Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đóng góp cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đóng góp luật tại Tổ 6.
Buổi sáng, các đại biểu đã nghe tờ trình Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Dự thảo được xây dựng trên cơ sở bám sát vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 6 nhóm chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng tại Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực tiễn. Đồng thời, dự thảo được xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tiếp đó, các đại biểu đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Dự thảo luật gồm 8 chương, 73 điều, quy định những nội dung cơ bản, cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số. Dự thảo được xây dựng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, khắc phục các hạn chế trong thực thi pháp luật hiện hành. Luật sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ưu đãi cho ngành công nghiệp công nghệ số, kế thừa các quy định phù hợp và tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Sau khi nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra, 2 dự án luật, các đại biểu đã thảo luận tổ các nội dung này. Tổ 6 gồm đại biểu các tỉnh Hà Giang, Bạc Liêu, Bình Định đã cùng thảo luận với Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Sóc Trăng dưới sự điều hành của đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng. Tại đây, đồng chí Lâm Văn Mẫn đã đóng góp cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số: Tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử, được pháp luật bảo hộ quyền tài sản, phù hợp quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ, và pháp luật khác liên quan. Tài sản vô hình nhưng phải được xác thực, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, được phát hành, được lưu trữ, được chuyển giao, xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử, mà phải được pháp luật bảo hộ quyền tài sản, cho nên việc pháp luật bảo hộ quyền tài sản phải theo kịp, còn không là sẽ rối, bởi có rất là nhiều loại tài sản mà người ta tạo ra và người ta đề nghị phải được pháp luật bảo hộ.
Buổi chiều các đại biểu đã làm việc tại hội trường để thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Nghị quyết đã được thông qua với 421/423 đại biểu tán thành. Tiếp đó, các đại biểu đã thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 413/422 đại biểu tán thành, bằng 86,22% tổng số ĐBQH. Cuối giờ chiều, các đại biểu đã thảo luận tại hội trường dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) với 12 đại biểu phát biểu ý kiến về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất; các hành vi bị cấm; Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; quy định đối với dự án hóa chất; khai báo hóa chất nhập khẩu; vận chuyển, tồn trữ hóa chất; giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện; quy định về hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, hóa chất cấm; quản lý hóa chất mới...
Ngày 25/11, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững.
THANH KHIẾT
Nguồn: Báo Sóc Trăng