Bảo hiểm xã hội tự nguyện giúp cho người lao động tự do lúc về già
              Bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội đối với người lao động tự do, có thu nhập thấp và không ổn định để được hưởng lương hưu nhằm giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, đồng thời khi chết được hưởng chế độ tử tuất. Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Bảo hiểm xã hội, các cấp ngành, địa phương tham gia tích cực, loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện ở Sóc Trăng đã và đang được người dân quan tâm và tham gia tích cực.

              Là gia đình thuần nông, sinh sống tại ấp Ngan Rô 1, thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, cả gia đình ông Phạm Doãn Định đã tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội tự nguyện từ vài năm nay. Với mức thu nhập trên chục triệu đồng từ nghề nông, vợ chồng ông đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, sau khi được cán bộ làm công tác bảo hiểm huyện Trần Đề tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế. 

              Ông Phạm Doãn Định cho biết, việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ đem lại cho ông và những người thân trong gia đình có thêm khoản thu nhập khi tuổi già và không phải lo lắng nhiều trong việc khám chữa bệnh. Ngoài bản thân và vận động người trong gia đình cùng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Năm 2020, ông Định đã vận động được 18 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Năm nay, ông phấn đấu vận động trên 20 người.

              Cùng suy nghĩ giống ông Định, là một tiểu thương ở chợ Trần Đề, gia đình anh Nguyễn Văn Tàu ở ấp Đầu Giồng, thị trấn Trần Đề, hiện có cửa hàng bán quần áo tại chợ. Việc buôn bán kinh doanh của anh hiện tại khá tốt, thu nhập cũng ổn định nhưng theo anh Tàu, dịch bệnh xuất hiện bất ngờ như COVID-19 hiện nay sẽ ảnh hưởng nên để lo cho tương lai, khi về già. Sau khi được cán bộ bảo hiểm xã hội huyện đến tuyên truyền, vận động, anh đã tham khảo, nhờ tư vấn thêm trên báo, đài và quyết định mua bảo hiểm xã hội cho mình và người thân. Anh đã đóng bảo hiểm xã hội lần đầu cho 5 năm và anh yên tâm với cuộc sống lúc về già.

               Là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, bảo hiểm xã hội cũng là loại hình dịch vụ công, hoạt động phi lợi nhuận. Với những hộ nghèo, cận nghèo, những người tham gia bảo hiểm xã hội còn được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo tỷ lệ của chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Cụ thể, đối tượng nghèo sẽ được hỗ trợ mức đóng bằng 30%, cận nghèo là 25%, còn lại các đối tượng khác được hỗ trợ 10%.

               Theo bà Lê Thị Trúc Linh, cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Trần Đề, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với mức thu nhập. Khi hết tuổi lao động, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Khi qua đời, thân nhân được nhận trợ cấp mai táng phí và chế độ tuất theo quy định. 

Cán bộ và nhân viên BHXHTN huyện Trần Đề đến tận nơi tư vấn người dân tham gia

               Để thuận tiện cho người dân trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chỉ đạo cho các đại lý thu tại các UBND xã, phường, thị trấn, hệ thống bưu điện, hội nông dân, phụ nữ, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình… ở cơ sở đến tận nhà thu phí định kỳ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

               Với ý nghĩa nhân văn của việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội huyện Trần Đề đã tích cực vận động nhân dân, tuyên truyền trực tiếp tới người dân, tiểu thương, nông dân, người lao động tự do và cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng, kết quả là rất tốt, Trần Đề trở thành một trong 2 đơn vị dẫn đầu của tỉnh về thành tích phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

               Đánh giá kết quả làm được, ông Phạm Hùng Dũng - Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội huyện Trần Đề cho rằng, việc tuyên truyền qua nhiều cách như qua cán bộ công chức, viên chức, qua lồng ghép tuyên truyền các buổi sinh hoạt cộng đồng, đoàn thể, đồng thời phối hợp với các đại lý xuống tận nhà, ra tại ruộng, vào tận chợ… để phát tờ rơi, vận động, giúp người dân hiểu được nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nên mạnh dạn tham gia và vận động người thân, bạn bè cùng tham gia. Kết quả, năm 2020, huyện Trần Đề có 1.541 người tham gia, đạt 138% chỉ tiêu bảo hiểm xã hội tỉnh giao.

                Ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng thông tin thêm, tuy là loại hình mới nhưng bảo hiểm xã hội tự nguyện đang rất được người dân quan tâm. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng rất nhanh. Năm 2016 chỉ có 434 người tham gia, đến năm 2020 đã có 14.565 người (tăng 33 lần sau 5 năm). Kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2021, Sóc Trăng sẽ đạt 23.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. 

                 Để phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện bền vững, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân, năm 2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh Sóc Trăng xác định tiếp tục song hành nhiều giải pháp. Trong đó, ngành tăng cường phối hợp với các sở ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh việc tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phóng phú, hiện đại, giúp người dân, người lao động hiểu rõ quyền, lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó có sự đồng thuận, chủ động tham gia./.

Trung Hiếu - Chanh Đa



Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 81199474

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.