Sóc Trăng khẩn trương triển khai các phương án phòng chống sạt lở bờ sông tại một số địa bàn xung yếu
Bên cạnh xâm nhập mặn thì hiện tượng sạt lở bờ sông tại các địa phương ven sông Hậu như: Long Phú, Cù Lao Dung hay Kế Sách luôn là mối bận tâm rất lớn của ngành Nông nghiệp Sóc Trăng khi có sự ảnh hưởng trực tiếp đến lao động sản xuất và vấn đề an cư của bà con trong khu vực. Để hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt là trong mùa mưa bão sắp tới, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng một số địa phương vừa có chuyến đi khảo sát thực tế để triển khai kịp thời các phương án ứng phó phù hợp.

Là địa phương nằm cuối lưu vực sông Hậu với bốn bề sông nước, huyện Cù Lao Dung được xác định là một trong những điểm nóng về sạt lở bờ sông của tỉnh Sóc Trăng. Với trên 362 kênh rạch lớn nhỏ và trên 200 km đê bao sông chưa được đầu tư, nâng cấp; tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện có diễn biến phức tạp theo từng năm. Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã ghi nhận hơn 1.000m điểm sạt lở tại khu vực đầu cồn xã An Thạnh Nhất, hơn 100m sạt lở tại bến phà An Thạnh 3 qua Trà Vinh cùng 13 điểm sạt lở trên địa bàn 2 xã Đại Ân 1 và An Thạnh Đông - chủ yếu dọc theo tuyến đê bao tả - hữu. Được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, dự án kiên cố các đập, bờ câu chống sạt lở trên địa bàn huyện đang dần được hoàn thiện; tuy nhiên, để tăng khả năng chống chịu vào cao điểm mưa bão, triều cường, nhất là mùa gió chướng trong những tháng cuối năm 2021 rất cần phải triển khai thêm nhiều giải pháp công trình mang tính căn cơ hơn, đặc biệt là việc nâng cấp tuyến đê bao tả - hữu với tổng chiều dài hơn 80 km. Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung thông tin thêm: “Đối với huyện Cù Lao Dung xác định việc bảo vệ đê bên ngoài để hạn chế sóng, xâm thực làm ảnh hưởng đến việc sạt lở chân đê rất là quan trọng. Chính vì vậy mà huyện đề xuất tỉnh xem xét và hỗ trợ kinh phí để huyện thực hiện giải pháp trồng cây chắn sóng ở khu vực bên ngoài đê tả - hữu hơn 80 km, để làm sao bảo vệ tuyến đê này được lâu dài, hiệu quả và bền vững hơn. Về lâu dài, đề nghị tỉnh có kế hoạch thu hồi các phần đất bên ngoài đê để lên phương án di dời bà con sinh sống bên ngoài đê vào bên trong để dần hình thành khu tái định cư tập trung. Như vậy thì cuộc sống của bà con trong khu vực sẽ không phải chịu nhiều ảnh hưởng một khi sự có sạt lở xảy ra”.

Riêng tại huyện Long Phú, được sự quan tâm, hỗ trợ kinh phí từ tỉnh, nhiều điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện đã được khắc phục, góp phần rất lớn trong việc phòng chống thiên tai, ổn định đời sống sản xuất và hoạt động dân sinh. Tuy nhiên, với tác động của biến đổi khí hậu, toàn huyện hiện vẫn còn 12 điểm sạt lở với chiều dài gần 600m. Bằng nguồn kinh phí hiện có, huyện đã triển khai thực hiện gia cố tạm các điểm sạt lở bằng khung cừ dừa, cừ tràm... Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết: “Trong tổng số 12 điểm sạt lở thì đối với địa bàn xã Song Phụng có 3 điểm, xã Châu Khánh có 5 điểm, xã Long Đức 1 điểm và còn lại là xã Trường Khánh. Các điểm này chủ yếu nằm dọc theo tuyến lộ đal và các bờ bao ven sông nên cần thiết phải khắc phục ngay để bà con đi lại được thuận tiện hơn. Riêng với các điểm sạt lở ven bờ sông Saintard cũng cần phải triển khai phương án di dời để đảm bảo an toàn”.

Công tác khảo sát tình hình sạt lở bờ sông luôn được ngành Nông nghiệp tỉnh quan tâm. 

Có thể thấy, tình hình sạt lở bờ sông tại tỉnh Sóc Trăng ngày càng có diễn biến phức tạp với mức độ nghiêm trọng hơn theo từng năm. Nguyên nhân chủ yếu là do lượng phù sa theo nguồn nước lũ đổ về không còn dồi dào như trước, khả năng bồi lấp bờ sông hay các cù lao ở hạ lưu giảm dần. Dòng chảy ở một số tuyến sông, kênh rạch có sự thay đổi, lưu lượng nước chảy xiết; nhiều tàu trọng tải lớn lưu thông gây áp lực lên các bờ sông cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng sạt lở. Điều đáng lo ngại là hiện tượng sạt lở đã không còn xảy ra vào mùa mưa lũ mà ngay cả trong mùa khô.   

Thông qua các đợt khảo sát tại những khu vực có nguy cơ cũng như đánh giá mức độ ảnh hưởng, ngành Nông nghiệp đã và đang tham mưu UBND tỉnh phân bổ kinh phí ứng phó ngay từ đầu để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng thiệt hại khi có tình huống xấu xảy ra. Hiện tượng sạt lở thường xảy ra nhiều và phức tạp hơn vào đầu mùa mưa và thời điểm triều cường nên chủ động triển khai các phương án ứng phó thay vì khắc phục hậu quả là quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng trong công tác phòng chống các tình huống bất lợi do thiên tai gây ra. Đồng chí Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cho biết thêm: “Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, mức độ sạt lở xảy ra trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tương đối nhiều; hiện tượng sạt lở xảy ra tại các cù lao ven sông Hậu cho đến đê biển và các bờ bao ven sông rạch hay kênh nội đồng. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành thống kê các điểm sạt lở và phối hợp với các địa phương có nguy cơ để triển khai kế hoạch xử lí nhằm đảm bảo an toàn trong giai đoạn sắp tới. Riêng các đề xuất của huyện thì chúng tôi sẽ mời các ban, ngành tổ chức khảo sát để tìm các giải pháp phù hợp nhất cho từng địa phương, phải là những giải pháp mang tính ứng phó bền vững chứ không chờ hỏng đâu vá đó”.

Mặc dù trong những năm qua, tình trạng sạt lở tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chưa gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại rất lớn đến đất đai, công trình hạ tầng nông thôn, làm phát sinh kinh phí đầu tư khắc phục. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động xấu đến nhiều lĩnh vực; thiên tai ngày càng khó lường và mức độ ảnh hưởng cũng càng lúc càng trở nên nghiêm trọng, nên các phương án, biện pháp ứng phó mà tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực thực hiện sẽ góp phần rất lớn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trước diễn biến khó lường của thiên nhiên.

Ngọc Thơ

 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 78256378

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.