Thầy Trần Minh Thương - áp dụng hiệu quả văn hóa dân gian vào bài giảng
      Tìm hiểu, lựa chọn và áp dụng văn hoá dân gian (VHDG) vào bài giảng, thầy Trần Minh Thương - Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THPT Ngã Năm, thị xã Ngã Năm được Ban Giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp đánh giá cao về tính hiệu quả của cách làm mang lại.

      Góp phần giữ gìn văn hoá dân tộc


      Thầy Trần Minh Thương sinh năm 1971, ở xã Vĩnh Quới, huyện Ngã Năm (nay là thị xã Ngã Năm), tỉnh Sóc Trăng. Năm 1989 thầy thi đậu vào Trường Đại học Cần Thơ, học ngành Sư phạm Ngữ văn. Năm 1993 tốt nghiệp ra trường, thầy nhận nhiệm vụ về trường học nơi quê nhà giảng dạy. Thầy chia sẻ rằng, trong cuộc sống, thầy thường hoài niệm, nhớ về tuổi thơ, ở đó có câu hát mẹ ru và những điều bình dị nơi miền quê êm ả. “Gia đình tôi có 2 anh em, cả 2 đều theo nghề dạy học. Trước đây, cha tôi cũng làm nghề giáo. Cha thường dạy anh em tôi phải học tốt, dạy tốt, để làm gương cho học trò”, thầy Trần Minh Thương cho biết.


      Nhớ lời cha dạy, ôm ấp những kỷ niệm khó quên và sinh sống nơi miền quê đa dạng bản sắc văn hoá của 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đã giúp cho thầy Trần Minh Thương thích thú tìm hiểu, đam mê nghiên cứu những nét đặc trưng của VHDG trên vùng đất nơi đây. Từ năm 2001 đến nay, trung bình mỗi năm, thầy Thương có gần 30 chuyến đi thực tế tìm hiểu VHDG ở quê hương Sóc Trăng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện thầy lưu giữ hơn 5 ngàn tấm ảnh, 2 ngàn phút ghi âm về những nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng, địa phương được giữ gìn, kế tục qua nhiều thế hệ... Để tìm hiểu cặn kẽ, xác thực thông tin, thầy Thương đã tìm gặp gỡ những người cao tuổi nghe bà con kể lại, ghi chép, kiểm chứng thông tin qua tài liệu, sách vở. Ngoài ra, thầy còn tìm đọc nhiều bài viết của các tác giả nổi tiếng như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Vương Hồng Sển…viết về VHDG Nam bộ. Đi nhiều nơi, đọc nhiều sách, giúp thầy Thương thêm yêu quá trình lao động, sức sáng tạo của người dân, đây là nguồn cảm hứng, tư liệu quý để thầy truyền dạy lại học trò. 


      Thầy Trần Minh Thương có 16 tác phẩm đạt giải nhì, ba, khuyến khích ở các cuộc thi do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức. Trong đó có các tác phẩm đã in thành sách như: Đặc trưng bánh dân gian Nam bộ; câu đố Thai ở Mỹ Xuyên-Sóc Trăng; nghi lễ trong gia đình ở Sóc Trăng; văn hóa phi vật thể của người Khmer ở Sóc Trăng; văn hóa dân gian phi vật thể huyện Ngã Năm; ca dao Tây Nam bộ; chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng; trò chơi dân gian Sóc Trăng; đặc điểm sông nước Sóc Trăng, hương sắc miền Tây…


Thầy Trần Minh Thương lựa chọn những đặc trưng của VHDG Nam bộ đưa vào bài giảng.
 

      Giúp học sinh hiểu hơn về VHDG 

      Những quyển sách trên góp phần giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống quê hương, khi mà nét đẹp này ít được giới trẻ ngày nay biết đến. Thực hiện chủ trương của Sở Giáo dục -Đào tạo tỉnh Sóc Trăng về dạy học theo dự án, định hướng phát triển năng lực học sinh và mang bao tâm huyết bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, từ năm học 2013-2014 đến nay, thầy Trần Minh Thương đã mạnh dạn đem những kết quả tìm hiểu, nghiên cứu VHDG đưa vào bài giảng. Cụ thể như: Các trò chơi dân gian, những món ăn, phong tục trong ngày Tết… Em Lê Thị Đàn - học sinh lớp 12C2, Trường THPT Ngã Năm chia sẻ: “Em rất thích phương pháp giảng dạy trên. Qua học, giúp em hiểu hơn nét văn hoá truyền thống của quê hương, dân tộc. Như phong tục dựng cây Nêu trong ngày Tết, trước giờ chỉ nghe nói, chứ đâu biết sự tích, ý nghĩa của cây Nêu. Cây Nêu được làm từ cây tre. Sở dĩ chọn tre do đây là loài cây được coi như tượng trưng cho người dân Việt Nam, thể hiện sự phấn đấu vươn lên, đoàn kết vượt qua giông tố và có sức sống mãnh liệt”.

      Đi đôi với giảng dạy, thầy Thương còn giao những đề tài trên lĩnh vực VHDG cho học sinh sưu tầm. Trong các cuốn sách do mình biên soạn, thầy Thương thích nhất cuốn Văn hóa dân gian phi vật thể huyện Ngã Năm do có nguồn tư liệu đóng góp của học sinh. Theo thầy Thương, việc sưu tầm giúp các em hiểu và nhớ lâu hơn nét đẹp VHDG của quê hương. 

      Năm học 2015-2016, 2016-2017, Trường THPT Ngã Năm có 05 học sinh đạt giải nhất, nhì, khuyến khích học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh. Cô Võ Thị Ngọc Thuý - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngã Năm nói: “Đạt kết quả này, công đóng góp của thầy Thương rất lớn. Thầy chịu khó, nhiệt tình hướng dẫn học sinh kỹ năng làm bài, liên hệ với đời sống sinh hoạt, học tập thực tế. Với việc giảng dạy các phong tục tập quán và gợi nhớ những trò chơi dân gian, sẽ giúp học sinh dù có đi đâu xa cũng nhớ về nơi miền quê yêu dấu”.
Thanh Nam

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77570297

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.