Nỗ lực khôi phục vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh
       Sóc Trăng với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, khí hậu hài hòa, vốn là vùng “đất lành” để phát triển vùng trồng cây ăn trái với đa dạng các loại cây trồng như: Bưởi da xanh, bưởi năm roi, cam xoàn, thanh nhãn, nhãn Idor hay cây vú sữa tím... Năm 2018, Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản giai đoạn 2018 - 2021 và định hướng đến năm 2025 của tỉnh cũng đã được UBND tỉnh chính thức phê duyệt; đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã thành lập Ban Quản lý Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản để triển khai thực hiện dự án. Đây là điều kiện cần thiết để ngành Nông nghiệp tỉnh tiến hành tổ chức lại sản xuất và hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung, phấn đấu đến cuối năm 2025, diện tích trồng cây ăn trái trên toàn tỉnh sẽ phát triển được 33.000 ha.

       Trong những năm qua, tình hình sản xuất cây ăn trái của tỉnh tuy có những chuyển biến về diện tích trồng cũng như áp dụng được rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật; song, diện tích vườn bị suy kiệt, già cỗi vẫn còn chiếm khá lớn. Chính vì vậy, để thực hiện mục tiêu đề ra, Ban Quản lý Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản đã triển khai các kế hoạch cải tạo, trồng mới tại những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản được trồng tập trung tại các hợp tác xã trong vùng dự án gồm: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Châu Thành, TX. Ngã Năm, TX. Vĩnh Châu. Theo đó, các thành viên phải có đủ diện tích đất để tham gia thực hiện và đồng ý với các khoản chi phí đối ứng để hoàn chỉnh mô hình. Cụ thể, chính sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống và 30% chi phí phân bón, thuốc BVTV sinh học theo định mức đã được UBND tỉnh phê duyệt trong dự án.

       Được xác định là đối tượng cây trồng chủ lực của khu vực vùng trũng thuộc xã Hưng Phú, Long Hưng – huyện Mỹ Tú với diện tích hơn 1.000 ha mỗi năm; nhưng sau thời gian dài khai thác trái, phần lớn nhà vườn trồng cây có múi tại Mỹ Tú đều phải đối mặt với tình trạng cây trồng bị vàng lá, thối rễ và rụng trái hàng loạt, gây thiệt hại đáng kể về năng suất. Năm 2018, ngay sau khi dự án được triển khai, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp cùng chuyên gia Trường Đại học Cần Thơ tiến hành lấy mẫu phân tích nguyên nhân rụng trái; đồng thời, thực hiện thí nghiệm để tìm được phương thức ngăn chặn sự lây lan trên diện rộng của bệnh và làm giảm thiệt năng suất cam xoàn tại vườn đang bị nhiễm bệnh. Thí nghiệm này được bố trí tại vườn nhà ông Lê Văn Thanh ở ấp Phương An 2, xã Hưng Phú trên diện tích 01 ha. Quá trình thực hiện thí nghiệm, nhà vườn được hướng dẫn cách cung cấp kịp thời chất dinh dưỡng cho cây, đặc biệt là các loại phân hữu cơ tự nhiên từ phân bò, rơm hay lục bình… kết hợp xử lý nấm Trichoderma phòng ngừa bệnh do nấm và tuyến trùng gây hại. Bên cạnh đó, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như cắt, tỉa cành, tạo tán và xử lý ra hoa để cây phát triển bền vững và khai thác được lâu dài. Đến nay, phần lớn diện tích cây cam xoàn, quýt đường hay cam sành đã dần hồi phục, ước tính năng suất cho trái đạt từ 20 – 30 tấn/1ha/năm.

       Còn với mô hình trồng mới cây cam xoàn với diện tích 1 ha của ông Trần Văn Suối, thành viên HTX Thiều Văn Chỏi ở ấp 7, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách. Vườn cây bắt đầu già cỗi sau nhiều năm khai thác trái đã được Ban Quản lý Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản hỗ trợ trồng mới vào tháng 10 năm 2018. Gần 3 năm thực hiện, với biện pháp canh tác hoàn toàn bằng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học; cũng như sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình và chuyên gia từ Trường Đại học Cần Thơ về kỹ thuật lên liếp, đắp mô, trồng cây và chăm sóc... vườn cam đang phát triển tốt với nhiều kì vọng sẽ đạt năng suất cao khi đến kỳ thu hoạch. Được biết trong năm 2020, dự án cũng đã tiếp tục hỗ trợ thêm 30% chi phí phân bón và thuốc hữu cơ sinh học để nhà vườn có điều kiện chăm sóc tốt cho mô hình. Ông Suối cho biết: “Nhờ được hỗ trợ rồi hướng dẫn sử dụng thêm phân hữu cơ nên thấy đạt lắm, tôi rất đồng ý, rất mừng. Vườn cây bây giờ sum xuê và phát triển tốt hơn trước”.

Ban Quản lý Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản tham quan mô hình cải tạo vườn cam xoàn của ông Lê Văn Thanh

        Tính đến nay, Ban Quản lý Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản đã thực hiện được 19 mô hình trồng mới và cải tạo vườn cây ăn trái với diện tích lên đến 19 ha. Nhìn chung, qua 02 năm triển khai, diện tích trồng cây ăn trái đặc sản các loại đã tăng từ 29.493 ha (năm 2017) lên 31.370 ha, đạt được 95% mục tiêu đề ra của dự án. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch quy hoạch lại vùng sản xuất cây có múi, đặc biệt là định hướng cho bà con nông dân chuyển đổi từ cây cam sành có nhiều hạt sang phát triển các loại cây không hạt có khả năng cạnh tranh được trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài chính sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống và 30% chi phí phân bón, thuốc BVTV sinh học theo định mức đã được UBND tỉnh phê duyệt, thì nhà vườn còn được hỗ trợ về lãi suất vốn vay ngân hàng khi có nhu cầu để phát triển các loại cây ăn trái đặc sản theo tinh thần Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đồng thời, Ban Quản lý Dự án tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm cây ăn trái đặc sản. Từ đó giúp nông dân an tâm sản xuất, góp phần thực hiện thành công Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản của tỉnh.

        Kỹ sư Võ Văn Vũ – Phó trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong 2 năm qua, năm 2020, Ban Quản lý Dự án cũng đã tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai dự án trong những năm tiếp theo. Đặc biệt là hỗ trợ các mô hình đã được thực hiện trong năm 2018 như cải tạo và trồng mới cây cam xoàn; tiếp tục thực hiện các mô hình trồng mới và cải tạo vườn cây ăn trái đặc sản trên cây bưởi, cây cam, cây nhãn, cây xoài, vú sữa, mãng cầu để nâng cao giá trị kinh tế đối với cây ăn trái đặc sản trên địa bàn tỉnh nói chung và trong vùng dự án nói riêng, nhằm nâng cao thu nhập và mang lại giá trị bền vững hơn cho bà con nông dân”.

        Thông qua các mô hình trồng mới và cải tạo vườn cây ăn trái từ Dự án phát triển cây ăn trái đặc sản giai đoạn 2018 – 2021 và tầm nhìn đến năm 2025 đã giúp nhiều hợp tác xã nâng cao về kỹ thuật canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, từng bước hình thành được những vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản tập trung cũng như đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững để góp phần tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cho người nông dân.

 Ngọc Thơ

Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80369272

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.