Phát động phong trào thi đua “Sóc Trăng đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”
Ngày 09/9/2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 137/KH-UBND phát động phong trào thi đua “Sóc Trăng đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Kế hoạch nhằm mục đích nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.
 
Nâng cao ý thức trách nhiệm, sự tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân đối với việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng, chống dịch bệnh; sẵn sàng hỗ trợ vượt qua khó khăn và chiến thắng dịch bệnh.
Phát hiện, khen thưởng, động viên, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua.
 
Theo đó, sẽ thi đua ở các nội dung sau:
 
1. Về công tác tuyên truyền: Thi đua làm tốt công tác tuyên truyền; thông tin khách quan, thống nhất, chính xác, kịp thời về tình hình và các biện pháp phòng, chống dịch; truyền thông giáo dục sức khỏe để cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi có lợi cho sức khỏe và chủ động phòng ngừa dịch bệnh; chú ý lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân; tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, tấm gương tiêu biểu với tinh thần “Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; cổ vũ, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, tiếp thêm sức mạnh, truyền cảm hứng và niềm tin tất thắng vào “cuộc chiến” chống đại dịch Covid-19. Kiên quyết đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, xấu độc.
 
Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã tăng cường tuyên truyền, kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; làm cho dân hiểu công tác phòng, chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, tự giác bảo vệ cho mình, cho gia đình, góp phần bảo vệ cho cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân.
 
2. Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh: Phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Chủ động phát hiện sớm, cách ly nhanh các trường hợp nhiễm Covid-19, khoanh vùng và xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Khi dịch bệnh bùng phát, triển khai ngay thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo tinh thân “ai ở đâu ở đó”, đặc biệt cách ly triệt để, chặt chẽ, nghiêm ngặt các ổ dịch, nguồn lâỵ; tranh thủ “thời gian vàng” thực hiện giãn cách, tổ chức triển khai xét nghiệm thần tốc trên diện rộng để nhanh chóng phát hiện, tách nguồn lây (F0) ra khỏi gia đình, cộng đồng để phân loại, chăm sóc, điều trị kịp thời, hiệu quả; ngăn chặn, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
 
Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Đảm bảo thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, giảm tử vong, giảm ca bệnh nặng. Cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, nhà báo, đội tình nguyện... tiếp tục thi đua, thể hiện ý chí “chân cứng đá mềm”, trái tim nhiệt huyết, tấm lòng nhân ái, tận tâm, tận lực phục vụ đồng bào; đồng thời bảo đảm an toàn chống dịch.
Thực hiện tốt thông điệp 5T của Bộ Y tế. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh. Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên.
 
3. Về bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất khác... Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội.
 
Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng, an ninh văn hóa tư tưởng. Kiên quyết xử lý các hành vi tung tin giả gây hoang mang dư luận.
 
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch, hành vi kích động, bạo động gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
 
4. Đảm bảo an sinh xã hội
 
Bảo đảm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
 
Hỗ trợ kịp thời, chính xác, đúng quy định cho người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
 
Tăng cường vai trò của Mặt trận, các đoàn thể chính trị, các hội, trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, thông qua những chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
 
5. Đảm bảo duy trì sản xuất và lưu thông hàng hóa
 
Duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy tinh thần yêu nước, cùng đồng lòng, đoàn kết, thể hiện ý chí, bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần và sức mạnh, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; thi đua phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh, chăm lo việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động.
 
Bảo đảm vận tải, lưu thông hàng hóa kịp thời, thông suốt mọi lúc, mọi nơi. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống Nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...
 
6. Xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19
 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tích cực ủng hộ các nguồn lực, nguồn vaccine phục vụ công tác phòng, chống dịch của tỉnh.
 
Các tầng lớp Nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, thương nòi, “lá lành đùm lá rách”, “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”; sẵn sàng hỗ trợ vượt qua khó khăn. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa con người Việt Nam, hành động có trách nhiệm vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, chấp hành tốt quy định của các cấp chính quyền, nhất là những nơi phong tỏa, cách ly, phải thực hiện nghiêm ngặt người cách ly với người để ngăn chặn nguồn lây, góp phần sớm đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.
 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét tặng Bằng khen đối với các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp, đạt thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phong trào thi đua theo 02 đợt như sau:
 
Đợt 1: Từ ngày 09/9/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
 
Đợt 2: Sau ngày 31/12/2021 (tùy theo tình hình diễn biến của dịch bệnh).
 
Kết thúc mỗi đợt thi đua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét khen thưởng trên cơ sở đề xuất của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh và Sở Nội vụ.
 
H.Lan
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77478389

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.