Nguyễn Văn Dũng - biên tập

 

 

video
  • Liên hoan đờn ca tài tử (20/11/2024)
  • VTV đưa tin về lễ Ooc om boc (15/11/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 111
  • Hôm nay: 2220
  • Trong tuần: 2 220
  • Tất cả: 1144049
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng
Địa chỉ liên hệ: 50 Lê Duẩn, TP. Sóc Trăng, Tỉnh Sóc Trăng 
Điện thoại: (02993) 821704 Fax: (02993) 825702 Email: sovhttdl@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên internet
Số: 03/GP-TTĐT ngày 13/01/2010 do Cục quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông cấp
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.