Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời và giảm thiêu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 145 /KH-UBND, ngày 31/12/2020 phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Mục đích của Kế hoạch: Nhằm tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai, sự tác hại, ảnh hưởng an toàn tính mạng và tài sản của người dân; Xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của pháp luật; Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; đồng thời, khắc phục khẩn trương, có hiệu quả sau thiên tai; Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ); Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai có hiệu quả; Nâng cao nhận thức cộng đồng trong “Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh.
 
Theo đó, kế hoạch phòng ngừa ứng phó và khắc phục hậu quả cụ thể như sau:
 
Đối với công tác tổ chức phòng ngừa: Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp.
 
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phối hợp Đài Khí tượng Thủy văn Sóc Trăng thực hiện tốt công tác thông báo, dự báo về triều cường, thời tiết nguy hiểm, áp thấp nhiệt đới, bão, xâm nhập mặn; qua đó, các địa phương và các đơn vị liên quan nắm tình hình kịp thời và chủ động phòng tránh, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn.
Cùng với đó, tổ chức tuỵên truyền nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng về phòng, chống thiên tai; Quy hoạch vùng dân cư và tổ chức sản xuất thích ứng với thiên tai; rà soát, xác định khu vực nguy hiểm, có kế hoạch di dời dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao; Chuẩn bị về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm thiết yếu sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra thiên tai; Có kế hoạch xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai, các công trình công cộng (các công trình này cần được kết hợp sử dụng làm địa điểm sơ tán dân khi có thiên tai); Xây dựng Phương án và địa điểm sơ tán nhằm bảo vệ người, tài sản; Đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; Xác định nguồn nhân lực ứng cứu khi có thiên tai…
Phương án ứng phó cho một số loại thiên tai cụ thể:
 
Đối với bão, áp thấp nhiệt đới: Sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung các đối tượng là người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật; Thông báo cho tàu thuyền, phương tiện khai thác thủy sản trên sông, biển ra khỏi vùng nguy hiểm; tổ chức kiểm, đếm, hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi neo đậu an toàn; Chằng chống nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; Chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ sản xuất; Kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố công trình phục vụ phòng, chống thiên tai; công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quôc phòng; Cảnh báo chủ phương tiện không đi vào vùng nguy hiểm trên sông, trên biển, nơi bị ngập sâu, nơi có nguy cơ sạt lở;“ Đảm bảo giao thông và thông tin liên lạc thông suốt đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai; Tổ chức tìm kiếm cứu nạn, sơ cấp cứu người bị nạn; hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm cần thiết tại nơi bị chia cắt và địa điểm sơ tán…
 
Đối với dông, lốc, sét: Các bản tin cảnh báo, dự báo phải được chuyển tải đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, Đài truyền thanh, Đài truyền hình để thông tin kịp thời đến người dân biết nhằm chủ động ứng phó; Kêu gọi chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây to có nguy cơ gãy đổ; Thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại, triển khai công tác khắc phục, hỗ trợ; Tổ chức khắc phục hậu quả trong trường hợp ngã đổ cây xanh, đường điện (nếu có).
 
Đối với triều cường: Thường xuyên theo dõi bản tin dự báo, cảnh báo thông tin kịp thời để địa phương và người dân chủ động phòng tránh; Tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê, bờ bao có nguy cơ tràn, gây vỡ đê, bờ bao để có giải pháp khắc phục kịp thời; Vận động người dân sống trong các vùng bị ảnh hưởng tôn cao bờ bao chống tràn để bảo vệ sản xuất; Tổ chức khắc phục hậu quả do triều cường gây ra, huy động lực lượng gia cố, sửa chữa các tuyến đê, bờ bao bị sạt lở; Thống kê mức độ thiệt hại (nếu có) để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.
 
Đối với nắng hạn, xâm nhập mặn: Thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng (về độ mặn trong ngày, thông báo lịch vận hành các cống...); đối với đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi phải có giải pháp vận hành công trình phù hợp nhăm ngăn mặn, trữ ngọt, đồng thời thông báo cho nông dân chủ động bơm trữ nước tưới phòng cho các đợt mặn xảy ra để phục vụ sản xuất; Có kế hoạch sửa chữa, vận hành các trạm cấp nước tập trung nước sinh hoạt nông thôn đảm bảo chất lượng để cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, xâm nhập mặn kéo dài; Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nhất là các công trình phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt, tổ chức kiểm tra, tổng họp việc đề xuất sửa chữa các công trình ngăn mặn kịp thời; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thủy lợi nội đồng kết hợp bồi trúc, tôn cao các tuyến đê, bờ bao ngăn mặn; Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước trong thời gian khô hạn.
 
Đối với sạt lở bờ sông, bờ biển: Tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở do địa chất nền đế tránh thiệt hại về người và tài sản; Phối hợp kiểm tra, rà soát những điểm có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là vào những tháng triều cường cuối năm, khi đỉnh lũ cao từ thượng nguồn đô vê theo cấp báo động; có kế hoạch chủ động tiến hành di dời các hộ dân sông trong khu vực sạt lở ra khỏi phạm vi ảnh hưởng, tránh thiệt hại vê người và tài sản; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tái định cư, dự án sắp xếp, bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn; trong đó, sắp xếp di dời dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng và phòng, chống thiên tai (sạt lở).
 
Về công tác tổ chức khắc phục hậu quả:
 
Triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu khác và hỗ trợ tâm lý để ổn định đời sống của người dân. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ, y tế tổ chức cấp cứu kịp thời đối với người gặp nguy hiểm về tính mạng, tìm kiếm người, phương tiện bị mât tích. Đồng thời, tiếp tục sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ưu tiên các đối tượng dễ bị tổn thương.
 
Ngành Y tế có trách nhiệm lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc phối hợp địa phương trưng dụng các cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại các khu vực xảy ra thiên tai để tiếp nhận và sơ, cấp cứu ban đầu người bị nạn kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người.
 
Rà soát, thống kê, xác định những đối tượng cần được hỗ trợ để có biện pháp cứu trợ, hỗ trợ kịp thời; Các ngành, các cấp cần phối hợp huy động lực lượng, vật tư, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh để cùng tham gia vào công tác cấp cứu người bị nạn.
 
Các ngành chức năng phối hợp cùng địa phương tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra, xác định nhu cầu cần hỗ trợ (lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm,...) và đề xuất phương án khắc phục hậu quả để kịp thời ổn định đời sống cho người dân, khôi phục lại sản xuất…
 
T.P
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 80201592

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.