Hạt gạo An Cư
Sau nhiều năm theo đuổi nghề chế biến lúa gạo sau thu hoạch, ông Trần Văn Cư, ngụ ấp Long Thành, xã Tân Long (TX. Ngã Năm) đã gặt hái được những thành công nhất định khi có trong tay sản phẩm đạt OCOP 3 sao - đó là gạo sữa An Cư. Đây là thành tích rất đáng tự hào đối với người nông dân này.
Trong những năm gần đây, trên thị trường trong, ngoài tỉnh và tại các hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm xuất hiện một loại gạo có màu trắng đục như sữa, được khách hàng ưa chuộng - đó chính là gạo sữa An Cư. Chủ nhân của hạt gạo độc đáo này là nông dân Trần Văn Cư và hiện ông Cư cũng là chủ cơ sở Nhà máy xay xát lúa gạo An Cư ở ấp Long Thành, xã Tân Long (TX. Ngã Năm).
 
Chia sẻ về “cơ duyên” làm nên sản phẩm độc đáo này, ông Cư bộc bạch: “Ban đầu cơ sở hình thành với máy móc thiết bị đơn sơ, rồi dần dần đầu tư nâng cấp nhà máy, mở rộng kho bãi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh lò sấy lúa công nghệ cao giúp giữ được phẩm chất gạo gần như tuyệt đối về tiêu chuẩn ẩm độ hạt gạo được bảo quản tốt, không gãy hạt gạo...”. Sau thời gian tìm tòi nghiên cứu, ông Cư bắt đầu sản xuất ra sản phẩm gạo sữa đóng túi, rồi nâng cao giá trị hạt gạo, mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm gạo. Cũng theo lời chia sẻ của ông thì lúa, gạo là sản phẩm chủ lực của tỉnh nhà nhưng giá trị và hiệu quả kinh tế mang lại trước đây chưa được như mong muốn. Do vậy, việc nâng cao giá trị cho hạt gạo bằng cách ứng dụng những công nghệ mới sau thu hoạch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống người nông dân. Chính từ nhận thức đó, trong quá trình xay xát lúa gạo, ông Cư đã nghiên cứu những công nghệ mới, trong đó có việc cho ra đời sản phẩm gạo sữa An Cư được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
Qua tìm hiểu được biết, gạo sữa không phải tên một loại giống lúa mà là trong quá trình sấy ở ẩm độ thấp, hạt gạo xay ra có màu trắng đục như sữa, khi nấu lên có mùi thơm, cơm mềm dẻo, ăn có vị ngọt nhẹ và đặc biệt chỉ có giống lúa OM 4900 mới sấy ra được loại gạo này. “Để làm ra hạt gạo sữa đạt chất lượng thì trước tiên, khi lúa còn ở ngoài đồng phải có độ chín vừa phải, sau thu hoạch đem đi sấy khô trên dưới 48 giờ, với nhiệt độ thấp hơn so với sấy lúa thông thường. Lúa sấy xong tiếp tục ủ thêm 24 giờ đồng hồ mới đem đi xay xát thành gạo, lúc sấy hạt gạo sẽ không bị gãy nên giữ độ nguyên vẹn hạt gạo” - ông Cư cho biết. 
 
Cũng theo thông tin từ ông Cư, hiện nay, tiêu chí chọn gạo của khách hàng ngày càng cao, khách hàng chọn gạo sạch, chất lượng và hướng tới chọn ăn gạo ngon; ngoài ra, sản phẩm của cơ sở còn phục vụ các đối tác là những khách hàng ở TP.Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương ưa chuộng loại gạo mềm, dẻo, thơm như dòng gạo ST24, ST25…, từ đó cơ sở định hướng sẽ mở rộng lò sấy với công suất 350 tấn/ngày, nhà máy xay xát gạo với công suất 100 tấn/ngày để phục vụ khách hàng được tốt hơn. Đồng thời sẽ phát triển thương hiệu gạo sữa từ dòng lúa OM 4900 sang các dòng lúa cao cấp như từ dòng gạo sữa ST 24. Ngoài ra sẽ đăng ký thương hiệu gạo từ dòng lúa đặc sản ST 24, ST 25 và RVT.
 
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Văn Mẫn cùng đoàn công tác tỉnh trong lần ghé thăm và tìm hiểu về hoạt động của cơ sở ông Cư. Ảnh: QUANG BÌNH
 
Trong khâu liên kết tiêu thụ, cơ sở Nhà máy xay xát lúa gạo An Cư đang có định hướng phát triển thêm các sản phẩm lúa thơm đặc sản như: ST 24, ST 25, liên kết tiêu thụ bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã Long Thành, xã Tân Long để đáp ứng cho các khách hàng đối tác. Cơ sở sẽ thu mua theo giá thị trường với hợp đồng mua bán cụ thể vào thời điểm thu hoạch. Đồng thời làm cầu nối giữa công ty, doanh nghiệp và các hợp tác xã để gia công toàn bộ sản phẩm do đối tác liên kết tiêu thụ bao tiêu sản phẩm theo yêu cầu nên đã xây dựng kho chứa 5.000 tấn lúa để phục vụ liên kết với đối tác các tỉnh thành và địa phương. “Cơ sở hiện vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nào để mở rộng quy mô liên kết bao tiêu sản phẩm, do đó rất cần nhận được sự hỗ trợ từ địa phương và các cơ quan cấp tỉnh để có thể mở rộng công suất và có nguồn vốn để thúc đẩy phát triển kinh doanh, đáp ứng các điều kiện với đối tác khách hàng góp phần phát triển kinh tế địa phương” - ông Cư cho biết thêm.
 
Với những đề xuất, kiến nghị của cơ sở Nhà máy xay xát lúa gạo An Cư, trong lần đến thăm và tìm hiểu về hoạt động của cơ sở này, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Văn Mẫn đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương xem xét để có hướng hỗ trợ kịp thời. Tại đây, Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá rất cao những kết quả mà cơ sở này đạt được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian qua.
 
Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Văn Mẫn cho rằng, cở sở Nhà máy xay xát lúa gạo An Cư có quy trình hoạt động sản xuất lúa gạo rất bài bản, trong điều kiện dịch Covid-19 thời gian quan diễn biến hết sức phức tạp nhưng hoạt động của cơ sở an toàn, đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch; quy trình tiếp nhận nguyên liệu lúa của các cơ sở thu mua đem về cơ sở Nhà máy xay xát lúa gạo An Cư rất an toàn. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động thì cơ sở này có công nghệ, thiết bị vận hành rất tốt, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và mang lại tính hiệu quả kinh tế cao. Mong rằng trong thời gian tới, cơ sở Nhà máy xay xát lúa gạo An Cư tiếp tục “sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất”; đồng thời phát huy tốt điều kiện cơ sở vật chất đang có, cộng với các mối quan hệ trên thị trường tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ lúa hàng hoá…
 
QUANG BÌNH
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77463402

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.